Vingroup xây dựng nhà máy ôtô điện 7.300 tỷ tại Hà Tĩnh
Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ôtô điện 7.300 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh).
Video: Vingroup khởi động nhà máy Vinfast tại Hà Tĩnh.
Theo quyết định của UBND tỉnh, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh sẽ thực hiện hồ sơ, thủ tục nhận chuyển nhượng 75.040m² đất trồng lúa từ 288 thửa đất của 234 hộ dân. Những thửa đất này đã được UBND thị xã Kỳ Anh xác nhận có nguồn gốc sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2014 và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vingroup xây dựng nhà máy ôtô điện 7.300 tỷ tại Hà Tĩnh.
Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất ôtô điện VinFast sẽ được xây dựng trên các lô đất có ký hiệu CN4-2 và CN4-1 (diện tích dự kiến khoảng hơn 36 ha) của Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5, Khu kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Tổng mức đầu tư của dự án là 7.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của chủ đầu tư 1.095 tỷ đồng (chiếm 15% vốn đầu tư dự án), nguồn vốn huy động 6.205 tỷ đồng (chiếm 85% vốn đầu tư dự án).
Dự kiến, nhà máy sản xuất ôtô điện VinFast tại Khu kinh tế Vũng Áng sẽ tập trung sản xuất các mẫu xe điện phổ thông là VF3 và VF5.
Nhà máy Vinfast mới chủ yếu sản xuất các mẫu xe điện VF3 và VF5.
Theo văn bản đề xuất, dự án sẽ thực hiện trong 70 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2026. Giai đoạn một đến năm 2026 công suất 200.000 xe một năm, giai đoạn hai từ sau năm 2026 mỗi năm sản xuất 400.000 xe.
Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm và góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.
VinFast là hãng ôtô bán chạy nhất thị trường Việt tháng 9/2024
VinFast công bố đã bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng trong tháng 9, cao hơn 2000 xe so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9/2024 vừa qua.
Video: Mini điện Vinfast VF3 và những option được hoàn thiện.
Đây là lần đầu tiên một thương hiệu ôtô điện Vinfast dẫn đầu thị trường Việt và đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, đánh dấu bước tiến mới của công nghiệp ôtô nội địa. Con số 9300 xe VinFast bán ra được công bố thắng cách biệt so với thương hiệu xếp thứ 2 là Toyota (doanh số 6.986 xe), tiếp đến Mitsubishi với 5.385 xe, KIA 4.015 xe và Ford bán được 3.967 xe.
Hàng loạt ôtô điện Xiaomi SU7 gặp nạn do lỗi đỗ xe tự động
Ra mắt từ tháng 3/2024, mẫu xe điện Xiaomi SU7 đã vấp phải không ít tranh cãi của người dùng. Mới đây, tính năng đỗ xe tự động trên Xiaomi SU7 lại đồng loạt gặp lỗi khiến hơn 70 xe bị tai nạn.
Video: Xem chi tiết mẫu xe sedan chạy điện Xiaomi SU7 2024.
Theo thống kê, chỉ trong chưa đầy 24 giờ từ chiều 14/11 đến rạng sáng 15/11 đã có hơn 70 chủ xe phản ánh về việc hệ thống đỗ xe tự động Xiaomi SU7 bị lỗi trên phạm vi cả Trung Quốc. Lỗi này khiến xe không thể căn được vị trí và có thể bị lùi vào tường hoặc đâm vào xe khác,...
Nhiều người dùng cũng chia sẻ vào các hội nhóm và khuyến cáo mọi người không nên sử dụng tính năng này trên Xiaomi SU7 chạy điện.
Hàng loạt ôtô điện Xiaomi SU7 gặp nạn do lỗi đỗ xe tự động.
Một tài xế SU7 cho biết, như thường lệ, người này lái chiếc SU7 xuống bãi đỗ xe tầng hầm. Sau khi thấy một ô trống, anh ta bật hệ thống đỗ xe tự động và chiếc SU7 đã suýt tông vào một xe khác nhưng may mắn anh đã kịp đạp phanh. Khi đó, người tài xế tưởng rằng kích thước khu vực đó chưa đạt chuẩn nên anh đã di chuyển xe đến một không gian rộng rãi hơn và kích hoạt tính năng một lần nữa. Lần này, hệ thống đánh vô-lăng sang trái và đột ngột tăng tốc khiến đầu xe va chạm với phương tiện đối diện, rồi lùi thẳng vào cột.
Ngay khi phát hiện hàng loạt xe Xiaomi SU7 gặp lỗi, các chủ xe này đã nhanh chóng đến trung tâm chăm sóc khách hàng của Xiaomi để kiểm tra. Sau đó, chủ xe đã được Xiaomi bồi thường, tùy theo mức độ hư hại của xe. Có người được trả 1.500 điểm Xiaomi (150 NDT, khoảng 525 nghìn đồng/ ngày) trong thời gian xe để lại xưởng sửa chữa. Một số xe bị nặng hơn sẽ được bồi thường 10.000 điểm Xiaomi (1.000 NDT, khoảng 3,5 triệu đồng/ngày).
Hầu hết chiếc xe gặp sự cố lần này đều đã được cài đặt bản cập nhật phần mềm từ xa (OTA) 1.4.0 do Xiaomi tung ra hồi đầu tháng 11.
Theo ghi nhận, hầu hết chiếc xe gặp sự cố lần này đều đã được cài đặt bản cập nhật phần mềm từ xa (OTA) 1.4.0 do Xiaomi tung ra hồi đầu tháng 11. Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới loạt lỗi này.
Vụ việc đã tạo nên làn sóng tranh cãi trong dư luận Trung Quốc, dấy lên nghi vấn về khâu phát triển, kiểm tra chất lượng nói chung và phần mềm nói riêng của Xiaomi trước khi tung ra thị trường. Trước đây, cũng từng có trường hợp xe SU7 mất kiểm soát trên đường đua chuyên dụng do hệ thống phanh không đủ sức hoạt động với cường độ cao.