Bi kịch “trai quê” lấy vợ phố

Sau khi cưới được nửa năm, gặp lại Khang, nhìn mặt câu ta phờ phạc. Hỏi chuyện thì được biết, ở rể chẳng sung sướng gì. 

Nguyên Khang cũng giống như nhiều chàng trai ở quê khác ra Hà Nội học đại học. “Phải thoát nghèo” là mục tiêu mà gia đình cậu, đặc biệt là cậu, muốn hướng đến. Trải qua vài mối tình thời sinh viên, cuối cùng cậu quyết định “chốt lại” với Liên Anh - con gái của một chủ công ty. Liên Anh nhan sắc trung bình, nhưng bù lại lại có những điều kiện khác.
Họ cưới nhau, sau khi bố của Liên Anh xin cho Khang vào làm việc ở một nhà máy cơ khí. Nhà vợ nhiều đất, nhà cửa rộng rãi, tất nhiên Khang được bố vợ cho một suất cạnh ngôi biệt thự của gia đình. Và ngôi nhà, dù chưa thật rộng, gia đình xây dựng trước đó vài năm cũng được giao cho vợ chồng Khang.
Nhiều bè bạn bảo: “Thằng Khang số vậy mà “ấm”, cưới được vợ Hà Nội, có chỗ ở, chỉ việc làm ăn, sinh con đẻ cái”. Nhiều người còn ghen với Khang, họ bĩu môi cho rằng đó là trào lưu của cánh trai quê bây giờ. Còn tôi, là bạn bè chơi với nhau đã lâu, tôi không tin Khang là người dựa dẫm.
Khang bảo: “Tớ với Liên Anh yêu nhau thật lòng. Tớ cũng đã chứng tỏ được khả năng của mình trong công việc. Dù nhà vợ có của cải, có khả năng giúp đỡ hay không cũng không quan trọng. Cốt là hai vợ chồng yêu nhau, chung sống hạnh phúc”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Sau khi cưới được nửa năm, gặp lại Khang, nhìn mặt câu ta phờ phạc. Hỏi chuyện thì được biết, ở rể chẳng sung sướng gì. Nhiều lúc bố vợ uống mấy chén rượu với bè bạn, nói ra nói vào, nhiều câu rất khó nghe nên Khang tự ái.
Khang bảo: “Tớ nghe cô dì, chú bác của Liên Anh thắc mắc vì sao cháu họ lại lấy một gã nhà quê như tớ, lại còn bảo tớ là “mèo mù vớ được cá rán”. Cậu thử nghĩ xem, tớ làm sao chịu được. Tớ cũng là thằng đàn ông…”.
Từ đó, Khang thường xuyên sống trong cảnh chán nản, rượu chè be bét. Nhà vợ giận, thi thoảng mắng té tát vào mặt Khang. Khang nói với vợ sẽ ra thuê trọ ở ngoài để ở, như chục năm trước khi cưới. Vợ cậu không chịu bởi cô sắp sinh con, rất cần gần gũi bố mẹ để được giúp đỡ. Vợ Khang khuyên cậu nên ở lại, cậu cứ nhất định “anh không chịu được nhục, anh phải ra ngoài”.
Vậy là hai người lại cãi nhau. Mỗi người một quan điểm. Khang không kìm được nóng giận, đạp đổ chiếc liễng có kê chiếc bình gốm khá quý. Chuyện đến tai bố vợ, Khang bị mắng té tát rằng cậu không biết điều, sướng chẳng biết đường sướng. Khang bỏ đi.
Đúng những ngày vợ sắp sinh thì Khang quyết định ra thuê một phòng trọ và thuyết phục được vợ ra ở cùng sau khi sinh được ba ngày từ bệnh viện về. Nhưng bố mẹ vợ nhất quyết đòi đưa con gái về nhà chăm sóc vì lo con gái khổ. Liên Anh lại xuôi theo bố mẹ. Vậy là Khang chới với. Cậu đành ở lại một mình trong căn phòng trọ 15 mét vuông đã trót thuê, chỉ buổi tối mới về nhà bố mẹ vợ 3 tiếng đồng hồ để được bên vợ và con…
Những bi kịch ở rể như Khang hiện rất nhiều. Dù đa số đàn ông đều muốn có điều kiện để sắm một ngôi nhà riêng nhưng không phải ai cũng làm được. Vì thế, ở đâu thì ở, hiểu biết và học cách xóa bỏ tự ái là điều rất quan trọng với những cặp vợ chồng trẻ. Câu chuyện trên thoạt nghe chỉ liên quan đến Khang, nhưng chính người vợ cũng cần tìm ra cách hợp lý hơn để “trong ấm, ngoài êm”, khỏi ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và con cái.

Đàn bà luôn có lỗi?

Chị mếu máo: "Đàn bà mình sao khổ vậy má? Chồng có bồ, chung quy lại cũng là lỗi tại vợ. Vậy có công bằng không?”.

Chị điện thoại mời ba má và các anh chị chồng đến nhà, nói có việc cần thưa. Ai cũng thắc mắc, không biết đã xảy ra chuyện gì.

Mọi người đông đủ, chị bày đĩa trái cây và mấy ly nước. Má chồng sốt ruột, hối: “Có chuyện gì bây cứ nói, bày đặt nước nôi”. Chị vừa mở lời thì mắt đã ầng ậng nước. Chị thưa, anh Tiến chồng con đang có bồ. Trước đây là cô đối tác, giờ là cô thư ký mới vào làm. Quay sang chồng, chị nghẹn ngào: “Trước mặt ba má và các anh chị đây, anh nói xem em có lỗi gì khiến anh chán chê, phải đi tìm người khác”. Má chồng vừa nghe đã nổi nóng: “Vợ mày nói đúng, mày nói coi, nó có lỗi gì?”. Anh bối rối cúi đầu, tự hỏi lòng: Vợ có lỗi gì?...

Chị sụt sịt kể, ngày mới cưới, thấy anh đi làm bằng chiếc xe cà tàng, chị không nỡ, nên gom hết vàng cưới, tiền mừng, đổi chiếc xe mới cho anh. Hàng tháng, anh chỉ đưa chị ít tiền, phần còn lại là để xã giao bạn bè, mở rộng quan hệ, chị cũng không dám cằn nhằn. Để có tiền chi tiêu cho gia đình, chị phải nhận sổ sách về làm thêm, còn tranh thủ đi bán bảo hiểm. Từ chiếc ti vi, tủ lạnh, máy giặt… đều từ chị cày bừa, nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm từng đồng để mua. Anh muốn đổi điện thoại, mua laptop, chị đều đáp ứng. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lâu lâu, anh lại nói chị đưa tiền để hùn hạp với bạn bè làm ăn. Dù tiền lời anh đưa về chẳng bao nhiêu, chị cũng không hạch hỏi, để anh “tập tành làm ăn cho vui”. Ở nhà, việc đưa đón con, chợ búa, cơm nước, chị đều gánh hết, để chồng… yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp. Mỗi chiều anh đi làm về, mâm cơm nóng sốt đã được dọn ra. Ăn xong, anh chỉ việc nhàn tản thả bộ ra đầu hẻm chơi cờ, tán gẫu hoặc hứng lên, rủ chiến hữu ra quán chém gió, mặc chị với mớ công việc bộn bề. Tối muộn, khi con đã lên giường, chị mới lôi sổ sách ra làm thêm và đợi cửa chồng.

Không những chu toàn việc nhà, việc nhà chồng chị cũng tình nguyện gánh vác. Nhà chồng có đám, chị về trước một ngày lo dọn dẹp, nấu nướng. Ba má chồng nằm viện, chị xin nghỉ mấy hôm để chăm lo. Có món gì ngon, chị lụi hụi xách về biếu… Cần mẫn như con ong thợ bấy nhiêu năm, có lúc chị cũng mỏi mệt, cũng tủi thân, nhưng rồi chị tự an ủi, gái có công chồng chẳng phụ. Chị nghĩ, đàn ông ra ngoài tòm tem là để tìm em nào chiều chuộng, ngọt ngào, không càm ràm những chuyện vặt vãnh. Những thứ đó chị đã cho chồng đủ, hẳn anh sẽ không có nhu cầu… kiếm thêm.

Từ ngày anh lên chức trưởng phòng, chị rất hãnh diện, sắm ngay cho chồng chiếc xe tay ga, mua một loạt quần áo mới để anh… ra dáng sếp. Chị thì quanh năm vẫn tới lui mấy bộ, vẫn kiểu tóc kẹp sau gáy. Bạn bè cảnh báo “diện cho chồng lắm vào, bản thân thì không chịu nâng cấp, có ngày mất chồng”. Chị tỉnh rụi: “Dễ gì, ổng tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy có em nào chiều chuộng được hơn em này”…

Giờ thì lời cảnh báo của bạn bè đã thành sự thật. Chị đau như có ai cầm dao đâm thấu tim. Những hy sinh của chị, nhọc nhằn của chị, coi như đổ sông đổ biển.

Thấy anh cứ ngồi cúi đầu im lặng, má chồng lại quát: “Giờ muốn ở hay thôi? Mày mà bỏ vợ, ba má từ luôn”. Chị chồng cũng bênh em dâu: “Vợ em đảm đang vén khéo, đốt đuốc cũng khó tìm, em dại thiệt, muốn tan cửa nát nhà mới chịu sao?”. Anh ấp úng xin lỗi vợ, nói vợ không có lỗi gì, chỉ tại anh ham vui. Chị chồng kéo chị sang một bên, thầm thì: “Chị nói thẳng em đừng buồn, thằng Tiến có bồ cũng là tại em… cũ quá, mòn mẻ nhiều quá, lại không chịu làm mới bản thân. Đàn bà biết nâng cấp chồng lên thì bản thân cũng phải nhón lên để ngang ngửa với chồng. Em cứ lẹt đẹt tuốt đằng xa, nên đã lạc mất chồng”.

Má chồng nắm lấy tay choàng lấy vai chị dỗ: “Thôi, tha thứ cho nó đi con. Đàn ông mà, đi ta bà tứ xứ rồi cũng quay về với vợ con. Má thấy chị con nói đúng, lỗi cũng có phần tại con. Thời nay đã khác thời của má, đâu cứ phải nhịn ăn nhịn mặc, hy sinh hết cho chồng là giữ được chồng. Thời bây giờ đàn bà phải biết yêu bản thân, sống cho mình mới được. Vậy chồng mới không chán”. Chị mếu máo: "Đàn bà mình sao khổ vậy má? Chồng có bồ, chung quy lại cũng là lỗi tại vợ. Vậy có công bằng không?”. Má thở dài: “Số phận là vậy rồi, biết làm sao được, hả con?”. Chị không cãi má, bụng nhủ thầm: “Ừ thì con trai má, má phải bênh vực thôi, chứ mình mà se sua, chưng diện thử xem, liệu cái gia đình này có được như bây giờ, liệu chồng mình có chễm chệ cái chức trưởng phòng mà dòm em này ngó em kia. Mà thôi, nói gì thì cuối cùng lỗi cũng là tại mình. Từ giờ, không thèm khóc nữa, chăm con, chăm chồng nhưng sẽ “chăm” cả mình, để xem ai liếc ai”.

Vợ chồng “phố“

Nói phố cho lịch sự chứ bác là dân quê chính gốc, sinh ra và lớn lên bằng hạt lúa củ khoai quê nhà, nhưng bác lấy được vợ phố.

Vừa Tết xong, vợ chồng bác Lương Vũ ở Đường Thịnh, vùng đất lúa ngoại thành Hải Phòng tổ chức lễ cưới cho con gái, anh em con cháu tề tựu rất đông.

Tuy không mâm cao cỗ đầy nhưng cái tình gắn bó với nhau bền chặt lắm. Cả họ đang vui vẻ thì bác Trưởng, anh trai bác Vũ - khách ở thành phố về dự.

Nói phố cho nó lịch sự chứ bác là dân quê chính gốc, bởi bác sinh ra ở đây và cũng lớn lên bằng hạt lúa củ khoai quê nhà, nhưng bác lấy được vợ phố. Chẳng biết vợ chồng bác có khinh dân nhà quê không mà trông thấy các cụ lớn tuổi trong họ chỉ khẽ gật đầu, chẳng biết họ chào hay không, còn anh em, con cháu trong họ coi như bác không biết.

Thấy mọi người không thèm để ý đến mình, vợ bác Trưởng đứng lên, giọng the thé kẻ cả để mọi người phải chú ý:

- Này chú Vũ - Chị ta khoa chân múa tay như cố để những lắc vàng, dây chuyền, nhẫn mặt ngọc... xủng xoảng, ánh lên lấp loáng. - Bảo người xếp cỗ kia kìa, lấy đũa mà gắp thịt không thì xỏ đôi găng tay vào, chứ ai lại bốc thế kia trông nó ghê ghê lắm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nói rồi, chị nguẩy mông, lắc đầu làm cho cái thân hình phì nộn của chị như bị căng ra núng nính những thịt những mỡ như những khoanh giò bị bó chặt bởi những dây ngang dọc sau lần áo mỏng. Và khi chị quay lại, nhìn chiếc áo mốt thời thượng hở cổ, phơi nửa bộ ngực trần đồ sộ, làm cho các bà, các chị trong đám ngượng chín mặt.

Chuyện tưởng như thế đã là quá quắt, nào ngờ khi được mời ăn cỗ, vợ chồng con cái bác Trưởng chọn một mâm nhưng thiếu một người. Bác Vũ phải sắp xếp, mời mọc anh em họ tộc vào ngồi cùng cho đủ mâm nhưng chẳng ai chịu. Và thế là kệ thây những con mắt nhìn khó chịu, bốn người nhà bác coi như đủ mâm cứ ăn uống đàng hoàng như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Khi các mâm chú bác, anh em hỉ hả chúc rượu nhau vui vẻ thì bác Trưởng, giọng hách dịch gọi gia chủ rồi đứng lên cầm trên tay cả xấp tiền, rút đưa 100 ngàn đồng cho bác Vũ:

- Vợ chồng tôi chỉ quen uống bia, chú cho người mua giúp tôi vài chai về uống cho ngon miệng.

Bác Vũ loay hoay thật khó xử. Bà con làng xóm, rồi ông bà chú bác nội tộc bề trên tất cả chỉ uống rượu, bây giờ anh mình ở phố về lại uống bia (mặc dù là tiền của anh) nhưng làng xóm biết đâu chuyện đó, họ cho là nhất bên trọng bên khinh, nghĩ người ở phố lắm tiền nhiều của nên được uống bia còn dân quê thì uống rượu.

Cầm 100 trăm ngàn đồng của anh trên tay mà bác Vũ không thể không nghĩ: Đất lề quê thói, chẳng lẽ anh mình quên hay cố tình hợm hĩnh bằng cách sống trưởng giả, lạc lõng khác người giữa vùng quê nghèo, nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi nuôi anh lớn khôn và trưởng thành này chăng?

Bác Vũ quay lại anh trai, dúi nhanh tờ tiền vào tay anh:

- Bác cầm lấy để chiều anh em mình mua uống mừng hạnh phúc cho các cháu, còn bây giờ không tiện anh ạ.

- Không tiện? Chú hay nhỉ, tiền của tôi tôi mua tôi uống chứ bắt chú mua cho tôi đâu mà không tiện.

Không còn chịu được cách sống quá kênh kiệu không biết trên, biết dưới của anh mình, bác Vũ thẳng thắn:

- Nhà quê chúng em chỉ quen uống rượu không biết uống bia, bác cố ăn bữa cơm rượu mừng hạnh phúc cho các cháu.

Mâm cỗ cả vợ chồng con cái bác Trưởng không đụng miếng nào và họ cùng đứng lên, vợ bác Trưởng hằn học, rút chiếc phong bì đánh xoạch khỏi túi gọi bác Vũ:

- Vợ chồng tôi về mừng cho chú thím và cháu, chú thím cho ăn uống rồi, chúng tôi xin phép về trước bận công việc riêng.

Bác Vũ cười hể hả, tưởng nhìn thấy phong bì em cười tít mắt, vợ bác Trưởng bĩu môi vẻ khinh rẻ:

- Vâng, em cám ơn hai bác và các cháu, em xin nhận lời chúc của hai bác, còn gửi lại bác cái của quý này. Ở quê mình cái tình là quý chứ không phải quý ở chiếc phong bì. Với lại cỗ nhà em không có bia, hai bác và các cháu không thèm đụng đũa, ai lại dám cầm tiền mừng, hai bác thông cảm.

Chị dâu gạt chồng sang một bên, cầm chiếc phong bì mà như giật lại trên tay em trai chồng:

- Quý hóa quá, chú thím thật khách sáo...

Vợ chồng con cái bác Trưởng về trong tiếng cười tiễn biệt của cả hội hôn. Còn vợ chồng bác Vũ tiễn anh chị về mà thấy lòng buồn rười rượi. Chẳng lẽ người xưa dậy : "Bán anh em xa mua láng giềng gần" lại đúng như nhà mình sao?