Chuẩn… dâu

Làm dâu! Hai chữ đó thôi cũng đủ để các cô gái nơm nớp lo. Cứ như thể mẹ chồng là hùm beo, nhà chồng là hang sói...

Đang chăm chú lựa mấy thứ củ quả, mọi người giật mình khi nghe giọng một phụ nữ oang oang: Cái đó là dây lạt gói bánh chưng. Vậy là không làm dâu được rồi!
Đối tượng của câu nói… dễ quê đó là một cô gái trạc 30, đang nhìn người vừa chỉ trích cái sự “thiếu hiểu biết” của mình bằng nét mặt vừa bị tổn thương, vừa có vẻ… không thèm chấp. Rồi chậm rãi ngó chị phụ nữ kia một cái từ đầu đến chân, lướt mắt xuống bộ đồ mặc ở nhà xuềnh xoàng bằng thun lạnh, đôi dép kẹp lẹt xẹt, sang chiếc xe số cũ kỹ lỗi thời, cô gái bình thản bỏ đi. Chị phụ nữ như lúng túng khi bị mọi người nhìn soi vào mình, phân bua: Tại cổ hỏi cái bó dây kia để làm gì mà bán ở hàng rau!
Không ai nỡ trách câu buột miệng của chị. Bởi, căn cứ vào bề ngoài có phần lam lũ ấy, hẳn chị đang tự trói đời mình và muốn áp đặt cả người khác vào những thứ chuẩn mực cũ kỹ do chính bản thân nghĩ ra.
Câu chuyện vu vơ ngoài chợ bỗng làm tôi nhớ đến cái thời mình mới lớn, ở cái xứ mà người ta dùng chữ “gả con” để chỉ việc một cô gái lập gia đình. Bà mẹ nào có con gái tuổi cập kê là nơm nớp sợ con mình… bị ế. Mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Mỗi việc tôi làm đều bị mẹ “soi” kỹ lưỡng, kèm theo câu hăm dọa cửa miệng là “vụng về cẩu thả như thế, mai mốt người ta đổ lên đầu”. Mẹ sát sao từ việc chà mớ xoong chảo cho sạch bóng lọ nghẹ (hồi ấy vẫn đun nấu bằng củi) đến quét cái nhà sao cho tinh tươm. Từ cách đổ rau câu, làm gà làm vịt, đến tỉa quả ớt cọng hành thành những cái hoa, tôi đều phải thuần thục. Cứ mỗi lần trong xóm có đám tiệc gì là nhà nhà đều gửi con gái sang phụ giúp một tay, gọi là đi “giùm đám”. Đó là cơ hội để nhìn trước ngó sau mà học hỏi, khoe tài, là dịp mấy thím mấy dì chỉ cho đám con gái lơ ngơ cách bếp núc nội trợ, đặng mai sau về làm dâu nhà người.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Làm dâu! Hai chữ đó thôi cũng đủ để các cô gái nơm nớp lo. Cứ như thể mẹ chồng là hùm beo, nhà chồng là hang sói, lúc nào cũng săm soi xét nét, ác độc như trong phim hay mấy vở cải lương vậy.
May quá, cuối cùng thì tôi cũng “hết lo ế”. Về nhà chồng, bạn bè gặp lại, thường hỏi nhau chỉ một câu: “Mày có phải làm dâu không đấy?”. Rồi sau đó, hoặc thở ra nhẹ nhõm, hoặc chia sẻ tâm trạng: “Khổ thân mày rồi, bà ấy có ghê gớm không?”.
Dấn mình vào… hang cọp rồi tôi mới biết, cái thời ba mẹ chồng ăn xong là con dâu phải vội vã buông đũa, đứng lên rót nước lấy tăm đã xa lắm. Mẹ chồng tôi bây giờ, trước khi đi chợ còn dò ý hai đứa con dâu, xem muốn mua gì, thức nào mà dâu kêu ngán là loại ra ngay. Mẹ cũng chưa từng nói những câu kiểu như “thời tôi làm dâu thế này thế nọ” hay “con dâu bây giờ sao sướng vậy không biết”. Tất cả đều ngầm hiểu, đàn bà thời nay hay thời xưa gì cũng không ai sướng cả. Chỉ là mỗi thời mỗi khác. Mỗi cuộc đời mỗi hoàn cảnh. Đàn bà cứ hay tự làm khổ nhau bởi những định kiến của mình.
Tôi tất nhiên cũng không chu toàn được như kỳ vọng của mẹ ruột. Phụ nữ bây giờ vừa phải bon chen ngoài xã hội, vừa phải cáng đáng con cái, gia đình, áp lực kiếm tiền, nuôi dạy con, giữ chồng trước muôn vàn cám dỗ bên ngoài, quả là chẳng dễ dàng gì. Thời nào rồi mà còn bắt đàn bà phải cung phụng cả gia đình chồng, trong khi mấy ai nghĩ lại, phía nhà chồng đã giúp được gì, có thương yêu đỡ đần gì được cho họ chưa? Nhưng thôi, cuộc sống thay đổi, những chuẩn mực của một cô con dâu đương nhiên cũng phải khác. Mẹ chồng gắng theo kịp cuộc sống hiện đại. Con dâu cũng giữ gìn lại một chút gì đó của công dung ngôn hạnh, không phải để nai lưng ra hầu hạ phục tùng, mà để biết cách làm cho bếp nhà mình đỏ lửa là tốt lắm rồi. Nghĩ vậy đi, cho nó lành!
Tôi từng nghe một lời nhận xét cực choáng: “Thím ấy giỏi quá, sao mà làm dâu được!”. Chao ơi, đàn bà giỏi giang thì không thể nào bó đời mình trong xó bếp, nên không đạt chuẩn làm dâu thật ư? Vậy nên, chẳng ngạc nhiên khi chị phụ nữ sáng nay ở hàng rau đã nghĩ, “làm dâu” thì phải biết tất tần tật mọi thứ liên quan tới bếp núc… Vì chị đã trải đời mình như thế, nên sẵn lòng buông lời chê bai người khác; hay chị cho rằng, phải như thế thì mới đúng là một nàng dâu truyền thống?
Còn cô gái ban sáng, giả sử cô là nhân viên văn phòng, một chồng một con, chẳng hạn. Cô có thu nhập đủ sống, biết dọn dẹp nhà cửa, biết phân biệt cà rốt Trung Quốc với hàng Đà Lạt, biết chi xài ngân sách chung sao cho hợp lý, trong danh bạ điện thoại có sẵn số điện thoại taxi và bác sĩ nhi để phòng khi cần. Cô biết cách nấu cháo cho con sao cho đủ mấy nhóm dinh dưỡng. Mẹ chồng cô bị bệnh tiểu đường, cô biết chọn những thứ trái cây ít ngọt cho cả nhà tráng miệng. Có thể cô không rành cách nấu những mâm cỗ cầu kỳ, nhưng cô biết nơi đặt món, biết lựa thực đơn sao cho vừa túi tiền, biết thương lượng kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. Nhiêu đó là quá đủ xài rồi. Còn đòi hỏi chi cao xa hơn?
Giờ còn được mấy cặp trai gái cưới nhau muốn chung sống với gia đình chồng? Hẳn là không nhiều lắm! Vậy những đôi ra riêng, cô con dâu kia không phải “làm dâu”, tức là có thể quên hết mọi bổn phận trách nhiệm lễ nghĩa với gia đình chồng ư? Dù ở thời nào và có ở chung hay không thì “làm dâu” vẫn là một khái niệm quen thuộc, chẳng đến mức đáng sợ, đáng ghét nếu không bị chính những người phụ nữ trong cuộc mang ra đặt chuẩn mà làm khổ nhau.

