Để 'thần y Tiktok' rởm quyết định sức khỏe nhận nhiều trái đắng

TikTok có thể là một nền tảng giáo dục y tế hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thông tin sai lệch tràn lan được phát ngôn bởi các "bác sĩ Tiktok" rởm.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội TikTok đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân chia sẻ kiến thức y tế đến công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những bác sĩ chân chính cung cấp thông tin hữu ích, cũng xuất hiện không ít "thần y" tự xưng, gây hoang mang cho người xem.
Tràn lan "thần y" tự xưng
Những “bác sĩ TikTok” tự phong không chỉ đơn thuần chia sẻ kiến thức sức khỏe mà còn hướng cộng đồng tới những sản phẩm như:
- Thực phẩm chức năng thần kỳ: Quảng cáo có thể chữa bách bệnh, từ ung thư đến tiểu đường, mà không cần dùng thuốc chính thống.
- Bài thuốc gia truyền: Tuyên bố có thể thay thế hoàn toàn y học hiện đại mà không có bằng chứng khoa học.
- Khóa đào tạo chữa bệnh: Mời gọi tham gia các khóa học để tự chữa bệnh tại nhà mà không cần đến bác sĩ chuyên môn.
Những nội dung này thường được thiết kế theo phong cách giật gân, gây sốc, kích thích sự tò mò và đánh vào tâm lý của người bệnh. Thậm chí, một số cá nhân còn mặc áo blouse trắng để tạo cảm giác đáng tin cậy.
De 'than y Tiktok' rom quyet dinh suc khoe nhan nhieu trai dang
Bác sĩ tự xưng chỉ cách chữa bệnh xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội TikTok. (Ảnh: Người lao động) 
Bà N.T.T 65 tuổi ở Thái Nguyên vì chứng mất ngủ, hoang tưởng đã nghĩ đến cách đi tìm "thần y". Lướt trên mạng thấy "bác sĩ TikTok" cảnh báo các dấu hiệu ung thư tiêu hóa, gan, thận, tê bì tay chân, mỏi vai gáy..., bà đã mua rất nhiều thực phẩm bổ sung để uống. Hai tuần trước, ngủ dậy thấy dấu hiệu tê tay, đau đầu, bà vội vàng bảo con cháu đưa đi cấp cứu vì nghĩ là đột quỵ. Gần đây, bà đòi đi khám bệnh nhiều hơn, thậm chí tự đi chụp chiếu sau những lời khuyên trên mạng. Số tiền khám và mua thuốc đã lên tới hơn 30 triệu đồng nhưng bà vẫn chưa yên tâm về sức khỏe.
Bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Ngoại Thận Tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E (Hà Nội), kể về một người đàn ông 29 tuổi đến khám và yêu cầu kê đơn thuốc điều trị bệnh tình dục. Bệnh nhân cho biết đi khám vì suy giảm chức năng tình dục, từng điều trị bệnh lậu do quan hệ tình dục không an toàn. Các xét nghiệm cho thấy mọi chỉ số đều bình thường, testosterone không suy giảm nhưng bệnh nhân vẫn không tin. Người đàn ông cho rằng mình mắc bệnh về sinh lý sau khi xem một video trên TikTok - nơi một người mặc áo blouse trắng phân tích các triệu chứng như mệt mỏi khi ngủ dậy, đổ mồ hôi là dấu hiệu thiếu kẽm, suy giảm testosterone dẫn đến giảm ham muốn. Trước khi đến bệnh viện thăm khám, bệnh nhân đã tự mua 2 hộp kẽm từ "bác sĩ TikTok" để bổ sung nhưng không thấy cải thiện.
De 'than y Tiktok' rom quyet dinh suc khoe nhan nhieu trai dang-Hinh-2
Các video tư vấn trên TikTok đã trở thành "bác sĩ" trong mắt nhiều người. 
Trước đó, năm 2023, TP HCM đã xử phạt "bác sĩ Hà Duy Thọ" hơn 100 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung. Ông Thọ đăng khá nhiều video trên mạng chia sẻ về kiến thức dinh dưỡng, ăn uống phòng bệnh, ăn uống sai gây ung thư...
Trong đó, nhiều clip gây chú ý như "rót ra chén nước mắm, ăn không hết lấy đồ đậy lại, 4 tiếng sau thì có chất gây ra ung thư" hoặc "uống sữa càng nhiều thì càng loãng xương"... Những thông tin này được cho là không có cơ sở khoa học. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất đã phát hiện "bác sĩ" Thọ khám cho bệnh nhân, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc nhãn hiệu "Dr Tho".
Đừng để "thần y Tiktok" quyết định sức khỏe
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam khuyến cáo người dùng mạng xã hội cần là người sử dụng thông minh, không nên áp dụng tất cả những gì nghe được, thấy được trên mạng xã hội khi không có kiểm chứng rõ ràng.
