Cây dại ở bờ mương, xưa cho lợn gà ăn nay thành đặc sản nổi tiếng giá 500.000 đồng/kg, còn được xuất khẩu

Nhiều người bất ngờ khi dọc mùng khô được bán trên chợ mạng với giá lên tới 500.000 đồng/kg. 

Ở các miền quê Việt Nam trước đây, dọc mùng là hình ảnh vô cùng quen thuộc, chúng mọc dại ở bờ mương, bờ ao, bất cứ nơi nào có đất ẩm ở đấy có sự xuất hiện của từng cụm dọc mùng.

Hồi đó, dọc mùng nhiều vô kể, người ta hái về cho lợn gà ăn, các bà các mẹ chọn những nhánh ngon nhất để mang về nấu canh cá, kho cá hoặc muối chua làm thành món ăn dân dã, lạ miệng. Hiện nay, thứ cây dại ở quê này đã lên đời thành đặc sản ở thành phố. 

Cây dọc mùng là hình ảnh quen thuộc ở các miền quê

Dọc mùng hay còn được biết đến với những tên gọi khác là cây bạc hà hay cây rọc mùng. Đây là một loại thuộc họ Ráy, có cuống lá dày và xốp, lại mọng nước nên được sử dụng làm thực phẩm. Cuống lá của cây thường vươn cao, có khi lên đến 1m.

Nhiều người bất ngờ khi trên sàn thương mại điện tử hay trên chợ mạng, dọc mùng khô được bán với giá tới 500.000 đồng/kg. Còn ở các chợ hay siêu thị, dọc mùng tươi có giá khoảng 40.000 đồng/kg, loại dọc mùng được làm sẵn đóng trong túi zip có giá từ 80.000 đồng/kg. 

"Khoảng 6-7kg dọc mùng tươi mới làm thành được một kg dọc mùng khô. Nghe có vẻ đắt đỏ nhưng thực chất chỉ cần mua nửa kg loại khô là có thể nấu được khá lâu. Loại này khô nhưng vẫn thơm và giữ được hương vị", chị Thành (người bán các món đặc sản quê trên chợ mạng) chia sẻ. 

Khoảng 6-7kg dọc mùng tươi mới làm thành 1kg dọc mùng khô

Với dọc mùng tươi, để loại bỏ bớt các chất gây ngứa, khi sơ chế dọc mùng cần làm sạch hết lớp vỏ dọc mùng bằng cách tước sạch bỏ vỏ bên ngoài, sau đó ngâm rửa, bóp muối dọc mùng rồi rửa vài lần với nước lạnh cho ra sạch các chất gây dị ứng.Trong khi thực hiện các bước sơ chế nên dùng găng tay nilon để bóp và vắt nước dọc mùng, để tránh tiếp xúc với da gây kích ứng.

Với dọc mùng khô, trước khi đem chế biến phải nước ấm khoảng 15-20 phút. Điều này giúp dọc mùng mềm trở lại, dễ chế biến và giữ được độ giòn. Sau khi ngâm, vớt ra, rửa sạch và bóp nhẹ để loại bỏ nước thừa. Lưu ý không ngâm quá lâu, vì có thể làm mất đi độ giòn đặc trưng của dọc mùng. So với loại tươi, dọc mùng sấy khô rất tiện lợi, có thể bảo quản trong tủ mát để dùng quanh năm. Bất cứ lúc nào cần nấu canh cá, canh chua là có thể mang dọc mùng khô ra ngâm, rửa sạch rồi đem chế biến.

Dọc mùng nay trở thành đặc sản ở thành phố

Từ dọc mùng có thể làm thành các món như bún mọc dọc mùng, canh chua cá dọc mùng, gỏi (nộm) dọc mùng, canh chua thịt băm dọc mùng, dọc mùng xào thịt bò, dọc mùng xào lòng gà, dọc mùng muối chua, bún bung...

Trong vài năm trở lại đây, khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao từ các quán ăn, nhà hàng cho đến người tiêu dùng cá nhân, dọc mùng bỗng chốc "lên đời", được nhiều người lùng mua với giá không hề rẻ. Nắm bắt được cơ hội này, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô trồng dọc mùng để cung ứng ra thị trường, không chỉ dừng lại ở việc bán cây tươi mà còn chế biến thành dạng sấy khô để tiện bảo quản và vận chuyển. Một số gia đình còn tiến thêm bước nữa khi kết nối với các thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. 

Trên trang mua bán Amazon của Mỹ, một cây dọc mùng Việt Nam bao gồm cả rễ được rao bán với giá gần 22 USD, tương đương hơn 500.000 đồng.