Mỗi khi giận vợ, anh lại đi tìm gái…

Chẳng biết có ai đủ nhẫn nhịn như tôi khi phải cố tình làm ngơ khi biết chồng mình đi tìm gái…

Nhiều người khuyên tôi bỏ Hùng, tôi cũng đã nhiều lần nghĩ đến điều đó nhưng cuối cùng mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Trong gia đình, tôi không quyết định về kinh tế. Có lẽ chính điều này đã khiến anh coi thường và công khai phản bội vợ.

Chúng tôi cưới nhau đã 6 năm. Con trai tôi được 5 tuổi. Hùng muốn tôi sinh thêm đứa nữa ngay khi đứa đầu mới hơn 1 tuổi nhưng tôi không đồng ý. Lý do tôi đưa ra là con còn nhỏ quá, nếu sinh nữa, tôi sẽ rất cực.

Lần đó, vợ chồng nói qua nói lại một hồi, anh xách xe bỏ đi đến sáng hôm sau mới về. Tôi nghe áo anh có mùi lạ. Mấy hôm sau, tôi phát hiện trong cặp anh có mấy chiếc bao cao su chưa dùng.

Cảm xúc của tôi lúc đó rất đau đớn, thất vọng, chán nản đến tột cùng. Tôi biết chắc là anh đã ngủ với người khác nhưng không biết người đó là ai. Đã nhiều lần tôi muốn gạn hỏi Hùng nhưng rồi nhìn thái độ của anh, tôi lại không dám.

Lần thứ hai, tôi hết tiền mua sữa cho con, bảo anh đưa thì anh quát: “Tiền… tiền… sao lúc nào thấy mặt bà là đòi tiền vậy?”. Anh vứt cho tôi mấy trăm ngàn rồi lại xách xe đi.

Hôm sau khi anh trở về, tôi lại nghe người anh có mùi nước hoa lạ. Lần này tôi không nhịn được nữa nên đã chất vấn anh về điều này. Không ngờ, anh thừa nhận: “Tôi đi tìm gái đó, cô làm gì tôi? Đi với tụi nó, tôi tốn tiền nhưng được chăm sóc chu đáo, còn với cô thì sao? Tôi làm chuyện này lâu rồi chớ không phải tới bây giờ mới làm, đừng có hỏi nữa nghe chưa”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trời ơi, bây giờ anh còn chê tôi không biết làm vợ, không biết chiều chuộng anh trên giường. Tôi làm vợ chớ đâu phải làm gái điếm mà phải có thủ thuật, kỹ thuật gì gì đó như lời anh nói. Tức quá, tôi gào lên: “Anh thật quá đáng. Anh đi tìm gái thì sướng cái thân anh nhưng đừng có mang bệnh tật về đổ cho vợ con…”. Anh bảo: “Tôi đâu có ngu mà cô lo”.

Nếu bạn là tôi, bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? Còn tôi, chỉ biết khóc. Tôi ôm con khóc hết ngày này qua ngày khác. Tôi muốn gởi con đi nhà trẻ, kiếm việc làm nhưng lúc đó tôi không có tiền. Nói với Hùng thì anh gạt đi: “Nhiều chuyện. Ra ngoài để kiếm trai hả?”.

Vậy là tôi phải tiếp tục ôm con, ngày ngày chờ đợi. Hùng vui thì về nhà, không thì đi luôn. Có hôm mẹ con tôi không còn đồng nào để mua thức ăn. Tôi thì không sao nhưng thằng bé thì không thể không có cá thịt. Tôi ẳm con vô công ty tìm anh. Sau khi đưa cho tôi mấy trăm, anh gằn giọng: “Lần sau mà cô còn tới đây thì đừng có trách”.

Tôi không biết mình đã làm gì để phải bị chồng đối xử như vậy? Không có lẽ chỉ vì tôi “không biết làm vợ, không biết chiều chồng” như những cô gái khác mà anh cư xử tệ bạc như vậy? Sao hồi mới quen nhau anh không nói như vậy?

