CNN: Nguồn gốc cơn giận của ông Trump với Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Moscow chậm trễ gửi bản ghi nhớ hòa bình, đồng thời tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực hòa bình bị đình trệ

Theo CNN, tuần trước, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump cho biết Moscow đã cam kết sẽ soạn và gửi một “bản ghi nhớ hòa bình” trong vài ngày tới. Tài liệu nêu rõ các yêu cầu của Moscow để đi đến lệnh ngừng bắn với Ukraine, theo tiết lộ từ một quan chức Mỹ và một quan chức Nhà Trắng.

Tuy nhiên, hơn một tuần sau cuộc gọi đó, Mỹ vẫn chưa nhận được bất kỳ tài liệu nào từ Nga. Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, ông Trump đang tỏ rõ sự tức giận với ông Putin vì tiến trình hòa bình bị đình trệ và cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow trong vài ngày tới.

Trong vài tuần qua, Nhà Trắng đã chuẩn bị sẵn một loạt phương án nhằm siết chặt lệnh trừng phạt Nga, song đến nay ông Trump vẫn chưa phê duyệt. Tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ “chắc chắn” cân nhắc các lệnh trừng phạt mới sau làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga ở Ukraine.

Bình luận trên mạng xã hội Truth hôm 27/5, ông Trump tiếp tục gay gắt: “Ông Putin không nhận ra rằng nếu không có tôi, thì nước Nga đã gặp phải rất, rất nhiều chuyện tồi tệ rồi. Ông ấy đang đùa với lửa”.

Cân nhắc trừng phạt – nhưng không muốn dập tắt đàm phán

Dù vậy, theo những người thân cận với Trump, ông vẫn có thể chọn không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, giống như các lần trước khi ông rút lại lời đe dọa nhằm vào Nga, theo CNN. Trong các cuộc trò chuyện riêng, ông Trump bày tỏ lo ngại rằng các lệnh trừng phạt mới có thể khiến Nga rút khỏi bàn đàm phán hòa bình.

CNN cũng lưu ý, việc ông Trump muốn Moscow gửi bản ghi nhớ, không chỉ cho Ukraine mà cả Mỹ, cho thấy Washington vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục can dự trong tương lai.

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Hai tuần trước, ông Trump nói với ông Putin rằng Nga và Ukraine nên đàm phán trực tiếp để đạt được một thỏa thuận hòa bình, còn châu Âu và Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ khi cần.

Ông Trump sau đó viết trên mạng xã hội rằng các điều kiện cho lệnh ngừng bắn “sẽ được đàm phán giữa hai bên, vì chỉ có họ mới có thể làm điều đó”.

Tiến trình đàm phán hòa bình

Hiện tại, cuộc trao đổi gần nhất giữa Nga và Mỹ là cuộc điện đàm vào tuần trước giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.

Ông Rubio nói Nga đang “soạn một tài liệu nêu rõ các yêu cầu ngừng bắn, mở đường cho đàm phán sâu rộng hơn”. Nếu tài liệu đó được trình bày, cùng với đề xuất từ phía Ukraine, thì “chúng tôi có thể lấy đó làm cơ sở”, ông Rubio cho biết.

Hôm 27/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đang tiếp tục soạn thảo tài liệu. “Chúng tôi đang xây dựng bản dự thảo ghi nhớ về thỏa thuận hòa bình tương lai, xác định các yếu tố như: nguyên tắc giải quyết, khung thời gian cho việc ký kết thỏa thuận, và khả năng tạm ngừng bắn trong trường hợp đạt được đồng thuận”, bà Zakharova nói.

“Ngay khi hoàn tất, bản ghi nhớ sẽ được chuyển cho Kiev”, bà nói thêm.

Ukraine đã gửi đề xuất về các điều kiện hòa bình cho Mỹ nhưng không rõ Kiev có gửi cho Moscow hay không, theo CNN.