Việt Nam bị áp thuế đối ứng 46%, ngành nào bị 'tổn thương'?

(Vietnamdaily) - Khi bị áp thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%. Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng ông Trump đã công bố.
Viet Nam bi ap thue doi ung 46%, nganh nao bi 'ton thuong'?
 
Báo cáo của VIS Rating cho biết, khi bị áp thuế, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, VIS Rating kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.
Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Viet Nam bi ap thue doi ung 46%, nganh nao bi 'ton thuong'?-Hinh-2
 
Trước đó, trong ngày 26/3/2025 Chính phủ Việt Nam đã thông báo sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm ô tô, ethanol và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thi hành từ cuối tháng 3/2025. Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, làm giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ và tránh rơi vào nhóm đối tượng bị áp thuế mới.
Báo cáo VIS Rating còn cho biết trong vài tuần qua, đại diện chính phủ Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần gặp nhau để đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan tiềm ẩn. Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Việt Nam. 
Tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam năm 2024, do đó xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.
Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam. Các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam.

Licogi 14 đặt mục tiêu lãi 20 tỷ, đầu tư cổ phiếu tiềm năng

(Vietnamdaily) - Licogi 14 đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2025 đạt 150 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện 2024. Lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm trước.

CTCP Licogi 14 (HNX: L14) vừa công bố nghị quyết HĐQT và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025. Theo đó, Licogi 14 đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2025 đạt 150 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện 2024. Lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm trước. Đồng thời, công ty dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 5%.

Về kế hoạch đầu tư, công ty cho biết sẽ tập trung nguồn lực để giải phóng toàn bộ mặt bằng của dự án khu đô thị Nam Minh Phương trong năm 2025. Chi phí giải phóng mặt bằng còn lại ước tính khoảng 133,46 tỷ đồng. Hiện tại, L14 đang phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ, nhằm sớm khởi công, động thổ thi công dự án trong năm nay.

Dragon Capital liên tục 'lướt sóng' cổ phiếu PVD

(Vietnamdaily) - Không lâu sau khi nâng tỷ lệ sở hữu vốn lên trên 5%, trở thành cổ đông lớn của PV Drilling, quỹ ngoại Dragon Capital đã nhanh chóng "thoát hàng".

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) vừa báo cáo về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn của Tổng công ty.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 6/3, Dragon Capital đã bán 568.000 cp PVD, giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 27,9 triệu cổ phiếu, chiếm 5,03% xuống còn 27,4 triệu cổ phiếu, chiếm 4,92%. Qua đó không còn là cổ đông lớn của PVD.

Chủ tịch HIPT Lê Hải Đoàn đăng ký mua 1 triệu cp HIG

(Vietnamdaily) - Nếu giao dịch hoàn tất, ông Đoàn sẽ nâng sở hữu lên hơn 11,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 50,5%. Qua đó, tiếp tục củng cố vị trí cổ đông lớn nhất của HIG.

Ông Lê Hải Đoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn HIPT (UPCoM: HIG) đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu HIG nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 14/03 đến 10/04 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.

Hiện tại, ông Đoàn đang nắm giữ hơn 10,4 triệu cổ phiếu HIG, chiếm 46,09% vốn điều lệ công ty. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Đoàn sẽ nâng sở hữu lên hơn 11,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 50,5%. Qua đó, tiếp tục củng cố vị trí cổ đông lớn nhất của HIG.