"Hiện nay các bệnh viện, hiệp hội đều có website, thậm chí có ứng dụng để tư vấn sức khỏe với những thông tin rõ ràng, dễ hiểu, đã được khoa học chứng minh. Vì vậy, thay vì nghe theo những tư vấn còn chưa rõ đúng hay sai, thật hay giả thì người dân nên tham khảo những thông tin trên nền tảng chính thống.
Bên cạnh đó, khi có vấn đề về sức khỏe nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Tuyệt đối không nên áp dụng theo các phương pháp truyền miệng hay chia sẻ cá nhân bởi mỗi người sẽ có tình trạng bệnh lý khác nhau, cơ thể khác nhau và phương pháp điều trị khác nhau", bác sĩ Mạnh khuyến cáo. 
Bộ Y tế đã từng đưa ra cảnh báo về các video quảng cáo thực phẩm chức năng hoặc phương pháp "chữa mẹo" được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Theo Luật An toàn thực phẩm, nhân viên y tế không được phép quảng cáo tên hoặc hình ảnh liên quan đến cơ sở y tế để khuyến khích mua sản phẩm này. Cơ quan chức năng cũng kêu gọi người dân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các thông tin trên mạng, và cần tìm đến các bệnh viện hoặc cơ sở uy tín khi cần thiết.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong luật quảng cáo quy định rất rõ đối với những nội dung quảng cáo mang tính chất đặc thù như trong lĩnh vực y tế thì cần phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và cấp giấy phép quảng cáo. Ngoài ra, khoản 1 Điều 9 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
De 'than y Tiktok' rom quyet dinh suc khoe nhan nhieu trai dang-Hinh-3
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội). 
Căn cứ theo Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
Đồng thời, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này. Cũng theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, theo khoản 3 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo, theo khoản 5 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Do vậy, trong trường hợp có hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để khám, chữa bệnh nhưng chưa được cấp phép hay không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là các hành vi vi phạm các quy định quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuỳ vào hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo các mức phạt ở các quy định nêu trên.
Về hành vi khám chữa bệnh, căn cứ Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định một trong các điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh là phải có giấy phép hành nghề hợp lệ và đã thực hiện đăng ký hành nghề. Căn cứ khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Còn đối với hành vi tự xưng hay giả danh là bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề để bán thuốc, tư vấn và cam kết chữa bệnh, đây có thể là hành vi gian dối đưa thông tin giả để tạo thêm lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Hành vi phạm tội trên sẽ bị truy tố và xử lý về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 trong Bộ luật Hình sự.
Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một số trường hợp sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, những cá nhân tự xưng là bác sĩ để tư vấn sức khỏe, quảng bá "thần dược" không rõ nguồn gốc hoặc đưa ra cam kết chữa khỏi bệnh thì tuỳ thuộc và hành vi, tính chất, hoàn cảnh phạm tội cụ thể sẽ bị xử lý theo các hình thức, mức phạt, mức xử lý khác nhau.
Trong trường hợp người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tính mạng thì trách nhiệm bồi thường do các hành vi vi phạm trên gây ra trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp có quy định khác. Theo đó, trong trường hợp gây ra ảnh hưởng về sức khỏe, người bị ảnh hưởng sức khỏe có thể yêu cầu bồi bường. Việc bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự.
TikTok có thể là một công cụ hữu ích để truyền tải kiến thức y khoa, nhưng cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu thông tin bị bóp méo và lạm dụng. Trước khi tin vào bất kỳ ai tự xưng là 'bác sĩ' trên mạng xã hội, hãy luôn kiểm chứng thông tin và tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn. Đừng để những 'thần y' TikTok quyết định sức khỏe của bạn.
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng (bác sĩ - giảng viên lâm sàng Đại học Texas Tech, Mỹ) đưa ra những dấu hiệu nhận diện các bác sĩ "rởm" trên TikTok:
- Đó là những bác sĩ liên tục lên mạng tư vấn cho mọi ca bệnh. Những bác sĩ làm đúng chuyên môn cũng cung cấp thông tin sức khỏe cho cộng đồng nhưng không phải vì lợi ích kiếm tiền nên việc chia sẻ không nhiều. Họ không có thời gian tư vấn mọi lúc mọi nơi. Họ cũng chỉ giải đáp những kiến thức trong phạm vi chuyên môn của mình.
- Đó là những bác sĩ khoe đủ thứ. Những người này cố gắng xây dựng hình ảnh mình là bác sĩ có tiếng tăm, khoe ra nhiều bằng cấp, thậm chí tự phong hàng chuyên gia. Họ thường thông tin về những căn bệnh khiến người dân lo lắng như đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư để lôi kéo người theo dõi.
- Đó là những bác sĩ "họ hứa". Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, y khoa vốn là khoa học của sự bất ngờ nên không ai dám chắc chắn điều gì. Vì vậy, khi một bác sĩ lên mạng mà cam kết hay hứa sẽ chữa khỏi bệnh, người dân cần thận trọng.
Thiên Trang/TTCS

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN