
Loài côn trùng có biệt danh bọ tình yêu xuất hiện nhiều tại các tuyến đường mòn đi bộ đường dài và khu vực đô thị quanh thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Trong khi người dân quanh khu vực Seoul đang phải vật lộn với sự xâm chiếm của chúng, các chuyên gia tranh luận về cách xử lý vấn đề này trong bối cảnh "bọ tình yêu" đang tiến xa hơn về phía Bắc. Ảnh: Jonghwan Choi.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tại núi Gyeyangsan ở Incheon, phía tây Seoul, "bọ tình yêu" phủ đen kín cả đường mòn và đài quan sát. Ảnh: Judy Gallagher.

Loài côn trùng mang biệt danh bọ tình yêu có tên khoa học là Plecia longiforceps. Biệt danh của chúng xuất phát từ tập tính giao phối đặc biệt: bay thành từng cặp trong quá trình giao phối. Con đực thường chết sau 3 - 4 ngày, trong khi con cái sống khoảng một tuần, đẻ hàng trăm trứng trong đất ẩm trước khi chết. Ảnh: brm85 – algunos derechos reservados (CC BY-NC).

Có nguồn gốc từ các vùng cận nhiệt đới ở đông nam Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và quần đảo Ryukyu (Nhật Bản), loài Plecia longiforceps lần đầu tiên được xác định về mặt khoa học tại Hàn Quốc là vào đợt bùng phát lớn năm 2022. Ảnh: lburditt – todos los derechos reservados.

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu, sự phát triển đô thị quanh khu vực núi và nhiệt độ tăng cao đã tạo điều kiện lý tưởng để loài này mở rộng về phía bắc. Thêm nữa, hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” tại Seoul càng khiến môi trường thành phố trở nên hấp dẫn hơn với loài côn trùng này. Ảnh: Van Remsen – algunos derechos reservados (CC BY-NC).

Khiếu nại gửi đến chính quyền thành phố đã tăng hơn gấp đôi, từ 4.418 trường hợp trong năm 2023 lên 9.296 vào năm 2024. Sự bùng phát này đã làm dấy lên tranh luận sôi nổi về các phương pháp kiểm soát loài côn trùng trên. Ảnh: Jay Holley.

“Chúng có vẻ ngoài gây khó chịu, nhưng thực ra là loài côn trùng có lợi”, chính quyền Seoul cho biết trong một thông cáo báo chí đồng thời cảnh báo việc phun thuốc trừ sâu bừa bãi có thể giết hại nhiều sinh vật khác và gây hại cho con người. Ảnh: S. Dowell.

Bọ tình yêu giúp thụ phấn hoa và ấu trùng của chúng làm giàu đất bằng cách phân hủy chất hữu cơ. Bản thân loài bọ tình yêu không gây nguy hiểm trực tiếp cho con người bởi chúng không cắn, không truyền bệnh hay không ăn nhiều khi đã trưởng thành. Ảnh: S. Dowell.

Giới chức trách khuyến cáo các biện pháp kiểm soát không dùng hóa chất, như phun nước để loại bỏ côn trùng khỏi bề mặt, lắp đặt bẫy ánh sáng và miếng dính gần đèn ngoài trời, đồng thời mặc quần áo tối màu khi ra ngoài vì loài này bị thu hút bởi ánh sáng và màu sắc rực rỡ. Ảnh: birdlifethings.blogspot.com.

Bọ tình yêu thường biến mất vào giữa tháng 7 vì vòng đời ngắn khiến quần thể này sụt giảm nhanh chóng sau khoảng 2 tuần hoạt động mạnh. Ảnh: birdlifethings.blogspot.com.
Mời độc giả xem video: Phát hiện thêm nhiều loài mới ở Khu vực sông Mekong. Nguồn: THĐT1.