Triệu Túc
Triệu Túc (470-545) vị lão tướng đã đồng hành Lý Nam Đế trong công cuộc ba lần đánh giặc nhà Lương giành độc lập dân tộc, lập nước Vạn Xuân.
Ít ai biết, Triệu Túc xuất thân là một tù trưởng, giàu nghĩa khí, có công khai khẩn đất đai, mở mang vùng đầm Dạ Trạch trù phú. Khi Lý Bí phát động khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Lương năm 541, Triệu Túc - khi đó đã 70 tuổi, mang toàn bộ binh lính, cùng con trai là Triệu Quang Phục gia nhập nghĩa quân.

Trong những trận đọ sức đầu tiên với quân Lương, Triệu Túc có những đóng góp rất to lớn, được Lý Bí trân trọng ghi nhận và đánh giá rất cao. (Ảnh minh họa)
Triệu Túc cùng các danh tướng như Phạm Tu, Tinh Thiều đóng vai trò quan trọng trong việc bao vây thành Long Biên, buộc thứ sử Tiêu Tư phải cầu hòa. Triệu Túc cũng góp phần tham mưu trận tập kích phủ đầu tại Hợp Phố, phá tan đại bản doanh quân Lương, thể hiện tư duy quân sự tiên phong, tạo tiền đề cho chiến thắng vang dội của nghĩa quân.
Sau khi Lý Nam Đế lên ngôi (năm 544), Triệu Túc được phong làm Thái phó, chức vị cao quý trong triều đình nước Vạn Xuân. Khi nhà Lương cử Trần Bá Tiên và Dương Phiêu sang đàn áp, ông cùng Phạm Tu chia quân phòng thủ biên ải, tổ chức lực lượng cản bước tiến của địch. Dù 75 tuổi, ông vẫn trực tiếp cầm quân xông pha chiến trận và hy sinh anh dũng tại sông Tô Lịch khi thành Long Biên thất thủ.
Sự nghiệp của Triệu Túc không chỉ gắn liền với công cuộc chống ngoại xâm mà còn với việc giữ gìn vùng đất Chu Diên, nuôi dưỡng nhân tài. Tiêu biểu là con trai Triệu Quang Phục - người sau này kế tục sự nghiệp cha, trở thành Triệu Việt Vương, lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi.
Phạm Tu
Tháng 1/542, Lý Bí dấy binh khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương và viên thứ sử cai trị nước ta bấy giờ là Tiêu Tư. Kết quả cuối cùng Lý Bí giành được thắng lợi to lớn. Trong đó, phải kể đến công của các bậc văn võ anh tài như Triệu Túc, Phạm Tu, Tinh Thiều giúp sức.
Một điểm đặc biệt của những cánh tay đắc lực này chính là Phạm Tu (476-545). Danh tướng sở hữu gương mặt khôi ngô tuấn tú, học giỏi, tư chất thông minh, hay đọc sách binh pháp. Ngoài ra, ông sở hữu tài cưỡi ngựa, bắn cung khiến nhiều người trong vùng phải ngưỡng mộ.
Năm ấy, Phạm Tu đã bước sang tuổi 67 nhưng ông vẫn quyết định tham gia công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Năm 543, Phạm Tu chỉ huy nghĩa quân đánh tan quân giặc ở Cửu Đức. Năm 544, khi Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Lý Nam Đế, đã phong Phạm Tu làm Tả tướng quân, đứng đầu Ban Võ.

Trong cuộc chiến giữ thành Tống Bình năm 545, để chặn đại quân địch cho Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục lui binh, bảo toàn lực lượng, Phạm Tu đã anh dũng hy sinh ở tuổi 69. (Ảnh minh họa)
Lê Phụng Hiểu
Lê Phụng Hiểu (982-1059) một trong những võ tướng kiệt xuất thời Lý. Thuở nhỏ ông đã khổ luyện võ công, sớm nổi danh là đô vật trứ danh đất Ái Châu. Lê Phụng Hiểu mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ trong một túp lều dưới chân núi Bưng làm nghề đốn củi độ nhật.
Nhìn thấy tài năng của ông, Lý Thái Tổ chiêu mộ và xếp ông vào đội túc vệ hoàng thành. Ông từng bước được thăng đến chức Vũ vệ tướng quân nhờ sự trung thành và hết lòng phò tá vua Lê.
Năm 1028, vua Lý Thái Tổ qua đời, triều đình vâng theo di chiếu rước Thái tử Phật Mã lên nối ngôi. Ba vương tử: Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương cùng nổi loạn, tranh nhau ngôi vua. Đông Chinh vương phục quân phía trong Long thành, đón bắt Thái tử.
Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, thì Võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức vương mà bảo rằng: "Các người dòm ngó ngôi cao, khi dễ tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!".
Vừa dứt lời, ông chạy xông vào hạ Vũ Đức vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ nên bỏ chạy cả. Dực Thánh vương và Đông Chinh vương cũng phải chạy trốn, về sau xin ra hàng. Cuối cùng, Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, tức là Lý Thái Tông.

