Chồng sắp cưới chết lặng trong đám tang cô gái trẻ bị xe bồn cán tử vong

Đang trên đường về nhà để chuẩn bị cùng chồng sắp cưới đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, chị Nguyễn Thị Thuỳ D. đã bị chiếc xe đầu kéo cuốn vào gầm tử vong. Trong đám tang, người chồng sắp cưới và người thân suy sụp, bật khóc trong đau đớn.

Trưa 14/3, rất đông người dân xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã kéo ra nghĩa trang thôn Phượng Nghĩa để tiễn biệt chị Nguyễn Thị Thuỳ D. (24 tuổi) lần cuối. Chị D. là nạn nhân bị xe đầu kéo cán tử vong tại ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội ngày 13/3.
Những vòng hoa trắng nối dọc hai bên lối vào nghĩa trang. Từng dòng người thay nhau vào vái vọng. Dự kiến đầu giờ chiều cùng ngày gia đình sẽ chôn cất, tiễn biệt nạn nhân về cõi vĩnh hằng.
Người thân đau đớn trong đám tang chị D.
Người thân đau đớn trong đám tang chị D. 
Cái chết của cô gái khi tuổi đời còn quá trẻ khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Đặc biệt, chỉ ít ngày nữa nếu không có chuyện đau buồn này xảy ra thì D. sẽ lên xe hoa về nhà chồng xây dựng hạnh phúc.
Ngồi lặng lẽ trong đám tang cháu gái, ông Nguyễn Kim Pháp (chú ruột D.) cho biết, từ khi nhận được tin con gái mất, bố mẹ D. suy sụp hoàn toàn, ngất lên ngất xuống nên người thân phải đưa về nhà thay nhau chăm sóc.
Trong câu chuyện, ông Pháp kể, khoảng 14h ngày 13/3, gia đình nhận được tin dữ chị D. gặp nạn khi đang trên đường về nhà. Nghe xong ai nấy đều rụng rời chân tay vội vã chạy tới hiện trường nơi cháu gái tử vong. Thi thể chị D. được đưa về nhà xác Bệnh viện đa khoa Hà Đông để cơ quan pháp y khám nghiệm. Đến 21h cùng ngày gia đình đau buồn đưa về quê nhà lo hậu sự.
“Cái chết của cháu tôi xót xa quá, không hiểu tại sao chiếc xe ô tô đầu kéo lại lấy đi tính mạng cháu tôi như thế. Từ qua tới nay, bố mẹ cháu ngất lên ngất xuống vì nỗi đau mất con gái. Đau lòng là tới mùng 6/2 (âm lịch) tới đây (chỉ hơn 1 tuần nữa) cháu lên xe hoa về nhà chồng vậy mà…”, ông Pháp kể.
Người chồng sắp cưới của chị D. chết lặng ngồi cạnh linh cữu vợ không rời.
Người chồng sắp cưới của chị D. chết lặng ngồi cạnh linh cữu vợ không rời.
Trưa 13/3, sau khi kết thúc công việc bán quần áo cho cửa hàng tại khu đô thị Xa La, quận Hà Đông thì chị D. về nhà để chiều cùng ngày chị cùng chồng sắp cưới đi đăng ký kết hôn.
