8 quan niệm sai lầm về ăn uống sau sinh khiến bác sĩ sản khoa “choáng váng”

BS. Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Phụ Sản và ThS BS. Nguyễn Thị Tố Thư - Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã chỉ ra những sai lầm phổ biến về ăn uống sau sinh.

1. Bỏ bữa để giảm cân
Sau sinh, nhiều chị em mong muốn có thể trở về cân nặng như trước vì vậy có kế hoạch giảm cân bằng cách “bỏ bữa”.
Cách ăn uống sau sinh trên là cách phản khoa học. Do đó, chị em nên chia thành 5 – 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày với những thức ăn đủ dinh dưỡng nhưng ít năng lượng thay vì chỉ ăn 3 bữa chính nhưng ăn nhiều.
2. Không ăn sáng
Không ăn sáng là thói quen không tốt. Vì vậy, phụ nữ sau sinh nên tập thói quen ăn sáng (giúp cung cấp năng lượng khởi đầu ngày mới, tránh cảm giác mệt mỏi sau đó); ăn chậm.
3. Ăn thực phẩm nhiều chất béo
Nhiều người cho rằng, ăn những thực phẩm nhiều chất béo sẽ có nhiều sữa, con béo khỏe. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Vì ăn nhiều chất béo sẽ tăng cân nhanh chóng. Do đó, phụ nữ sau sinh nên chọn thực phẩm và sữa ít chất béo.
4. Không ăn vặt
Phụ nữ sau sinh không ăn vặt cũng không đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con. Vì thế, phụ nữ sau sinh vẫn nên chọn đồ ăn vặt như trái cây, rau quả (táo, cam, bưởi, ổi, chuối, cà rốt… là những thực phẩm vừa ít béo, vừa giàu sinh tố và chất xơ).
5. Ăn nhiều tinh bột
Quan niệm ăn nhiều tinh bột mới có sữa cho con bú. Điều này là sai lầm, vì ăn nhiều tinh bột dễ bị tiểu đường, béo phì. Vì vậy, phụ nữ sau sinh nên hạn chế ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt và béo.
Mâm cơm đầy đủ chất dinh dưỡng cho người mẹ sau sinh
Mâm cơm đầy đủ chất dinh dưỡng cho người mẹ sau sinh 
6. Tránh đồ chua
Một số quan điểm dân gian cho rằng sau sinh, người mẹ cần kiêng cữ tránh đồ chua sợ sau này bị trung tiện nhiều, em bé bị tiêu chảy,…
Vấn đề kiêng cữ này không đúng hoàn toàn, ăn chua hay bổ sung vitamin C ở mức độ vừa phải là tốt, nhưng tránh thức ăn quá chua, quá mặn hay có tính hàn như ốc, cải chua… có thể gây ra tiêu chảy và phản ứng sản hậu.
Những thực phẩm có tính ấm thường được sử dụng cho bà mẹ sau sinh như nghệ, thịt kho tiêu, gừng cần kết hợp thêm với rau xanh, trái cây,…
7. Chỉ ăn thịt cá kho mặn
Chỉ ăn thịt cá kho mặn cho lành bụng cũng là quan điểm sai lầm. Do đó, phụ nữ sau sinh không cần kiêng cữ quá nhiều vì sẽ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe.
8. Ăn rất ít rau xanh và trái cây tươi
Ăn rất ít rau xanh và trái cây tươi vì sợ em bé bị tiêu chảy cũng là quan niệm sai lầm. Bởi vì ăn ít rau xanh và trái cây sản phụ thiếu vitamin và khoáng chất, chế độ ăn ít chất xơ, nhiều gia vị khiến bà mẹ dễ táo bón.
Do đó, các bà mẹ cần có chế độ ăn lành mạnh, hợp lý, ít chất béo, đồng thời nghỉ ngơi và tập luyện đều đặn và đừng quên uống nhiều nước khoảng 8 – 9 ly nước mỗi ngày.

Điều gì xảy ra khi cơ thể thiếu ánh nắng mặt trời?

(Kiến Thức) - Theo nghiên cứu gần đây, có đến gần 40% người Mỹ bị thiếu vitamin D do không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều đó làm cho cơ thể không đủ lượng vitamin D cần thiết và dẫn đến sức khỏe suy giảm.

Khi da bạn được tiếp nhận ánh sáng mặt trời sẽ bắt đầu sản xuất ra vitamin D cần thiết cho quá trình chuyển hoá của cơ thể.

Sinh tố nhau thai có thực sự là thần dược chữa bách bệnh?

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây rộ lên phong trào mua nhau thai về tẩm bổ, chữa bệnh. Liệu nhau thai có là "thần dược" chữa bách bệnh như nhiều lời đồn.