Hồi đó anh rất biết điều, luôn lo lắng quan tâm tôi một cách chu đáo. Vậy mà chỉ sao thời gian biết tin ba tôi vỡ nợ không bao lâu, thái độ của anh đã hoàn toàn thay đổi. Anh xem tôi như một con hủi. Từ chỗ dằn vặt từ chuyện nhỏ đến chuyện to, anh công khai chuyện ngoại tình. Không chỉ ngoại tình, anh còn đi tìm gái bán dâm bên ngoài...

Chính vì những điều đó mà phần tiền dành cho mẹ con tôi ngày càng teo tóp; tôi phải nhịn ăn, nhịn mặc nhường phần cho con. Tôi không còn đủ sức để tự chăm sóc bản thân thì làm sao có sức để chiều chuộng nhu cầu chăn gối gần như bất tận của anh? Làm sao tôi có thể làm được những điều mà anh bày vẽ như trong phim sex mà anh bắt tôi xem? Chỉ nghĩ đến việc anh ăn nằm, chung đụng với gái làng chơi, tôi đã ghê tởm, kinh sợ…

Cuối cùng rồi cha mẹ và các anh chị tôi cũng biết chuyện. Mẹ tôi nói: “Thôi con à, nếu thấy không sống với nhau được nữa thì thôi chớ sống với thằng chồng lang bang như vậy, có ngày nó đổ bệnh cho con...”. Tôi cũng đã suy nghĩ về chuyện này.

Từ lâu, tôi đã không còn cảm xúc, không còn giận dữ, ghen tuông mỗi khi anh đi chơi bời bên ngoài. Tôi cũng nói thẳng với anh nếu muốn thì phải có biện pháp bảo vệ , còn không thì thôi. Thấy tôi khăng khăng, anh cũng nản nên gần như vợ chồng chẳng còn gần gũi. Khi có nhu cầu, anh lại đùng đùng xách xe đi tìm gái bên ngoài. Có khi giữa đêm hôm khuya khoắc, anh cũng xách xe đi. Tôi chỉ còn biết ngán ngẩm thở dài...

Tôi không biết có người vợ nào lâm vào cảnh ngộ như tôi hay không? Và các chị sẽ làm gì khi biết chồng mình đi tìm gái một cách công khai, ngang nhiên như vậy? Tôi rất cần một lời khuyên trong lúc này...

Và anh đã mất em…

Nếu lần sau có một cô gái nào giống như em, chắc chắn anh sẽ không ngu dại đánh mất một lần nữa…

Anh là người có số đào hoa. Bạn bè đều nói vậy bởi có rất nhiều cô gái theo đuổi, săn đón, nói yêu anh. Thế mà anh chẳng yêu ai cả cho đến khi gặp em.

Em chẳng nói yêu anh, thích anh mà chỉ âm thầm chăm sóc, giúp đỡ những khi anh cần. Anh đau đầu, có người mua thuốc; anh đói bụng, có người mang cho chiếc bánh; anh mệt không đi làm, có người mang hồ sơ đến tận nhà cho anh xem…

Hình như anh đã yêu em. Thế nhưng, cái bản tính ngang tàng, kiêu ngạo cố hữu đã khiến anh nghĩ rằng nhất định em phải mở lời nói yêu anh trước thì anh mới đáp lại. Cứ thế anh đợi chờ. Anh mong đến cháy lòng được gặp em, được nghe em nói, nhìn em cười; được em chăm sóc, vỗ về…

Anh còn thèm có em suốt cả cuộc đời bởi những cô gái trước đây thích anh không có đủ sự dịu dàng, ấm áp như em. Vậy mà chỉ một lời nói yêu em, anh cũng so đo, toan tính. Một lời nói yêu em, anh cũng sợ sẽ làm mình “mất giá”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Anh nhớ có lần, em tinh nghịch ngước nhìn anh qua kẽ những ngón tay. Hai con mắt tròn xoe như một dấu hỏi rằng anh có yêu em không? Lẽ ra lúc đó anh đã ôm em vào lòng, thủ thỉ bên tai em rằng anh rất yêu em… Thế mà khi bàn tay em khép lại che khuất ánh mắt đau đáu đợi chờ, anh vẫn làm thinh.

Và rồi anh đã mất em. Có một gã đàn ông khác đã hào phóng dâng cho em một lời tỏ tình. Vậy là anh mất em. “Tại sao em lại yêu hắn?” - anh đã đau khổ gần như điên cuồng. Rồi anh cũng tự trả lời: Vì anh quá cao ngạo và ích kỷ.

Chỉ 3 tiếng “anh yêu em” mà anh không thốt ra được thì đâu có cơ sở nào để em tin rằng sau này anh sẽ nhường nhịn, chịu đựng và cùng em vượt qua giông bão của cuộc sống vợ chồng.

Nếu lần sau có một cô gái nào giống như em, chắc chắn anh sẽ không ngu dại đánh mất một lần nữa…

Vỡ mộng chồng ngoại

Ngày Thủy làm đám cưới bao trai làng ngẩn ngơ vì tiếc hùi hụi một người con gái quê xinh đẹp, ngoan hiền “bay” đi lấy chồng xa xứ. 

Xinh đẹp, chăm chỉ lại ngoan hiền nhất xóm, thậm chí là nhất làng, chính vì thế mà Nguyễn Thị Thu Thủy, con của ông Toàn và bà Hằng, ở xóm Đông luôn lọt vào “tầm ngắm” của đám trai làng đến tuổi cập kê. Chẳng vậy mà chưa đủ 16 tuổi Thủy đã được bao gia đình của các chàng trai mang trầu cau đến dạm hỏi.

Có những gia đình cực kỳ khá giả về kinh tế, gia đình lại gia giáo nền nếp đến hỏi Thủy cho con trai họ nhưng cũng không chấp thuận. Không chỉ Thủy, mà bố mẹ cô cũng không ưng đám nào, nên đành thoái thác với lý do “cháu nó còn nhỏ chưa đủ tuổi cưới chồng”… Vì vậy tất tật các chàng trai trong làng có ý định lấy Thủy làm vợ vẫn nung nấu một chút hi vọng, đợi chờ khi Thủy lớn thêm chút nữa…

Đặc biệt, hầu như dân làng chẳng bao giờ thấy Thủy cũng như bố mẹ cô giao du với những người ở nơi khác, vì vậy ai cũng nghĩ kiểu gì khi đủ tuổi Thủy cũng sẽ “ăn cỏ đồng ta”, chứ không thể lấy chồng thiên hạ.

Thế nhưng, sự đời lại không như người ta nghĩ, đùng một cái, vừa bước sang tuổi 17 Thủy đã làm đám cưới rình rang với một người đàn ông Đài Loan hơn gấp 3 lần tuổi, và thậm chí còn nhiều hơn ông Toàn, là bố Thủy những 6 tuổi. Thì ra, bấy lâu nay bà Hằng, ông Toàn đã bàn bạc với Thủy về việc sẽ gả Thủy cho một người nước ngoài qua sự mai mối của người chị họ xa ở xã bên cũng lấy chồng Đài Loan.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thủy chấp nhận lấy chồng ngoại quốc vì cô nhìn thấy người chị họ kia vẫn kể về cuộc sống cực kỳ vương giả với tiền bạc giàu sang, cuộc sống an nhàn, chỉ mỗi việc ăn chơi và chăm sóc con cái nơi xứ người. Một tương lai màu hồng được vẽ ra trước mắt, và lại được bà chị họ hứa giúp đỡ nên việc Thủy chấp nhận lấy chồng già cũng là điều dễ hiểu.

Về phần ông Toàn và bà Hằng, mới đầu nghe nói về ông con rể già khụ, nhiều tuổi hơn cả mình đã có chút ngập ngừng, suy tính. Thế nhưng, khi nghĩ về viễn cảnh con gái giàu sang sẽ giúp sức nhiều cho việc vực dậy kinh tế gia đình vốn đang khó khăn, thì cũng chấp thuận. Đám cưới được tổ chức tức thì sau 1 lần gặp mặt với chú rể và họ nhà trai.

Ngày Thủy làm đám cưới bao trai làng ngẩn ngơ vì tiếc hùi hụi một người con gái quê xinh đẹp, ngoan hiền “bay” đi lấy chồng xa xứ. Người mừng cho Thủy thì ít mà người thầm trách cô, bố mẹ cô tham tiền bạc, sang giàu thì nhiều. Đám cưới của Thủy thuộc diện to tát, linh đình nhất huyện, khi nghe đâu bên nhà trai làm cỗ bàn, lo toan chuyện cưới những gần nửa tỷ đồng Việt Nam. Đó là chưa kể, số nữ trang mà chú rể sắm cho Thủy cũng lên tới cả trăm triệu đồng.

Từ ngày Thủy lấy chồng bên Đài Loan thì quả thực kinh tế nhà ông Toàn, bà Hằng có khấm khá lên nhiều do vợ chồng con gái viện trợ. Thế nhưng Thủy sống thế nào và có hạnh phúc hay không thì dân xóm Đông, làng Thào không hề hay biết, bởi đã 3 năm rồi cô không một lần về thăm quê mà biền biệt nơi xứ người. Những ngày Tết nhất, giỗ chạp ông Toàn, bà Hằng mắt luôn đỏ hoe vì nhớ thương và ngóng đợi con.

Tất cả thông tin về Thủy đều phụ thuộc qua người chị họ của Thủy thi thoảng về nước. Khi bố mẹ Thủy hỏi thăm tin tức con gái thì cô chị họ của Thủy đều bảo: “Em nó vẫn ổn lắm! Nó lo chăm sóc con nên không có thời gian về thăm nhà. Khi nào con nó lớn thêm sẽ về thăm nhà cả tháng cho ông bà mừng”.

Nghe một số thông tin về con gái như vậy bố mẹ Thủy cũng tạm yên lòng, nhưng vẫn còn thắc mắc nghi ngại điều gì đó mà ông bà chưa thể tìm ra câu trả lời, đó là tại sao mà cả Thủy và chồng nó không quay trở về nhà một lần nào sau ngày cưới?

Bốn năm, tính từ ngày cưới chồng, Thủy bỗng đột ngột trở về nhà một mình, thân hình tiều tụy, cánh tay thì phải bó bột, chân đi tập tễnh. Nhìn thấy bố mẹ, Thủy khóc nức nở kể về suốt 4 năm bị đày đọa nơi xứ người khi cô lấy phải một lão già vũ phu, suốt ngày nát rượu rồi đánh đập cô đến tàn nhẫn. Có những ngày Thủy phải ăn vài ba trận đòn của chồng.

Cô không được ra ngoài tự do mà đi đâu cũng bị hắn giám sát chặt chẽ. Thậm chí đi đâu hắn còn khóa cửa giam cô ở trong nhà. Cuộc sống của Thủy chui lủi như cầm tù. Cô phải lao động làm lụng biết bao việc nhà, rồi cơm nước phục vụ đại gia đình đến 6 người nhà chồng.

Không chỉ Thủy than khóc, mà bố mẹ cô cũng quá ân hận và đau buồn khi sai lầm trao thân gửi phận con như vậy. Thủy nói với bố mẹ trong nước mắt: “Sở dĩ con về được đây là do thằng chồng con bị say rượu và tai nạn mới chết cách đây 1 tháng. Con định mang theo đứa con gái 2 tuổi về thăm bố mẹ nhưng bên nội không cho. Chuyện bao giờ trở lại bên đó con chưa tính, trước tiên con muốn được sống một quãng thời gian thanh thản sau những ngày bị đày đọa”.

Chuyện của Thủy là câu chuyện có thật ở làng tôi và tôi nghĩ, trong xã hội ngày nay cũng từng có không ít các bạn nữ trẻ chỉ vì tham phú phụ bần, mơ tới cuộc sống sang giàu với chồng ngoại nơi đất khách để rồi phải vỡ mộng. Hi vọng là không còn những câu chuyện đáng tiếc như câu chuyện của gia đình Thủy…