Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa là một dự án thành phần của dự án đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 83km. Được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt từ năm 2007 và triển khai từ năm 2009, tuyến đường này được kỳ vọng giải quyết nhu cầu giao thông cấp bách của người dân 4 tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước và Bình Dương.
Tháng 3/2011, dự án tạm dừng thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Với 23 gói thầu đã triển khai, dự án thi công đến cấp phối đá dăm loại 1, đắp đất K95, cống thoát nước và một số cầu xây đang dựng dang dở. Để kết nối giữa Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 thuộc tỉnh Bình Phước, dự án được tiếp tục triển khai một số hạng mục và đã hoàn thành vào tháng 4/2015.
|
Đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đang dần xuống cấp |
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5112/VPCP – CN đề nghị dừng triển khai đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành – Đức Hòa theo hình thức BOT.
Nguyên nhân là do sau khi khảo sát, các nghiên cứu cho thấy, để hoàn thiện dự án có chiều dài 73,55 km đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng mặt đường 17 m, hệ thống hầm chui, cầu vượt... cần tối thiểu 6.964 tỷ đồng. Với mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ dự kiến khởi điểm là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian hoàn vốn là 24 năm 3 tháng.
Mức phí này vượt quá sức chi trả của người dân, trong khi thời gian hoàn vốn quá dài, rất khó thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào dự án - ông Lâm Văn Hoàng, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.
Sau thời gian dài tạm dừng, dự án có dấu hiệu hư hỏng nặng, đang rất cần nguồn vốn để tiếp tục thực hiện, vừa tránh lãng phí do hư hỏng xuống cấp vừa sớm đưa vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế trong khu vực.
Sau đó, Bộ GTVT chuyển hướng nghiên cứu sang thực hiện đoạn đường trên theo hình thức BOT. Tuy nhiên, quá trình triển khai do vướng nhiều cơ chế, dự án không khả thi về phương án tài chính, nên Bộ GTVT dừng triển khai theo hình thức này.
Để tái thi công dự án, Bộ GTVT vừa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này, từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án tái khởi động với tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, thực hiện trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.
Theo Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến trong quý I/2023.
Sau khi dự án được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.
Dự án có chiều dài khoảng 72,5km sẽ được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 2 trạm thu phí hoàn vốn tại Km44+500 và Km75+500. Vận tốc thiết kế đạt 100km/h.
Theo thiết kế, bề rộng nền đường là 12,25m, bề rộng mặt đường là 11,25m, lề đất rộng 1m; giữ nguyên theo hướng tuyến hiện hữu đang đang chưa hoàn thiện, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Nguồn vốn ngân sách cấp cho dự án là 2.178 tỷ đồng gia đoạn 2021 -2025 và khoảng 115 tỷ đồng giai đoạn 2026 – 2030.