Mới đây một phụ nữ người Anh bỏ ra 30 bảng Anh (gần 1 triệu VNĐ) để xay nhuyễn phần nhau thai thu được từ 2 lần sinh trước làm sinh tố cho chồng con. Phần còn lại cô chi thêm 150 Bảng (gần 5 triệu VNĐ) khử nước, làm khô để chế thành thuốc viên gửi cho người mẹ đang trong giai đoạn hậu phẫu sau khi cắt bỏ buồng trứng.
Trước thông tin này, nhiều người băn khoăn nhau thai thực sự có công dụng chữa bách bệnh như nhiều lời đồn hay không?
Nhau thai là bộ phận trong tử cung của người mẹ, phần phụ của thai, có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng bào thai. Trong y học cổ truyền, nhau thai khô được gọi là “tử hà sa”.
Nhau thai là cơ quan liên kết giữa người mẹ và em bé khi còn là bào thai. Nó là một phần thiết yếu của thai kỳ và được đào thải sau khi sinh con.
Các chất dinh dưỡng và oxygen được truyền từ máu mẹ đến bào thai qua nhau thai. Nhau thai cũng là một hàng rào chắn giúp bảo vệ thai nhi trước nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Nhau thai đươc nhiều người Việt sử dụng làm thuốc để tẩm bổ. Ảnh: Internet.
 Nhau thai đươc nhiều người Việt sử dụng làm thuốc để tẩm bổ. Ảnh: Internet.
Đối với con người, em bé sống được trong tử cung người mẹ 9 tháng 10 ngày cho đến khi sinh nở là nhờ các giá trị dinh dưỡng từ nhau thai. Nhau thai ở động vật cũng vậy, chứa nhiều chất dinh dưỡng và có thể bù đắp sự mất dưỡng chất trong thai kỳ, nhất là sắt. Chính vì vậy, động vật có vú sau khi sinh con thường ăn nhau thai.
Từ các cơ sở trên, nhiều bài thuốc dân gian lý luận rằng nhau thai có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Đây là một trong những lý do người ta sử dụng nhau thai để làm thuốc bổ.
Chia sẻ với VTC News, bác sỹ sản khoa Đinh Thu Hiền (Bệnh viện Nhi Trung ương), ở Việt Nam việc sử dụng nhau thai để làm món ăn bổ dưỡng ở các thành phố gần như không còn. Việc làm thuốc cũng rất hạn chế bởi các quy định y tế quản lý nhau thai rất nghiêm ngặt và cũng có nhiều vị thuốc khác thay thế.
Bác sỹ Hiền cũng khuyến cáo, người dân nên thận trọng trong sử dụng thuốc và các chế phẩm dạng như thực phẩm chức năng mà người bán hàng thổi công năng như thần dược, đặc biệt.
Cũng theo TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy - PGĐ bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, quy định của Bộ Y tế nhau thai thuộc chất thải giải phẫu trong nhóm chất thải lây nhiễm trong các loại chất thải y tế. Vì vậy, người dùng nhau thai rất nguy hiểm vì có thể lây nhiễm cả virút viêm gan B, HIV, rubella... Virus HIV và viêm gan B chỉ bất hoạt ở nhiệt độ cao và kéo dài. Trong khi thời gian chế biến món ăn, thức uống từ nhau thai ngắn, nhiệt độ không cao nên virus khó bị tiêu diệt, việc lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong khi đó lương y Nguyễn Xuân Hướng, Hội Đông y Việt Nam thông tin: Theo y học cổ truyền thì nhau thai có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở…
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được điều này và nhau thai cũng chỉ bổ dưỡng như thịt gà, thịt bò… Thậm chí, nhau thai nếu không được xử lý đúng cách thì người dùng còn dễ bị nhiễm khuẩn, lây bệnh di truyền, đặc biệt là nhiễm virus viêm gan B, C, nhiễm khuẩn.
Việc sử dụng nhau thai khó có thể đảm bảo độ an toàn cho tính mạng người sử dụng, nhất là nhau thai không rõ nguồn gốc. Tại các bệnh viện phụ sản, nhau thai được phân loại như một chất thải y tế để đưa đi tiêu hủy.
Nếu dùng nhau thai không được an toàn làm thuốc sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trong khi đó, thực chất nhau thai không có công dụng như lời đồn và hiện nay, đã có nhiều vị thuốc thay thế nên nhau thai ít được sử dụng làm vị thuốc hơn.
Trước đây Việt Nam có chế phẩm từ nhau thai nhưng đến nay đã ngừng sản xuất. Hiện, các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu đã được thế giới khuyến cáo không nên dùng vì không có bằng chứng khoa học cụ thể.
Nhau thai không an toàn không giúp cải thiện sức khỏe mà còn gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của con người. Ngoài các bệnh truyền nhiễm thì người ăn nhau thai còn có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh khác như gây đột biến, ung thư, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm vi trùng, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Vì vậy, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai.