Cái giá phải trả của người đàn bà “tập hai“

Là “tập hai” của anh, “mẹ mới” của nhóc sáu tuổi, “dâu sau” của bà cụ 72 tuổi, “vợ mới” của anh… Bao nhiêu là thứ chị phải định danh...

Thế là chị về với anh đã được một năm. Năm trước, dịp này, chị chộn rộn về thăm nội ngoại của con, rồi bận bịu tính chuyện tổ chức cuộc sống mới với anh và đứa con trai của anh, lớn hơn con chị một tuổi. Vèo một năm qua, lại đến Tết, chị giật mình nghe con hỏi “Tết này mình có về quê ăn Tết với ngoại nữa không mẹ?”.
Vậy là bắt đầu phải tính một cuộc “đèn kéo quân”, với bao nhiêu thứ phải chuẩn bị. Vợ chồng, con cái chung riêng phải về thăm ông bà bên nội mới, bên ngoại mới. Rồi mỗi một nửa gia đình lại phải về thăm ông bà bên nội cũ, bên ngoại cũ. Bao nhiêu tâm tình thức dậy, bao nhiêu ý tứ phải giữ gìn, sao cho không ai chạnh lòng… Không đi không được, bởi đó cũng là gia đình, là gốc rễ sâu bền của chị, của anh, và của cả lũ trẻ.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Là “tập hai” của anh, chị là “mẹ mới” của một chú nhóc sáu tuổi, là “dâu sau” của một bà cụ 72 tuổi, là “vợ mới” của anh… Bao nhiêu là thứ chị phải định danh trong mối tương quan với một người đàn bà khác, mà cái nào cũng liên quan đến “mới” và “sau”. Chỉ có mỗi đứa con là “con với chồng cũ”. Chị nhiều lúc quay cuồng phát điên lên với những so sánh cũ - mới, trước - sau, giống - không giống, phải thế này - không phải thế kia… Một ngày, chị nhận ra mình đang cố gắng làm vừa lòng bố con anh, bằng cách bắt chước những gì mẹ thằng bé đã làm, những gì anh đã thích. Chị thấy mình mắc kẹt trong cái mâu thuẫn vừa muốn một gia đình hạnh phúc, vừa muốn được sống như chính bản thân mình.

Đã quyết định dấn thân vào cuộc hôn nhân thứ hai, chị biết phải quý trọng những gì có được sau bao đớn đau, đổ vỡ, mất mát. Nhưng, trước những câu chuyện rất cụ thể mà cũng rất trừu tượng như thế, nhiều khi chị cũng chẳng biết giải quyết sao cho trọn vẹn mọi đường.
Chị viết thư, nói quá tải trước bao nhiêu cái săm soi, xét nét của người đời, có khi chị chỉ muốn rũ bỏ hết mọi chuyện cho khỏe. Tự nhiên lại rước vào mình bao nhiêu gánh nặng. Lấy chồng lần một hay lấy chồng lần hai cũng là để mong một hạnh phúc, mà sao thấy giống một cuộc lao động triền miên. Nhưng giờ biết tính sao? Lấy chồng lần hai coi vậy mà dễ, bỏ chồng lần hai khó ngàn vạn lần. Mấy lần tính, rốt lại cũng đành tặc lưỡi cam chịu cho qua. Chẳng lẽ lại ly hôn? Bao nhiêu miệng tiếng người đời. Dở dang một lần, người ta còn thông cảm, dở dang lần nữa, người ta nghĩ bà này chắc là làm sao…
Thư của chị khiến Hạnh Dung nghĩ về cái kết cục ly hôn đang trở thành giải pháp cho nhiều cuộc hôn nhân. Đa phần người ta nghĩ ly hôn là kết cục, ít ai nghĩ ly hôn là một khởi đầu. Cuộc ly hôn buộc mỗi người phải khởi hành trên những hướng khác nhau. Thời gian eo hẹp hơn lúc còn trẻ nên ít ai muốn mình cứ phải mãi khởi hành hết lần này đến lần khác, nhất là đàn bà. Thường thì chị em mình cam phận, nếu được làm lại một lần, tròn méo gì cũng cố gắng chấp nhận cho xong. Như thư chị viết: người ta sao cứ ưa cái “mới”, mà mình thì chỉ mong sao được “cũ” đi, cũ càng nhanh càng tốt, sao cho những “sau”, “mới” không còn dính dấp, vướng víu khi mỗi lần được giới thiệu và thấy trong mắt người đối diện chớp lên nhận thức: “À, đây là cô vợ sau…”.
Thôi thì cứ coi như mình được cuộc đời tặng một “dấu son”: người mãi mãi là “người mới”, cho dù bao nhiêu năm tháng cũ càng. Đừng cố “làm cũ” mình đi, hay chính xác hơn, đừng cố tạo nên những “dấu cũ” giả tạo. Hãy lật một trang mới trong cuộc đời của mình và của bạn đời, dù ở trang mới này mình buộc phải đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn, lao động vất vả hơn. Không có cuộc hôn nhân nào giống cuộc hôn nhân nào. Thì cứ nhìn năm tháng đấy thôi, vẫn cuốn lịch trên tường nhưng bao nhiêu ngày tháng sẽ là bấy nhiêu ngày tháng khác. Nếu mình cứ chăm chăm chờ đón một gương mặt hạnh phúc theo hình dung của mình, mà ngày mai hạnh phúc - mang một gương mặt mới lắm, khác lắm - sẽ đến, thì biết đâu có khi mình lại lỡ mất…

