Căng thẳng Thái Lan – Campuchia: Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế hai nước?

Xung đột căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia từ tháng 5/2025 không chỉ khiến biên giới hai nước “đóng băng”, mà còn kéo theo sự ảnh hưởng đến kinh doanh, sụt giảm du lịch và đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư được khuyến cáo phải cẩn trọng và tìm hướng đi mới để thích nghi.

Từ những vụ đụng độ nhỏ quanh khu vực “Tam giác Ngọc” giữa Thái Lan, Campuchia và Lào vào tháng 5/2025, tình hình đến nay đã nhanh chóng leo thang thành xung đột khó lường. Các cuộc không kích, nổ mìn và pháo kích đã phá hủy hàng loạt công trình dân sự và quân sự dọc biên giới.

Việc giao tranh kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hai nước liên quan, mà còn làm ảnh hưởng tới nền kinh tế khu vực. Các tuyến thương mại bị cắt đứt, ngành du lịch gặp nguy cơ lớn và những vấn đề khác với nhà đầu tư ngoại.

Căng thẳng leo thang ở biên giới Thái Lan và Campuchia

Biên giới đóng cửa, thương mại nông sản bị thiệt hại nặng

Thái Lan bất ngờ đóng toàn bộ cửa khẩu với Campuchia vào cuối tháng 7/2025, khiến thương mại song phương lập tức tê liệt. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xuất khẩu trái cây và rau củ – trị giá lên đến 1,2 tỷ USD mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở thương mại song phương, sự gián đoạn còn làm tắc nghẽn toàn bộ chuỗi cung ứng trong vùng sông Mekong. Tuyến đường quan trọng Sisaket – Bavet từng là huyết mạch vận chuyển gạo và cao su, nay phải vòng qua nước khác, khiến thời gian giao hàng kéo dài và chi phí đội lên.

Các doanh nghiệp logistic tại Thái Lan và Campuchia, như Thai Post hay Westports Holdings, đang đứng trước nguy cơ lợi nhuận bị thu hẹp cho tới khi tình hình ổn định trở lại.

Du lịch – “mũi nhọn” của kinh tế Campuchia – đang gặp nhiều trở ngại

Ngành du lịch Campuchia đang gặp nhiều khó khăn. Ngôi đền Preah Vihear – di sản thế giới và biểu tượng văn hóa quan trọng – giờ đây nằm trong vùng xung đột. Chỉ riêng tháng 7/2025, lượng khách quốc tế đến Campuchia đã giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cổ phiếu ngành khách sạn và lữ hành trong khu vực cũng lao dốc, với mức giảm trung bình 12%.

Tình hình cũng nghiêm trọng tại Thái Lan. Các tỉnh giáp Campuchia như Surin, Sisaket – nổi tiếng với chợ biên giới và lễ hội văn hóa – chứng kiến hàng loạt nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Các nhà đầu tư đang nhanh chóng chuyển hướng khỏi những tài sản phụ thuộc vào du lịch, tìm đến những thị trường ít rủi ro hơn như Chiang Mai, hay các nền tảng du lịch số.

Nhà đầu tư nên làm gì để thích nghi với thời kỳ bất ổn?

Trước tình hình bất định, chuyên gia khuyến nghị các chiến lược sau:

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Tránh phụ thuộc vào tuyến vận tải qua vùng Mekong. Doanh nghiệp nên xem xét mở rộng qua các nước khác trong khu vực.

Phòng vệ trước rủi ro tiền tệ: Đồng baht Thái và riel Campuchia có thể tiếp tục mất giá so với USD. Nhà đầu tư nên cân nhắc các quỹ ETF phòng vệ, hoặc trái phiếu gắn với lạm phát.

Chuyển hướng sang các ngành “bền rủi ro”: Công nghệ, y tế và năng lượng tái tạo là những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng từ xung đột biên giới. Ví dụ, công ty sản xuất pin mặt trời SPP Asean vẫn duy trì ổn định nhờ không phụ thuộc vào vận tải đường bộ.

Theo dõi sát diễn biến ngoại giao: Trước tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Thái Lan - Campuchia, Liên hợp quốc, chính phủ nhiều nước đã kêu gọi hai bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp khẩn tại New York vào ngày 25/7 để thảo luận về các vụ đụng độ biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Nếu có đột phá, thị trường có thể phục hồi nhanh chóng.