Bộ trưởng Nội vụ: Số lượng tỉnh, thành phải sáp nhập lại đã rõ

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập tỉnh và sắp xếp lại cấp xã.

Ngày 16/3, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau cuộc họp của Bộ Chính trị thống nhất chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy Chính phủ gửi đề án lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Sau đó, tổng hợp và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2025.
Bo truong Noi vu: So luong tinh, thanh phai sap nhap lai da ro
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 
Bộ trưởng Nội vụ thông tin, sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.
Với kế hoạch trên, người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh, các bộ, ngành cần tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, làm căn cứ để sau Hội nghị Trung ương có thể triển khai việc sáp nhập, sắp xếp.
Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết chúng ta đã có kinh nghiệm ở các lần triển khai trước đây, nên đây là việc không khó.
Trên cơ sở kinh nghiệm đó, việc sắp xếp tới đây là mở rộng quy mô sáp nhập cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho hay, sau cuộc họp của Bộ Chính trị, toàn bộ những nội dung liên quan, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh phải sắp xếp, sáp nhập lại đã rõ.
Đồng thời cũng rõ được mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (chính quyền cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh) như thế nào, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, hay còn gọi là cấp cơ sở, như thế nào để bảo đảm.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, hiện cả nước đang có 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, tới đây sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 xã, mỗi xã "gần như là một huyện nhỏ".
Các việc liên quan đến tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc này có thể làm được ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Vì vậy, các bộ, ngành phải tập trung hướng dẫn tất cả các văn bản có liên quan. Việc này phải thực hiện rất gấp, các bộ phải gửi về Bộ Nội vụ sớm để chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ có chỉ đạo gấp để tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát lại toàn bộ văn bản pháp luật (luật, nghị định).
Nếu các luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp huyện thì phải xử lý bằng một nghị quyết.
Việc này phải rà soát rất nhanh để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết xử lý vấn đề liên quan đến các luật chuyên ngành về tổ chức đơn vị hành chính các cấp.
Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước đó đã thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh, và giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở (cấp xã) so với hiện nay.

Đặt tên tỉnh thành sau sáp nhập: Làm sao đảm bảo sự đồng thuận?

Điều quan trọng khi đặt tên tỉnh, thành sau sáp nhập phải có sự tham vấn rộng rãi, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, các nhà nghiên cứu và quản lý, đảm bảo tạo sự đồng thuận, gắn kết xã hội.

Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp chiều 11/3, Thủ tướng cho biết, dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng...

Vì sao phải sáp nhập xã trước, sau đó mới bỏ huyện?

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, phương án tối ưu là sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu ý kiến trên tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp diễn ra mới đây.
Theo Phó Thủ tướng, hiện có nhiều phương án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Có ý kiến cho rằng, nên làm đồng thời cả tỉnh, cả huyện và xã nhưng nếu làm đồng thời thì sẽ có những bất cập. Do đó, phương án tối ưu là sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.