Cây dại mọc đầy bờ bụi nay thành đặc sản dân thành phố ưa chuộng, không cần trồng vẫn thu hái quanh năm, 250.000 đồng/kg

Đây là loại măng thơm ngon nổi tiếng và mọc phổ biến ở vùng đất Tây Nguyên. Mấy năm gần đây, chúng được bán trên chợ mạng với giá đắt đỏ, nhiều người tìm mua về thưởng thức.

Giữa đại ngàn xanh thẳm của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió có một loại đặc sản tuy mộc mạc nhưng làm nên hồn cốt của ẩm thực núi rừng, đó là măng le. Đây là phần non của cây le, một loài thực vật thuộc họ tre nứa, sinh trưởng bền bỉ trên những vùng đất đỏ bazan màu mỡ.

Măng le là phần non của cây le, xuất hiện ở những vùng núi như Phú Cường, Tây Nguyên, núi Dinh.

Mùa măng le thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10, khi những cơn mưa mùa hạ tưới mát núi rừng. Cũng chính lúc ấy, từ các bụi le rậm rạp, những chồi măng non bắt đầu nhú lên khỏi lớp lá mục, báo hiệu một mùa thu hoạch đã về. Khác với măng tre hay măng nứa có thể đắng, măng le đặc ruột, ngọt bùi tự nhiên và lành tính, có thể dùng ngay sau khi sơ chế đơn giản.

Cây le không cao lớn, nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Dù có bị đốt cháy, chỉ cần một trận mưa rào, măng le lại trồi dậy từ trong lòng đất như chưa hề bị tổn thương. Chính vì thế, nó được xem là biểu tượng của sự dẻo dai, bền bỉ. Cây măng le cũng mang về nguồn thu nhập cho người dân nơi đây mỗi khi đến mùa.

Măng le đặc ruột, ngọt bùi tự nhiên và lành tính, có thể dùng ngay sau khi sơ chế đơn giản.

Anh Giang (ở Đắk Lắk) chia sẻ: "Cây le đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi. Hồi đó, cây le mọc khắp nơi, người ta chẳng buồn để ý vì có quá nhiều. Sáng sớm mẹ tôi cầm mác ra sau rẫy, lát sau đã có rổ măng tươi rói. Cơm măng le ăn quanh năm mà vẫn thấy ngon. Bữa xào mỡ, bữa luộc chấm muối ớt. Thứ gì cũng thiếu, nhưng măng le thì không thiếu bao giờ. Giờ măng le trở thành đặc sản quý, bán được giá, bà con ví như lộc trời ban cho vùng đất nắng gió này".

Những năm gần đây, măng le đã trở thành đặc sản được săn đón, không chỉ ở Tây Nguyên mà còn ở khắp các tỉnh thành. Măng tươi có thể luộc chấm mắm, xào với đậu phộng, kho thịt, nấu canh chua, hầm xương… đều mang lại hương vị ngọt thanh đặc trưng mà không loại măng nào sánh được. Trong đó, món vịt hầm măng le là sự kết hợp đầy tinh tế giữa vị ngọt béo của thịt vịt và vị bùi bùi, mát rượi của măng le, điểm thêm chút tiêu rừng và mắm gừng khiến ai đã thử một lần đều thích mê mẩn.

Măng le làm thành nhiều món ăn ngon trong nhà hàng

Ngoài măng tươi, bà con còn làm măng le khô để có thể dùng quanh năm. Được sơ chế, phơi khô kỹ càng, măng le khô giữ được vị ngọt tự nhiên và có thể bảo quản lâu dài. Chính vì thế, trên các sàn thương mại điện tử hay chợ mạng, giá măng le khô dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, còn măng tươi cũng có giá khoảng 70.000 đồng/kg.

Để có được rổ măng le tươi, người dân phải vượt qua không ít nhọc nhằn. “Muốn lấy được măng ngon, phải canh từ sáng sớm, chui sâu vào bụi le rậm. Măng mọc dưới lớp lá mục hoặc khe đá, không cẩn thận là bị gai le cào xước cả tay chân. Có ngày chỉ đào được vài cân là quý lắm rồi”, anh Giang nói thêm.

Măng le trở thành đặc sản được bán khắp các tỉnh thành.

Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Tây Nguyên đưa măng le vào thực đơn để đãi khách. Với cái tên lạ lẫm và hương vị đặc biệt, thứ đặc sản này được du khách gần xa ưa chuộng, tìm để thưởng thức.