Chỗ dựa đàn bà

Phải nhón gót lên, chỏm tóc bà mới chạm vai ông, nhưng bây giờ bà là “chỗ dựa” thật vững chãi cho người chồng bệnh tật. 

Bệnh viện Tâm thần TP.HCM ngày đầu tuần đông nghịt. Nhiều người nhà bệnh nhân đứng tràn ra lề đường. Vừa khó nhọc chen lấn, họ vừa phải tập trung để nghe gọi tên bệnh nhân từ các phòng khám.
Vợ chồng nhà nọ, tuổi tầm sáu mươi, ông cao lêu nghêu, bà thấp hơn nhiều. Phải nhón gót lên, chỏm tóc bà mới chạm vai ông, nhưng bây giờ bà là “chỗ dựa” thật vững chãi cho người chồng bệnh tật. Ông ngồi, đôi chân dài ngoằng gác lên chiếc thùng rác khiến thùng ngã tung. Bà dịu dàng: “Gác chân lên ghế đi anh. Ráng… ráng chút… em cũng mỏi, nhưng mà mình ráng chút nghen!”. Khó khăn lắm bà mới có thể nhấc đôi chân chồng gác lên chiếc ghế, nhưng vài phút sau đã thấy ông dịch chân mình sang… thùng rác! Chiếc đầu ông gục gà gục gặc khi trời đã dần về trưa. “Anh, anh… dựa vào đầu em ngủ chút đi nè… Chút bác sĩ kêu liền thôi mà…”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Rì rầm bà kể chuyện: “Cách đây 10 năm chú bị tai nạn lao động nứt hộp sọ. Hồi trước chú lao động siêng năng, thương yêu vợ con dữ lắm. Giờ, những lúc hết thuốc không đi tái khám kịp hoặc gặp chuyện bực mình là chú cộc tính lắm. Cộc nhưng rất ưa nói ngọt. Thím biết tính chú rồi nên ráng mà chiều. Vợ chồng là duyên phận. Phải duyên thì vuông tròn hạnh phúc, gặp phận phải chịu chút khó khăn…”.
“Chút khó khăn” của bà, người “yếu bóng vía” nhìn vô là sợ. Tay xách nách mang những thức ăn, quần áo; miệng thì luôn dịu ngọt an ủi chồng. Tiếng loa gọi tên từ phòng nhận bệnh, bà lay ông “Dậy… dậy anh…bác sĩ gọi kìa…”. “Ơ… ngủ chút đi! Mệt quá gọi… gọi…”. “Thôi mà anh, công mình chờ từ sáng giờ… dậy đi mà… chút ngủ nữa…”.
Bà hất túi xách lên vai, tay trái vòng sau lưng chồng, tay phải nắm cánh tay ông, nửa phần cơ thể bên trái của bà làm lực đẩy nâng ông về phía trước. Ông còn say ngủ, nhưng bà vẫn dịu dàng động viên ông bước về phía phòng khám bằng những tiếng anh à, anh ơi rất dịu dàng.
Đó là một trong nhiều mẩu chuyện hàng ngày ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Vậy mà có lúc nào đó, những người chồng, người vợ lại không tiếc lời cáu bẳn, thóa mạ nhau. Họ không nghĩ rằng rồi sẽ có lúc mình sẽ cần một chỗ dựa.

Sợ lộ “tật” với người yêu

(Kiến Thức) - Khi còn nhỏ, tôi bị tiêm nhầm vào gân chân khiến chân trái của tôi hơi lệch so với chân phải.

Khi còn nhỏ, tôi bị tiêm nhầm vào gân chân khiến chân trái của tôi hơi lệch so với chân phải. Nếu tôi mặc quần dài, đi giầy cao gót thì tôi vẫn giống như bao cô gái lành lặn khác, người tinh ý mới nhận ra tôi bị tật. Tuy nhiên, vì mặc cảm này, tôi không dám yêu ai. Gần đây do gia đình quá giục giã, tôi đồng ý gặp một người qua mai mối. Thật bất ngờ, tôi với anh quá hợp nhau và tôi đã nhận lời tỏ tình của anh. Chúng tôi đã đi chơi nhiều buổi với nhau, rất hạnh phúc. Nhưng khi về, bao giờ trong tôi cũng là cảm giác dằn vặt. 
Tôi vẫn chưa dám nói thật cho anh biết tình trạng thật bệnh tật của mình. Nhiều người khuyên tôi, hãy để tình cảm khăng khít thêm nữa thì hãy nói, nguy cơ tan vỡ sẽ giảm đi. Nhưng tôi mặc cảm, mình đang lừa dối anh, và tôi sợ lúc biết, anh cũng sẽ kết tội tôi như vậy. Xin cho tôi lời khuyên - Trần Hồng Vân (Ninh Bình).

Chạnh lòng vì vợ ích kỷ

Vì lối ứng xử của chị mà gia đình mất dần những mối quan hệ. Thương con nhưng đầu anh đã thoáng qua hình ảnh của tờ đơn ly hôn.

Anh vẫn thầm mong không bao giờ phải đem vợ mình ra so sánh với bất cứ người phụ nữ nào. Cũng như anh không muốn chị ví von, giá như anh được như người này, người nọ. Nhưng không ít lần anh chạnh lòng.

Chị người thành phố, anh dân tỉnh lẻ. Người ta vẫn thường bảo “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Nhưng chị thì luôn nói rằng đó là phong tục cổ hủ. Hai vợ chồng lập nghiệp ở thành phố. Rất ít khi có dịp về quê. Những ngày đầu đưa vợ về ra mắt, anh đã dặn trước, mình về quê thì phải đi chào họ hàng cho phải phép. Nhưng mới về đến nhà là chị than ngồi tàu xe mệt. Miễn cưỡng qua chào họ hàng thì chị nói chuyện với giọng điệu “ở trên phố thì…”, làm anh cảm thấy ngại. Anh nghĩ, vợ chồng lấy nhau mấy khi về quê, thôi dần dần chị thay đổi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mỗi khi có bạn anh đến chơi, chị đều cư xử rất vô duyên. Anh mời bạn ở lại ăn cơm, chị hậm hực đi nấu. Món ăn mặn nhạt thất thường. Anh góp ý thì chị gay gắt: “Bạn anh sao tôi phải hầu”.

Chị sinh con, anh chia sẻ với vợ nhiều việc. Cứ hết giờ làm việc là anh mau chóng về nhà. Chị thấy anh quấn quýt con thì phó mặc. Đêm con khóc, mình anh thức dỗ dành. Anh nhẹ nhàng bảo vợ, sáng anh còn phải dậy sớm đi làm nên tối con khóc vợ dỗ con giúp anh. Chị vùng vằng: “Cả ngày tôi phải bế con rồi, có tí buổi đêm mà anh không chăm được à? Anh sống vô trách nhiệm thế!”.

Thỉnh thoảng chị giận anh điều gì là bỏ về bên ngoại. Anh thường năn nỉ chị, chị được nước làm tới. Chị kể anh đủ thứ tội trước mặt bố mẹ. Bố mẹ chị thương con, xót cháu cũng xúm vào trách anh. Anh khuyên chị có gì về nhà hai vợ chồng đóng cửa bảo nhau. Chị cự lại, bảo phải nói cho tất cả mọi người biết, cho anh chừa, anh biết tay...

Ai cho gì, biếu gì chị đều vui vẻ nhận. Nhưng đến khi họ ốm đau, bệnh tật chị ít khi quan tâm. Anh có đem biếu lại họ thì chị gạt phắt đi. Chị bảo đèn nhà ai nấy rạng, hơi đâu bao đồng.

Vì lối ứng xử của chị mà gia đình anh mất dần những mối quan hệ. Thương con nhưng trong đầu anh đã thoáng qua hình ảnh của tờ đơn ly hôn.

Đàn ông liêu xiêu

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Lần đầu tiên cô tới là để sửa cái quạt. Chỉ ngồi phía sau có người chở thì nội việc cầm cái quạt cồng kềnh trên đường đông đúc cũng dễ bị va quẹt, huống chi vừa cầm lái vừa cầm quạt. Cô ngừng xe trước quán của anh vừa lúc một chiếc xe khác trờ tới, cô phải vội xìa cái quạt qua chỗ khác, tay lái chao nghiêng… suýt nữa thì cả người, xe lẫn quạt đổ nhào.

Ông chồng đâu mà để vợ phải như vậy? Anh tự hỏi.

Lần sau cô đem tới cây đèn bàn cũ kỹ với nụ cười áy náy: “Cây đèn này mua cái mới cũng chẳng tốn bao nhiêu, nhưng nó là kỷ niệm nên thằng bé nhà tôi muốn giữ cho bằng được, anh thông cảm sửa giùm”.

Một người mẹ chiều ý muốn giữ lại vật kỷ niệm cho con, thật đáng cho anh nhớ. Quá khác với vợ của anh, cái đồng hồ đeo tay anh tặng kỷ niệm ngày cưới chỉ ngày hôm sau là đã bị thay sợi dây kiểu khác.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lần tiếp, cô đem tới cái bàn ủi. Cậu thợ ngạc nhiên, cái bếp từ là ca khó thì ông chủ phải tự tay làm, sửa cái bàn ủi là chuyện vặt sao ông chủ cũng phải ra tay?

Lần nữa, cô đem tới cái lò nướng, loại lò mua cách đây cả chục năm. Thoáng đỏ mặt, cô phân bua: “Còn xài được mà bỏ thì phí”. Thường thì gặp những món quá cũ này anh từ chối ngay, vì mua đồ thay thế rất khó, sửa xong cũng chóng bị hư hỏng lại, đã vậy còn khó tính tiền công. Nhưng với cái lò của cô, anh bỏ ra cả buổi ở chợ bán đồ cũ tìm mua những thứ cần thiết để thay thế. Người bán hàng quen nể mặt anh lục tung cả kho phế liệu để tìm, vừa lục vừa càu nhàu: “Bữa nay chơi đồ cổ à?”.

Cậu thợ bưng cái lò nướng đặt lên xe giùm cô, loay hoay nhích tới nhích lui cho nó được thăng bằng, anh thì dắt cái xe máy của mình ra đường. Đợi cô chạy một đoạn, anh chạy theo sau. Anh từng thắc mắc gã đàn ông nào lại để vợ một mình kiểu này, nhưng sau thì anh mơ hồ đoán ra... Mà sao con cô không bưng bê giúp mẹ? Hay do cô chiều con quá? Những bà mẹ một mình thường bù đắp cho con bằng cách cưng chiều quá mức.

Đúng như anh đoán, chỉ hai mẹ con cô với nhau thôi. Bà chủ quán cà phê vỉa hè miệng mồm nhanh nhảu, anh ra vẻ bâng quơ hỏi một câu là bà tuôn ra một tràng. Phòng trọ đó không thấy đàn ông, đứa con bị liệt phải ngồi xe lăn. Mẹ thương con ghê lắm, làm nghề bán hàng cho người ta mà chiều nào cũng xin về sớm một tiếng đồng hồ để đẩy xe cho con ra hoa viên ngắm cảnh và chơi với mấy con chim sâu. Đàn ông có người sao quá tệ, con mình sinh ra tật nguyền mà bỏ đi được? Mà cô vợ thì đẹp người, đẹp nết cỡ đó...

Đẹp người đẹp nết, giọng người kể lộ vẻ tiếc nuối một thì lòng anh tiếc nuối gấp vạn lần. Để rồi, khi quay về nhà, anh khó mà cười xòa khi vợ lại bày ra một mớ váy áo mới mua, phân bua là nhân đợt giảm giá. Anh khó chịu khi đi làm về thấy hình ảnh quen thuộc là nhà cửa lôi thôi, đứa con vừa đi mẫu giáo về ba lô còn đeo sau lưng mà vợ thì lo trang điểm cho một cuộc hẹn với bạn bè. Anh bực bội khi mâm cơm vẫn thường là những món kho, món xào nấu sẵn mua ở siêu thị…

Anh hay theo sau, đến hoa viên lặng lẽ nhìn cô đẩy cái xe lăn dạo quanh. Tóc cô cột cao, lộ cái cổ hằn những đường gân xanh. Cô gầy quá. Nhưng tay cô đẩy cái xe lăn thật vững. Anh thấy mình trào lên ước muốn được cầm lấy bàn tay rất gầy đó. Thằng bé trong xe thích thú được đi ra đường, nó cười tươi và chỉ trỏ lung tung. Anh thấy mình trào lên nỗi thương cảm muốn bồng bế, nhấc bổng nó lên.

Bà chủ quán cà phê rồi cũng nhận ra. Bà thẳng thừng độp một câu: “Cậu có vợ con chưa?”. Anh không khỏi giật mình. Và đỏ mặt.

Anh sẽ là một gã quá tệ nữa trong mắt bà chủ quán nếu chiều nào cũng đến đây. Vợ anh không đẹp người đẹp nết nhưng đứa con nhỏ của anh thì đang mong ba đi làm về.