Vỡ mộng sau cưới

Trước khi cưới, tình yêu lãng mạn, thi vị bao nhiêu thì sau đám cưới, sự thật trần trụi được phơi bày làm nhiều người “vỡ mộng” bấy nhiêu.

“Trước khi cưới, anh ta lãng mạn, chiều chuộng tôi bao nhiêu thì bây giờ, gia trưởng, độc đoán bấy nhiêu. Còn nữa, cả gia đình anh ta không xem tôi ra gì, xúm nhau hiếp đáp. Hết chịu nổi rồi, tôi phải ly hôn thôi” - Vy, người mới tổ chức đám cưới được 1 tháng, than vãn trong chương trình “Chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống vợ chồng trong hôn nhân” do CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc TP HCM tổ chức mới đây.

Sau trăng mật là “vỡ mật”

Làm gì khi chồng ngoại tình?

Tuổi xuân có thì, có nên uổng phí cuộc đời vào cuộc hôn nhân bất hạnh hay dứt khoát chia tay, đến với người đàn ông thực sự yêu mình?

Tôi đã gặp những phụ nữ chịu đựng chồng ngoại tình nhiều tháng, nhiều năm. Có người nhẫn nhịn nuôi cả con rơi chồng đem về; có người mỗi lần chồng bỏ nhà đi theo gái thì tiền của trong nhà cũng đi theo, thậm chí cả tiền dành dụm nuôi con ăn học cũng bị chồng vét mất.

Một phụ nữ ở Hà Nội, khoảng 50 tuổi, ăn mặc lịch sự, tự lái ôtô đến văn phòng tư vấn. Bà kể, bà có chồng là một nhà kinh doanh bất động sản hơn bà chục tuổi. Ông gầy dựng cho hai người con nhà cửa khang trang, công việc ổn định. Ông khuyến khích vợ học lái ôtô và mua tặng bà một chiếc xe. Yêu cầu duy nhất của ông đối với vợ con là để ông bồ bịch thoải mái. Bà vợ cũng giả đui giả điếc như không biết, nhưng được thể, gần đây mỗi tuần một lần ông đưa người tình về nhà ăn cơm, yêu cầu vợ con tiếp đón đàng hoàng! Chưa hết, tuần trước, ông chồng lại làm một việc khiến bà không nhịn được nữa: đưa người tình về quê ra mắt họ hàng, tổ chức ăn uống linh đình như đám cưới! Những ông chú bà bác đến dự tiệc còn được tặng phong bì nên không ai phản đối. Người vợ gần như suy sụp và cuối cùng quyết định ly hôn. Trước khi đưa đơn ra toà, bà đến trung tâm tư vấn để tham khảo ý kiến.

Con chỉ có một lần được làm con của mẹ…

Chỉ đến khi những nắm đất cuối cùng đắp lên sự ngăn cách âm dương, con mới cảm nhận hết những sai lầm không thể sửa đổi của mình.

Vợ nhắn: “Thằng Tí bị sốt cao, quấy khóc suốt đêm”, vậy là con hối hả thu xếp công việc để về ngay. Trên đường đi, lòng cứ nhấp nhổm không yên. Cứ lo thằng nhỏ bị gì. Hóa ra nó sốt mọc răng.

Lần sau, con Mơ bị ngã dập môi, vợ nhắn: “Nửa đêm, con bé cứ giật mình khóc thét”, con đang công tác ở Hà Nội cũng đặt vé về ngay. Cứ nghĩ đến đôi môi của đứa con bé bỏng sưng vù, con thấy lòng thắt lại. Vợ vô ý làm đổ nước xuống sàn nhà, con vội vàng lấy giẻ lau thật khô vì sợ 2 đứa nhỏ trượt té. Đang làm việc mà thấy trời trở lạnh, con vội vàng gọi người giúp việc mang thêm áo ấm đến nhà trẻ cho 2 đứa nhỏ…