Việc giúp Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi theo di chiếu của Lý Thái Tổ là một trong những chiến công hiển hách của danh tướng Lê Phụng Hiểu. (Ảnh minh họa)
Năm 1059, Lê Phụng Hiểu qua đời ở tuổi 73 với những chiến công đầy tự hào đối với vùng đất ông sinh ra và lớn lên.
Đặng Tất
Quốc công Đặng Tất (1357-1409) và con trai là Đặng Dung có công rất lớn giúp quý tộc nhà Trần giành lại quyền lực khi đất nước bị giặc Minh xâm lược.
Cụ thể, tháng 10/1407, Trần Ngỗi là con thứ của Trần Nghệ Tông, tự xưng là Giản Định hoàng đế, đặt niên hiệu Hưng Khánh, tổ chức khởi nghĩa ở Mộ Độ (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
Sau khi khởi nghĩa, Giản Định Đế đem quân giải phóng được một số vùng đất thuộc tỉnh Ninh Bình. Sau đó nghĩa quân bị quân Minh tấn công phải lui vào khu vực Nghệ An.
Nghe tin, Giản Định Đế nổi dậy khởi nghĩa, Đặng Tất hạ hết quân Minh ở Hoá Châu rồi đem quân ra Nghệ An hợp với Giản Định Đế mưu sự khôi phục nhà Trần.

Tuy tuổi đã cao nhưng Đặng Tất vẫn xông pha ra trận, lập nhiều chiến công. (Ảnh minh họa)
Năm 1408, thời điểm ông đã hơn 50 tuổi nhưng ông vẫn cùng Nguyễn Cảnh Chân chỉ huy quân đội Hậu Trần giành chiến thắng trong trận Bô Cô (Nam Định), và hạ được Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị của nhà Minh.
Tiếc là Giản Định Đế không nhận ra người tài, nghe lời gièm pha kẻ xấu nên đã hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Khi nghe tin cha qua đời, Đặng Dung vô cùng đau xót, căm phẫn nhưng ông vẫn đặt nợ nước lên đầu, tiếp tục thay cha ủng hộ nhà Hậu Trần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ (1778-1859) là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX. Sinh ra tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, ông không chỉ nổi danh là nhà thơ, nhà tư tưởng mà còn là một vị quan tài năng, trung nghĩa, suốt đời tận tụy với non sông xã tắc. Xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, mãi đến năm 42 tuổi ông mới đỗ Giải nguyên ở trường thi hương trấn Nghệ An và bắt đầu thời kỳ làm quan đầy thăng trầm của Nguyễn Công Trứ.
Tuy vào triều đình muộn, nhưng với tài năng và ý chí mãnh liệt, Nguyễn Công Trứ nhanh chóng được trọng dụng, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Hải An, và là người có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp tại các vùng ven biển thuộc Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.

Nguyễn Công Trứ có nhiều công trạng trong việc đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, ổn định đất nước và khai khẩn đất đai, thủy lợi. (Ảnh minh họa)
Năm 1847, ở tuổi 70, Nguyễn Công Trứ xin về hưu nhưng vua Thiệu Trị không cho. Đến năm 1848, dưới thời vua Tự Đức, ông mới được về hưu hẳn. Thế nhưng, đến năm Mậu Ngọ (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, tuy đã 80 tuổi, ông vẫn tha thiết xin vua Tự Đức được tòng quân đi đánh giặc.
Lời thỉnh cầu ấy, dù không được chấp thuận, đã thể hiện tâm huyết của một bậc trung thần, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước. Chưa đầy một tháng sau khi quân Pháp xâm lược, Nguyễn Công Trứ qua đời tại quê nhà, nhưng tinh thần “vị quốc vong thân” và tấm lòng “dám nghĩ, dám làm” của ông vẫn sáng mãi như ngọn lửa soi đường cho hậu thế.
Nguyễn Tri Phương
Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn, ông có công giúp nước ta chống lại quân xâm lược Pháp và ở độ tuổi ngoài 70, ông vẫn xông pha trận mạc, tham gia chiến đấu cùng các đồng đội. Cuối cùng, ông đã qua đời ở tuổi 74 tại chiến trường.
Ông từng tướng chỉ huy quân đội triều đình chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Với sự thông minh xuất chúng của mình, Nguyễn Tri Phương được chuyển đến Bộ Hộ của triều đình Huế. Hết thời vua Minh Mạng, sang thời vua Thiệu Trị, vị danh thần này tiếp tục được đề bạt trở thành người đứng đầu nhiều địa phương Nam kỳ, Trung Kỳ và trong triều đình, ông đã được thăng chức tới hàm Thượng thư Bộ công.

Làm quan dưới ba triều vua, Nguyễn Tri Phương không chỉ là một vị quan có uy có thế mà ông còn được giao trọng trách điều binh khiển tướng trong nhiều trận đánh.
Nguyễn Tri Phương từng 6 lần giữ nhiệm vụ chỉ huy quân sĩ tác chiến. Trong đó, có 5 lần ông đều giữ chức Tổng đốc quân vụ. Đặc biệt dưới thời vua Tự Đức, ông rất được trọng dụng và tin tưởng.
Ông đã giúp quân đội nhà Nguyễn chặn đứng bước tiến của quân Pháp ở Đà Nẵng, đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của kẻ thù, buộc chúng phải kéo vào Gia Định. Trong trận chiến bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và rơi vào tay giặc. Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quân Pháp tìm cách mua chuộc ông.
Tuy nhiên, bỏ qua mọi dụ dỗ của kẻ thù, Nguyễn Tri Phương từ chối thẳng thừng yêu cầu đắp thuốc chữa trị vết thương của chúng. Nguyễn Tri Phương còn tuyệt thực cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 74. Điều này thể hiện tinh thần trung thành, dũng cảm của ông khi đương đầu trực tiếp với quân xâm lược.