“Đáng ra cháu tôi hôm qua được nghỉ nhưng nhận lời bán giúp cho một người bạn vì bạn bận công việc. Sau đó, D. đi về để chiều đi đăng ký kết hôn trên xã cùng chồng sắp cưới thì gặp nạn. Tối qua đưa thi thể cháu về cả dân làng kéo ra nghĩa trang đông nghịt, ai cũng đau đớn, xót xa, chồng sắp cưới của nó cũng suy sụp lắm”, ông Pháp đau xót nói.
Chồng sắp cưới suy sụp, ngồi gục bên linh cữu người vợ xấu số
Nói về cháu gái, người chú ruột này bày tỏ, chị D. là con cả trong gia đình có 3 chị em, rất xinh xắn, chăm chỉ mọi việc. Sau khi học xong lớp 12, cuộc sống gia đình khó khăn nên cô đi làm công nhân may gần nhà.
“Lúc đó, lương của D. được 3,4 triệu một tháng, lấy lương hôm trước xong thì hôm sau đã phải lo đóng tiền học cho hai em, tiền ăn uống cho cả gia đình. Bố mẹ ốm yếu, làm nông nên cuộc sống nhiều khó khăn. Thấy vậy tôi khuyên cháu sang Nhật làm chứ thế này ở quê bao năm cũng không tích cóp được gì.
Thế rồi cháu quyết định nhờ tôi cùng anh em trong nhà lo giúp tiền vốn để sang Nhật. Cách đây mấy tháng cháu về quê lo chuẩn bị cưới chồng nên tạm thời bán quần áo để sắp tới cưới xin xong thì cả hai vợ chồng sang Nhật tiếp tục làm ăn. Chồng sắp cưới cũng mới về được 3 ngày thì nhận tin dữ”, ông Pháp nghẹn lời.
Theo anh Lê Văn Long (anh rể họ chị D.), sau khi nhận tin dữ anh đã trực tiếp ra hiện trường, quá đau xót khi em gái đã tử nạn. “Cô ấy hiền lành, chịu thương chịu khó lắm nên không ai chê trách điều gì. Nếu không có cơ sự trên thì theo lịch sáng nay hai vợ chồng D. sẽ đi chụp ảnh cưới”.
Ngồi bên cạnh linh cữu người vợ sắp cưới, anh T. liên tục gạt nước mắt. Nỗi mất mát quá lớn khiến anh T. gần như suy sụp hoàn toàn. Nhiều người thân và dân làng tới động viên, an ủi.
Trước đó, khoảng 13h20 ngày 13/3, tại ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe đầu kéo với xe máy khiến chị Nguyễn Thị Thùy D. (24 tuổi, trú tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) tử vong.
Theo đó, vào thời điểm trên chị D. điều khiển xe máy đến khu vực trên thì xảy ra va chạm với xe đầu kéo đi cùng chiều. Cú va chạm mạnh đã cuốn chiếc xe máy vào gầm kéo dê trên đường khiến chị tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Đội CSGT, trật tự cơ động có mặt tại hiện trường phối hợp với Đội cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông khám nghiệm hiện trường. Bước đầu cơ quan công an xác định tài xế điều khiển xe đầu kéo là Hoàng Thanh Huấn (32 tuổi, ở thôn Đồng Tiến, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình).
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Cuộc đời sóng gió của cậu bé sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai

Được nhóm phi công cứu sống trong vụ thảm sát Mỹ Lai, 50 năm qua, cuộc đời ông Đỗ Ba (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) trải qua nhiều vất vả, biến cố.

Ông Đỗ Ba trải lòng về ân nhân cứu mạng trong vụ thảm sát Mỹ Lai Sau 50 năm xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Đỗ Ba (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) chia sẻ ân tình với các phi công Mỹ từng cứu sống mình trong buổi sáng 16/3/1968.
Tháng ba, nắng trải vàng bình yên trên khắp đồng lúa ở làng quê Sơn Mỹ. Ông Đỗ Ba (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cùng bà con lối xóm tạm gác công việc ruộng đồng, quét dọn nhà cửa sửa soạn cho ngày "giỗ chung" tưởng niệm 504 đồng bào trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Ký ức đau thương
Run run tay cầm nén nhang thắp lên bàn thờ, lặng nhìn về bức ảnh hai cựu binh Mỹ đặt trang trọng cạnh di ảnh mẹ mình, ông Ba bộc bạch: "Các phi công ấy đã sinh ra tôi lần thứ hai. Tháng 3 hàng năm, gia đình đều tổ chức ngày giỗ chung cho mẹ, các em cùng ân nhân cứu mạng".
Lật giở trang ký ức đau thương, ông nhớ lại, buổi sáng tinh mơ ngày 16/3/1968, trực thăng ầm ầm nhào lượn trên cánh đồng trĩu vàng sắp vào mùa thu hoạch. Quân đội Mỹ đổ quân xuống làng bắt bốn mẹ con cùng nhiều người dân khác lùa xuống con mương ở đầu xóm rồi liên tục xả súng.
Ông Lawrence Colburn, cựu chiến binh Mỹ cứu ông Đỗ Ba thoát chết trong vụ thảm sát Mỹ Lai tháng 3/1968, ôm ông Ba nhân dịp lễ tưởng niệm 40 năm vụ thảm sát Mỹ Lai tại khu chứng tích Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) năm 2008 . Ảnh: Minh Hoàng.
 Ông Lawrence Colburn, cựu chiến binh Mỹ cứu ông Đỗ Ba thoát chết trong vụ thảm sát Mỹ Lai tháng 3/1968, ôm ông Ba nhân dịp lễ tưởng niệm 40 năm vụ thảm sát Mỹ Lai tại khu chứng tích Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) năm 2008 . Ảnh: Minh Hoàng.
Trong tích tắc, lính Mỹ giết chết mẹ và hai em của Đỗ Ba cùng nhiều dân làng. Giữa lằn ranh sinh - tử, các cựu binh Mỹ đi trực thăng bất ngờ xuất hiện ngăn chặn cuộc thảm sát kịp cứu 9 người dân vô tội.
"Hugh Thompson và Lawrence Colburn đã phát hiện ra thân thể bé nhỏ của tôi cử động giữa ngổn ngang thi thể của dân làng. Họ bế tôi lên trực thăng, đưa đến bệnh viện cấp cứu...”, ông Ba nhớ lại.
Sau vụ thảm sát Mỹ Lai, ông tiếp tục gánh chịu thêm đau thương. Người cha đi tù Côn Đảo, sau năm 1975 mới trở về quê nhưng chỉ vài tháng thì qua đời do hậu quả từ những trận đòn roi tra tấn. Thương cho hoàn cảnh côi cút, dân làng cưu mang cậu bé suốt những năm tháng tuổi thơ.
Quãng đời phiêu dạt
Học hết lớp 9, Đỗ Ba nghỉ học phiêu dạt vào tận Sài Gòn mưu sinh từ rửa chén đến đi gánh hàng thuê. Phiêu bạt khắp nơi, ai mướn gì ông cũng lao vào làm quần quật suốt ngày đêm.
Ông Đỗ Ba thắp hương trước mộ phần mẹ là bà Lê Thị Binh. Ảnh: Minh Hoàng.
 Ông Đỗ Ba thắp hương trước mộ phần mẹ là bà Lê Thị Binh. Ảnh: Minh Hoàng.
Thấy cậu khờ khạo, một nhóm bụi đời sau khi cắt trộm dây điện đã “nhờ” vác đi bán kiếm tiền. Hậu quả, Đỗ Ba lãnh án 8 năm tù do bị bắt quả tang bán dây điện cắt trộm.
Cuộc đời ngỡ rơi vào cảnh khốn cùng, tuyệt vọng... may mắn ông Ba được một doanh nghiệp mở rộng vòng tay giúp đỡ. Tình cờ đọc bài báo về cậu bé được các phi công Mỹ cứu sống trong vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Kiều Xuân Long, Giám đốc Công ty cơ điện lạnh Thái Vi ở TP.HCM, đã bảo lãnh anh đưa về nhận làm con nuôi.
Ba được ông Long cho học nghề điện lạnh và làm việc tại chi nhánh công ty của ông tại tỉnh Long An. Cảm thương hoàn cảnh bất hạnh của Đỗ Ba, ông đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho anh.
Tri ân công ơn ông Long, vợ chồng Đỗ Ba đã lấy họ Kiều lót tên cho con trai đầu lòng là Đỗ Kiều Quang Huy. Sau khi mang thai, chị Đặng Thị Cư (vợ Đỗ Ba) quay trở về Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) sinh con và ở lại quê nhà.
Ông Đỗ Ba bên bức ảnh phi công Mỹ Hugh Thompson và Lawrence Colburn, hai ân nhân cứu sống mình trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Minh Hoàng.
 Ông Đỗ Ba bên bức ảnh phi công Mỹ Hugh Thompson và Lawrence Colburn, hai ân nhân cứu sống mình trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Minh Hoàng.
Công việc làm ăn khó khăn, chi nhánh Long An đóng cửa, Đỗ Ba về thành phố tiếp tục làm công nhân, rồi làm bảo vệ cho công ty ông Long. Ngoài giờ làm việc, để kiếm thêm thu nhập anh rong ruổi khắp Sài Gòn bán phế liệu.
Hành trình xoa dịu nỗi đau
Gần 30 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, thông qua cầu nối của Tổ chức Madison Quakers Inc. (Mỹ), cựu binh Thompson và Colburn đã quay trở lại Việt Nam tìm lại cậu bé họ cứu sống năm nào.
Ông Phan Văn Đỗ, Đại diện tổ chức này tại Việt Nam, nhớ lại lần dò thông tin mất năm tháng dài mới tìm được Đỗ Ba mưu sinh ở Sài Gòn. Tháng 3/1998, Đỗ Ba và hai cựu binh Hugh Thompson, Colburn tới Đà Nẵng trên hai chuyến bay khác nhau nhưng lại đi cùng chung chuyến xe buýt từ sân bay Đà Nẵng về Quảng Ngãi.
Ông Đỗ Ba chăn nuôi bò nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Hoàng.
 Ông Đỗ Ba chăn nuôi bò nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Hoàng.
Ông Đỗ còn nhớ như in "chuyến xe đặc biệt" ngày hôm ấy. "Xe buýt vừa lăn bánh, tôi giới thiệu đây là cậu bé các ông từng cứu sống trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Nghe vậy, Hugh Thompson và Colburn đứng bật dậy ôm choàng Đỗ Ba òa khóc giữa giây phút hội ngộ lịch sử tràn đầy cảm xúc này", đại diện Tổ chức Madison Quakers Inc. (Mỹ) kể.
Vị này cho biết thêm chuyến trở lại Mỹ Lai ngày ấy họ đã gửi tặng Khu chứng tích Sơn Mỹ hai huân chương anh hùng (do Chính phủ Mỹ trao tặng) vì có hành động xả thân cứu người vô tội trong chiến tranh tại Việt Nam.
Tháng 3/2009, Colburn một mình trở lại Sơn Mỹ; hỗ trợ tiền giúp Đỗ Ba vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Sau nhiều năm phiêu bạt mưu sinh, anh trở về đoàn tụ vợ, con ở làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê. Từ nguồn hỗ trợ của Colburn, vợ chồng Đỗ Ba đã sửa lại ngôi nhà nhỏ, làm chuồng và mua hai con bò về nuôi. Ước mơ được sống trong một mái ấm gia đình đơn sơ là vậy nhưng sau hàng chục năm ông mới thực hiện được.
Ông Ba trò vừa đeo khăn quàng vừa trò chuyện vui vẻ cùng con trai trước giờ đến trường. Ảnh: Minh Hoàng.
Ông Ba trò vừa đeo khăn quàng vừa trò chuyện vui vẻ cùng con trai trước giờ đến trường. Ảnh: Minh Hoàng. 
Tất bật ôm bó cỏ ra góc vườn, Đỗ Ba đặt đôi tay chai sần vừa xoa đầu con bò vừa chia sẻ, năm xưa Colburn từng cứu mình thoát chết, sau đó ông còn gửi tiền về giúp mình mua bò nuôi để thoát nghèo.
"Năm ngoái, Hội Phụ nữ xã Tịnh Khê còn giúp tôi vay vốn ưu đãi mua con bò cái này để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình", ông cho biết thêm.
Ông Nguyễn Tấn Giảng ở thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê), xúc động chia sẻ bao nhiêu năm lang bạt, quá nửa đời người ông ấy mới có thể trở về quê sinh sống. Dẫu cuộc sống vợ chồng còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào họ cũng tình cảm, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Khát vọng hạnh phúc, hòa bình
