Báo Ukraine chỉ trích ông Zelensky, kêu gọi phương Tây can thiệp

Truyền thông Ukraine ngày 22/7 công khai chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho rằng ông đang từng bước phá bỏ những thành quả của sự kiện Maidan năm 2014, đặc biệt là hệ thống chống tham nhũng độc lập, sau khi Ukraine thoát khỏi ảnh hưởng của chính quyền thân Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đối mặt sự chỉ trích từ dư luận và truyền thông. Ảnh: Reuters.

Thay đổi luật gây tranh cãi

Ngày 22/7, Quốc hội Ukraine thông qua luật xóa bỏ sự độc lập của các cơ quan chống tham nhũng chủ chốt như Cục Chống tham nhũng quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên chống tham nhũng đặc biệt (SAPO). Tổng công tố Ukraine sẽ đảm nhận vai trò giám sát NABU và SAPO, dẫn đến lo ngại quyền lực thâu tóm về tay Tổng thống Zelensky. Tháng trước, ông Zelensky đưa ra đề xuất bổ nhiệm Tổng công tố mới là ông Ruslan Kravchenko.

“Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc văn phòng Tổng thống có thể dừng một cuộc điều tra chỉ bằng một cuộc điện thoại cho Tổng công tố”, tờ Kyiv Independent nhận định.

Thay đổi này được xem là đảo ngược hoàn toàn cơ chế kiểm soát quyền lực mà Ukraine từng thiết lập với sự hỗ trợ của phương Tây sau sự kiện Maidan năm 2014. Cơ chế do phương Tây xây dựng ở Ukraine, cho phép các cơ quan chống tham nhũng hoạt động độc lập với hệ thống hành pháp truyền thống.

Thay đổi lớn ở Ukraine

Chính biến Maidan ở Ukraine năm 2014 đánh dấu sự thành lập của các cơ quan chống tham nhũng độc lập. Ảnh: Getty Images.

Sự thay đổi luật diễn ra sau một loạt động thái mạnh tay của cơ quan an ninh: hàng chục nhân viên NABU bị khám xét nhà, với lý do đa dạng — từ nghi vấn hợp tác với Nga, buôn bán ma túy cho đến tai nạn xe hơi từ 4 năm trước. Giám đốc NABU cho biết một số cuộc khám xét đã sử dụng vũ lực. Có tin cho rằng lực lượng an ninh còn cưỡng ép mở khóa điện thoại bằng nhận diện khuôn mặt của một điều tra viên.

“Đây không phải là hành động đơn lẻ, mà là một chiến dịch quy mô, do những người thân cận hoặc trực tiếp chịu sự kiểm soát của Tổng thống Zelensky tiến hành”, tờ Kyiv Independent nhận định.

Một trong những nguyên nhân được cho là khiến Tổng thống Zelensky đẩy mạnh chiến dịch này là việc NABU bắt đầu điều tra những người thân tín, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Oleksiy Chernyshov và là bạn thân của ông Zelensky.

Đi ngược lại dấu ấn Ukraine kể từ năm 2014?

Tờ Kyiv Independent nhấn mạnh hệ thống chống tham nhũng độc lập được thành lập sau sự kiện Maidan 2013 - 2014. Đây là một bước ngoặt đưa Ukraine xích lại gần phương Tây và cắt đứt với chính quyền thân Nga của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình khi đó.

Người dân Ukraine biểu tình phản đối sau khi Quốc hội thông qua luật. Ảnh: Kyiv Independent.

“Phải trả giá bằng máu, cùng nhiều năm nỗ lực sau đó, Ukraine mới có được một nền tảng chống tham nhũng độc lập. Giờ đây, ông Zelensky đang tìm cách phá bỏ nó để bảo vệ người thân cận và củng cố quyền lực”, tờ Kyiv Independent chỉ trích, lưu ý hàng nghìn người Ukraine đã đổ ra đường biểu tình, không chỉ ở Kiev mà còn ở nhiều thành phố khác.

Lời kêu gọi phương Tây hành động

Theo tờ Kyiv Independent, phương Tây — cụ thể là Mỹ và Liên minh châu Âu — có vai trò không thể thiếu trong việc buộc chính phủ Ukraine tiến hành cải cách, thông qua điều kiện viện trợ tài chính. Nhưng kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, các đối tác phương Tây gần như không còn gây áp lực về cải cách, vì ưu tiên là hỗ trợ quân sự đối phó Nga.

“Phương Tây đã sai lầm khi im lặng và dẫn đến bước thụt lùi nguy hiểm ngày hôm nay”, tờ Kyiv Independent viết.

Báo Ukraine cho rằng, vẫn là chưa quá muộn để phương Tây can thiệp. “Viện trợ quân sự không nên bị ràng buộc — sự tồn vong của Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu Ukraine trượt dài và đánh mất bản sắc, sẽ rất khó để các chính phủ phương Tây thuyết phục người dân nước họ tiếp tục ủng hộ Kiev”, bài viết kết luận.