Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bách phân vị điểm thi 7 tổ hợp xét tuyển đại học để các trường tham khảo quy đổi các phương thức xét tuyển.


Theo phân tích của Tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Bộ GD-ĐT, phương pháp bách phân vị được khuyến nghị sử dụng trong trường hợp quy đổi điểm giữa các bài thi đảm bảo thứ hạng thí sinh, tính công bằng, minh bạch và ổn định theo các đợt thi, các năm tuyển sinh.
Phương pháp bách phân vị là phương pháp dựa trên phân bố điểm của 2 kỳ thi, xác định điểm ở cùng phân vị để chuyển đổi.
Theo cách này, bách phân vị quy đổi điểm thành các mức phân vị, giúp chỉ ra vị trí của thí sinh trong tổng thể điểm của nhóm. Phân vị được sử dụng để so sánh thí sinh trong mối quan hệ với những thí sinh khác tham gia kỳ thi. Phương pháp quy đổi này chuyển đổi điểm thành phân vị, tức là xếp điểm số của một thí sinh vào một phân vị cụ thể theo phân phối điểm thi.
Ví dụ, thí sinh đạt phân vị 90 trong tổ hợp A00 nghĩa là thí sinh đó có điểm cao hơn 90% số thí sinh cùng thi tổ hợp này.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, bách phân vị (percentile) là một khái niệm thống kê đơn giản nhưng có giá trị ứng dụng lớn, đặc biệt trong giáo dục.
Thay vì chỉ nhìn điểm số tuyệt đối (ví dụ điểm 8/10), bách phân vị cho biết thí sinh đang ở vị trí nào so với toàn bộ nhóm tham gia. Nói cách khác, nó cho biết bạn “vượt qua” bao nhiêu phần trăm thí sinh khác.
PGS Dũng lấy ví dụ nếu bạn đạt bách phân vị 90, điều đó có nghĩa bạn có điểm cao hơn 90% thí sinh khác và chỉ 10% thí sinh đứng trên bạn. Nếu ở bách phân vị 50, bạn ở mức trung bình.
Theo PGS Dũng, phương pháp này không phụ thuộc vào điểm số tuyệt đối mà tập trung vào phân bố điểm của toàn bộ nhóm, giúp đánh giá công bằng hơn, đặc biệt khi điểm số có thể biến động do độ khó của đề thi.
Với tính chất nêu trên, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bách phân vị được áp dụng để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc xét tuyển đại học.
Theo thông tin từ ĐH Bách Khoa Hà Nội, căn cứ theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng phương pháp bách phân vị (Percentile Equating) để tìm ra các mức điểm chuẩn tương đương giữa 3 phương thức tuyển sinh của Đại học bao gồm: Phương thức Xét tuyển tài năng (XTTN), phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) và phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, Đại học Bách khoa Hà Nội thống kê, phân tích dữ liệu tuyển sinh của 3 năm trở lại đây, các tổ hợp xét tuyển khác nhau, phân tích phổ điểm XTTN theo các diện, phổ điểm bài thi TSA, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp gốc là A00 (Toán-Lý-Hóa) để làm căn cứ xác định khoảng phân vị tương quan.
Trên cơ sở đó, tổ chuyên gia đã xây dựng Bảng phân vị tương quan giữa các phương thức tuyển sinh đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo đó, top% điểm thi tốt nghiệp THPT được tính trên tổng điểm của tổ hợp xét tuyển gốc là A00 (Toán-Lý-Hóa) đối với các thí sinh có điểm từ mức điểm sàn đến mức cao nhất (30 điểm); Top% điểm XTTN 1.2 và 1.3 được tính trên tổng số thí sinh có điểm theo phương thức XTTN từ mức điểm sàn đến mức cao nhất (100 điểm); Top% điểm ĐGTD được tính trên tổng số thí sinh có điểm TSA từ mức điểm sàn đến mức cao nhất (100 điểm). Mức điểm sàn do Đại học Bách khoa Hà Nội công bố hàng năm.
Bảng phân vị tương quan mức điểm chuẩn giữa các phương thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các giá trị khoảng phân vị cụ thể của bảng trên sẽ được tính toán dựa theo điểm XTTN, điểm thi TSA, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh tương ứng.