Vừa đeo khăn quàng cho con Đỗ Ba vừa trò chuyện vui vẻ cùng con trai Quang Huy (11 tuổi) đang học lớp 5. Lặng nhìn đôi mắt trong veo của cậu bé, ông cảm thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc.
"Dẫu phía trước cuộc sống còn nhiều gian nan, thử thách nhưng từ đây cuộc đời tôi sẽ đổi khác. Tương lai con trai của vợ chồng tôi rồi sẽ tươi sáng hơn", ông lạc quan.
Còn bà Đặng Thị Cư, e thẹn nhớ lại thuở yêu ông Ba, gia đình phản đối kịch liệt vì sợ cuộc đời mình khốn khổ. "Chính sự chân thành, thật thà, hoàn cảnh nghiệt ngã của anh ấy mà mình thương không chút đắn đo", bà chia sẻ.
Ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai gặp lại Đỗ Ba, nạn nhân sống sót vụ thảm sát này tháng 10/2011. Ảnh: Minh Hoàng.
 Ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai gặp lại Đỗ Ba, nạn nhân sống sót vụ thảm sát này tháng 10/2011. Ảnh: Minh Hoàng.
Trải qua 50 năm xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, Đỗ Ba cầu mong nỗi đau quá khứ dần khép lại để cuộc sống người dân nơi đây mở ra đón nhận bình minh ngày mới thanh bình, ấm no hạnh phúc.
Giữa dòng đời xuôi ngược, Đỗ Ba còn nhớ mãi hình ảnh ông Ronald Haeberle (phóng viên ảnh người Mỹ), tác giả hơn 60 bức ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai chia sẻ nỗi đau với gia đình mình.
"Lúc gặp cha con tôi bảy năm trước, Ronald khóc rưng rức và nói vụ thảm sát Mỹ Lai ám ảnh mãi đời mình. Ông ấy hy vọng thời gian sẽ làm lành vết thương trong tôi cũng như dân làng; cầu mong mảnh đất này hồi sinh, giàu mạnh trong tương lai", anh thuật lại.
Ông Đỗ Ba trải lòng về ân nhân cứu mạng trong vụ thảm sát Mỹ Lai Sau 50 năm xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Đỗ Ba (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) chia sẻ ân tình với các phi công Mỹ từng cứu sống mình trong buổi sáng 16/3/1968.
Tháng ba, nắng trải vàng bình yên trên khắp đồng lúa ở làng quê Sơn Mỹ. Ông Đỗ Ba (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) cùng bà con lối xóm tạm gác công việc ruộng đồng, quét dọn nhà cửa sửa soạn cho ngày "giỗ chung" tưởng niệm 504 đồng bào trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. 

2 tháng đầu năm, 4.000 người thương vong do tai nạn giao thông

(Kiến Thức) - Chỉ trong hai tháng, cả nước xảy ra hơn 3.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 1.500 người và bị thương hơn 2.500 người. Tuy nhiên, vẫn là giảm so với năm ngoái.

Ủy ban ATGT quốc gia vừa có văn bản báo cáo tình hình tai nạn giao thông 2 tháng đầu năm 2018. Theo đó, chỉ trong 2 tháng, cả nước xảy ra hơn 3.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 1.500 người và bị thương hơn 2.500 người. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 25 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương.
Tuy vậy, so với 2 tháng đầu năm 2017, tai nạn giao thông giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương.

TP.HCM tăng thu nhập cho cán bộ trong đầu tháng 4

Từ ngày 1/4, cán bộ, công chức và viên chức ở TP HCM được tăng thêm thu nhập. Lộ trình là năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần, năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần.

Sáng nay, tại kỳ họp thứ 7 – kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã thông qua tờ trình của UBND về "Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc bộ phận quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý".