Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Lào

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào), chiều 9/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm đồng chí Khamtai Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước; gặp đồng chí Choummaly Sayasone, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước và đồng chí Bounnhang Vorachith, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã tiếp đồng chí Sinlavong Khutphaythoun, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và đồng chí Khambay Damlath, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam.
Chu tich nuoc Nguyen Xuan Phuc hoi kien Thu tuong Lao
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN. 
Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; nhấn mạnh việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đối với việc gìn giữ, bảo vệ và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của chuyến thăm, đồng thời bày tỏ cảm ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã luôn dành sự giúp đỡ vô cùng to lớn, quý báu và kịp thời cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng thăm lại đất nước Lào tươi đẹp; đánh giá cao các thành tựu toàn diện và có ý nghĩa quan trọng mà nhân dân Lào anh em đã giành được trong những năm qua; chúc mừng đồng chí Phankham Viphavanh được Quốc hội Lào tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ; đồng thời bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ và nhân dân Lào anh em sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ IX giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao kết quả tốt đẹp của cuộc điện đàm trực tuyến giữa hai Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Lào (tháng 4/2021).
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao các biện pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 của mỗi nước trong thời gian qua; đồng thời bày tỏ hài lòng về sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời, thắm tình hữu nghị anh em hai nước đã dành cho nhau trong ứng phó với dịch bệnh. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây và nhất trí cao về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, theo đó nhấn mạnh cần phối hợp thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030.
Hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; nhất trí ủng hộ Chính phủ hai nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước như bến cảng Vũng Áng 1, 2, 3, đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn, đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, Công viên hữu nghị Lào - Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn, sân bay Nongkhang, bệnh viện tại Houaphan và Xiangkhouang. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Lào tại các đàn đa phương, nhất là trong các khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng nhằm góp phần thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đến thăm các đồng chí Khamtai Siphandone, đồng chí Choummaly Sayasone và đồng chí Bounnhang Vorachith, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được gặp lại những người anh, người đồng chí, người bạn thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đã có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn trong việc vun đắp và tăng cường quan hệ thủy chung trong sáng, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Chủ tịch nước thông báo về kết quả các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào; khẳng định Ban Lãnh đạo mới của hai nước tiếp tục kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ lãnh đạo đi trước, làm hết sức mình để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh hai nước đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19; đánh giá cao các kết quả đạt được trong cuộc hội đàm và hội kiến; đề nghị hai bên tiếp tục quan tâm giáo dục và tuyên truyền cho nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ đặc biệt, gắn bó thủy chung Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.
Tiếp đồng chí Sinlavong Khutphaythoun, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và đồng chí Khambay Damlath Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai cơ quan này với các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc vận động, tập hợp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cảm ơn Ban Chấp hành các cấp của Trung ương Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và các cơ quan chức năng của Lào quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều làm ăn, sinh sống ở Lào, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chủ tịch nước đề nghị hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thực hiện có hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực mặt trận, dân vận, tôn giáo, dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lịch sử, mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa Việt Nam - Lào để thế hệ trẻ ý thức hơn nữa trong việc vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Trong ngày 9/8, đã diễn ra các hoạt động gặp gỡ tiếp xúc trao đổi giữa Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, địa phương hai nước: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến gặp Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khutphaythoun; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandon; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm gặp Bộ trưởng Bộ Công an Lào Vilay Lakhamphong và dự lễ trao tặng Huân chương của Bộ Công an Lào nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân Lào; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath và cắt băng khánh thành Trường Lý luận Chính trị tại Trường Lý luận Chính trị; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung gặp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lào Thoongsavanh Phomvihane; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên gặp Bộ trưởng Công Thương Lào Khampheng Xaysompheng và gặp Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonkeo; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long gặp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào ; Phayvy Xibualypha; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương gặp Chủ tịch tỉnh Xaysomboun Khamlieng Outthakaison
Tối 9/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân đã chủ trì tổ chức chiêu đãi trọng thể Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số "địa chỉ đỏ" tại Saint Petersburg

Sáng 21/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam tiếp tục có nhiều hoạt động tại Saint Petersburg, Nga.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn đã đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm - Nghĩa trang Piskaryovskoye, thăm Chiến hạm Rạng Đông, Cung điện Mùa Đông và thăm khu lưu niệm của Lenin tại Điện Smolnyi.
Thu tuong Nguyen Xuan Phuc tham mot so
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn cấp cao Việt Nam đến viếng, đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm-Nghĩa trang Piskaryovskoye. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại Khu tưởng niệm - Nghĩa trang Piskaryovskoye, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phu nhân và đoàn cùng tiến vào khu Ngọn lửa vĩnh cửu, cùng dừng lại giữa Quảng trường và chứng kiến Đội danh dự quân đội Liên Bang Nga đổi gác.
Tiếp đó, Thủ tướng, phu nhân và đoàn di chuyển về phía Tượng đài và đặt vòng hoa tưởng niệm. Nghi lễ diễn ra trang nghiêm với Đội Quân nhạc và Đội danh dự trang trọng đón Thủ tướng và phu nhân đặt hoa. Quân nhạc cử Quốc thiều Việt Nam và Liên bang Nga. Sau khi đặt vòng hoa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chứng kiến Đội danh dự và Đội quân nhạc diễu binh.
Khu tưởng niệm - nghĩa trang Piskaryovskoye nằm ở phía Bắc thành phố Saint Petersburg, được thành lập vào năm 1939 ở vùng ngoại ô phía Bắc của Leningrad. Trong các năm 1941-1944, khu vực này đã biến thành các ngôi mộ tập thể chôn cất những nạn nhân của cuộc bao vây Leningrad và binh lính của mặt trận Leningrad. Phần lớn những người này thiệt mạng vào mùa Đông năm 1941 - 1942. Đây là nơi ghi dấu chiến công và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ và nhân dân thành phố Leningrad khi bị bao vây trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Thu tuong Nguyen Xuan Phuc tham mot so
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ lưu niệm tại Khu tưởng niệm-Nghĩa trang Piskaryovskoye. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến tham quan Chiến hạm Rạng Đông lịch sử, một biểu tượng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga khi nổ phát súng ra hiệu cho cuộc tấn công cuối cùng vào Cung điện Mùa Đông năm 1917. Chiến hạm Rạng Đông cũng đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Ngày nay, Chiến hạm được bảo tồn và hoạt động như một tàu bảo tàng tại Saint Petersburg, đón du khách trong và ngoài nước Nga đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Thu tuong Nguyen Xuan Phuc tham mot so
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn Đoàn cấp cao Việt Nam thăm Chiến hạm Rạng Đông. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cũng trong sáng 21/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam đã tới tham quan Cung điện Mùa Đông. Cung điện Mùa Đông nằm trên khuôn viên 90.000m2, là di tích kiến trúc Barocco của Nga và là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của Saint Petersburg. Cung điện được xây dựng từ khoảng năm 1754 đến năm 1762 và trong suốt một thời gian dài trở thành nơi ở của các Nga hoàng.

Quan hệ Việt Nam-Na Uy không ngừng được củng cố và mở rộng

Thông tấn xã Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Na Uy nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Na Uy từ ngày 24-26 tháng 5 năm 2019.

Nhận lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Vương quốc Na Uy từ ngày 24-26 tháng 5 năm 2019.
Quan he Viet Nam-Na Uy khong ngung duoc cung co va mo rong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg họp báo sau hội đàm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
1. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Erna Solberg, hội kiến Nhà Vua Harald Đệ Ngũ và Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Troen.
2. Tại hội đàm, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Việt Nam-Na Uy không ngừng được củng cố và mở rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế Na Uy đạt được thời gian qua và những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Thủ tướng Erna Solberg đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội và vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đầu năm 2019.
3. Thủ tướng Erna Solberg và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong hơn bốn thập kỷ qua.
4. Hai Thủ tướng hoan nghênh sự phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương, nhất là trong các lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng, vận tải biển và đóng tàu; khẳng định quyết tâm của Việt Nam và Na Uy tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại-đầu tư bền vững và bao trùm; tái khẳng định cam kết sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn diện và sâu rộng giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
5. Hai Thủ tướng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác song phương như các ngành kinh tế biển, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng.
Hai bên hoan nghênh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy được tổ chức tại Oslo nhân dịp chuyến thăm.
6. Hai Thủ tướng khuyến khích các bộ, ngành hai nước mở rộng trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch, thể thao, văn hóa, giao lưu nhân dân cũng như về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh nêu trong Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
7. Cả Na Uy và Việt Nam trong năm đang tham gia Tiến trình Rà soát Nhân quyền Phổ quát của Liên hợp quốc (UPR).
Hai bên nhấn mạnh đây là cơ chế phổ quát, minh bạch do các quốc gia tiến hành dựa trên đối thoại và hợp tác.
Quan he Viet Nam-Na Uy khong ngung duoc cung co va mo rong-Hinh-2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Nhà vua Na Uy Harald V. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 
Hai bên đánh giá cao cơ chế Đối thoại nhân quyền mang tính xây dựng giữa Việt Nam và Na Uy; nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền, quyền con người cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng như các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế.
8. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, các cấp, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2015 của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và chuyến thăm làm việc tới Na Uy năm 2018 của Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng, góp phần tạo xung lực cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục tiến hành tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao và các cơ chế đối thoại song phương khác về các vấn đề cùng quan tâm.
9. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải do tình trạng rừng bị phá hủy và suy thoái; đánh giá cao việc thực hiện thành công Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (UN-REDD) được thực hiện trong sáu năm tại Việt Nam.
Hai bên nhấn mạnh cam kết chung của hai nước đối với phát triển bền vững và bao trùm theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời ghi nhận các hoạt động quan trọng của các nước trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rác thải nhựa.
Thủ tướng Erna Solberg ghi nhận các dự án đang và sẽ được triển khai với sự tham gia của các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực xử lý rác thải biển.
Nhân dịp này, Thủ tướng Erna Solberg hoan nghênh việc Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Đại dương của Chúng ta sẽ được tổ chức tại Oslo trong tháng 10 năm 2019.
10. Hai Thủ tướng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Quan hệ Đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN-Na Uy và Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).
Quan he Viet Nam-Na Uy khong ngung duoc cung co va mo rong-Hinh-3
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy, bà Tone Wilhelmsen Troen. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
11. Việt Nam và Na Uy chia sẻ cam kết đối với trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng, dựa trên luật lệ và hệ thống đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.

Thảm kịch COVID-19 tại Indonesia: Hơn 100.000 người tử vong

(Kiến Thức) - Indonesia chính thức vượt mốc 100.000 người tử vong vì COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tham kich COVID-19 tai Indonesia: Hon 100.000 nguoi tu vong
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia, nước này ghi nhận 1.747 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 4/8, nâng tổng số người chết kể từ đầu dịch đến nay tại Indonesia lên con số 100.636 người. Ảnh: Reuters.