 |
Xe tăng T-90S của Nga. |
Sau nhiều năm đồn đoán và mong đợi, cuối cùng Việt Nam cũng khẳng định sẽ mua 64 xe tăng chiến đấu T-90 của Nga với hai biến thể phiên bản xuất khẩu của T-90S và phiên bản chỉ huy T-90SK. Động thái này chính thức đánh dấu nỗ lực hiện đại hóa lực lượng trên bộ lớn nhất của Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Hành động này được cho là sẽ giúp tăng cường năng lực và năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Việt Nam, The Diplomat đánh giá.
Báo Nhật cho rằng từ lâu Việt Nam đã luôn tán thưởng khả năng của xe tăng chiến đấu T-90, đồng thời mua cả xe kéo xe tăng hạng nặng KZKT-7248. Phía công ty Uralvagonzavod cũng đã xác nhận Việt Nam đã đàm phán để ký hợp đồng mua xe tăng vào năm 2016. Vào năm 2015, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng khẳng định rằng hoạt động hiện đại hóa quốc phòng sắp tới sẽ tập trung vào lực lượng trên bộ.
Đối với các nhà quan sát quốc phòng, họ có thể sẽ không đặt nhiều kỳ vọng vào tin đồn, tuy nhiên lần này đã có đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam sắp sửa nhận được các xe tăng uy lực từ Nga. Phía công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport chính thức xác nhận rằng Việt Nam sẽ nhận được xe tăng mới với hỗ trợ tín dụng xuất khẩu của Nga. Trước đó, vào ngày 4/7, nhà máy Uralvagonzavod đã công bố bản báo cáo cuối cùng về các hoạt động của mình trong năm 2016, trong đó hợp đồng với Việt Nam là 64 xe tăng T-90.
Theo The Diplomat, hợp đồng này là nỗ lực hiện đại hóa lực lượng bộ binh lớn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Từ năm 2009, Không quân và Hải quân Việt Nam đã khiến các nhà quan sát quốc phòng trên thế giới chú ý vì tốc độ nâng cấp và hiện đại hóa quốc phòng nhanh chóng. Đó là hệ quả của tình hình an ninh khu vực có dấu hiệu không ổn định cùng nguy cơ xung đột tiềm tàng trên biển.
Ngược lại, quá trình hiện đại hóa Lục quân lại diễn ra chậm chạp và muộn hơn. Điều này xuất phát từ hai lý do chính, trong đó có nguyên do nguồn lực để hiện đại hóa quân đội một cách toàn diện, The Diplomat nhận định.
 |
T-90 SK của Nga (Ảnh minh họa) |
Theo tạp chí Nhật, quyết định mua xe tăng chiến đấu T-90 mới- một trong những xe tăng thế hệ thứ ba hiện đại nhất đang được triển khai- rõ ràng đã được Việt Nam cân nhắc thận trọng về cả phương tiện lẫn mục đích. Nguyên tắc của học thuyết quốc phòng của quân đội Việt Nam về cơ bản là xây dựng lực lượng thiết giáp hiện đại và uy lực, có khả năng triển khai dưới nhiều hình thức phòng thủ hoặc tấn công. Nhưng trước tiên, lực lượng tăng thiết giáp này phải đủ khả năng để đối phó được các cuộc tấn công phủ đầu từ kẻ thù tiềm năng.
Các cuộc chiến tranh hiện đại, đặc biệt là kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh lần đầu luôn có sự góp mặt của công nghệ tiên tiến, cùng khả năng chỉ huy và kiểm soát các lực lượng phối hợp tác chiến, trong đó mỗi bộ phận được giao những nhiệm vụ khác nhau nhưng đều vì nhiệm vụ chung. Trong trường hợp chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, bên tấn công là liên minh do Mỹ lãnh đạo thường có hỏa lực vô cùng uy lực, triển khai cả tên lửa tầm xa tiên tiến, kết hợp với mạng lưới C4ISR phức tạp cùng lực lượng không quân gần như bất khả chiến bại. Nhìn chung, tất cả các yếu tố như tốc độ, độ chính xác, khả năng gây sát thương và hiệu quả của vũ khí đã được tăng lên đáng kể.
Được hỗ trợ bởi các cuộc tấn công phẫu thuật tầm xa, kẻ địch có thể sử dụng lực lượng thiết giáp để tham gia vào cuộc tấn công với máy bay, tàu hỏa hoặc tàu đổ bộ. Lực lượng này thường bao gồm hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, các hệ thống pháo tự hành cùng tham gia vào một cuộc chiến phối hợp với không lực, kết hợp với sự hỗ trợ của hỏa lực pháo binh tầm ngắn và tầm trung có thể vượt qua hàng phòng thủ. Sau đó chúng sẽ trở thành lực lượng tấn công với tính cơ động cao, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật khác như chiếm đóng các thành phố quan trọng, tạo điểm trụ vững chắc. Các chiến dịch như vậy thường chỉ kéo dài từ vài ngày đến vài ba tháng.
The Diplomat nhận định, Lục quân Việt Nam xác định rằng tác chiến chống tăng sẽ là một phần của một kế hoạch phòng thủ phi đối xứng lớn hơn và toàn diện hơn, trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng xe tăng để chống lại xe tăng.
Báo Nhật lưu ý rằng khái niệm "tăng đấu tăng" này của Việt Nam không giống với thời kỳ Thế chiến II, trong một cuộc chiến quy mô lớn với hàng ngàn xe tăng đấu với nhau trong một cuộc chiến duy nhất (ví dụ như trận đại chiến xe tăng Kursk năm 1943 giữa hồng quân Liên Xô và phát xít Đức). Vì phần lớn xe tăng Việt Nam hiện đang phục vụ đều đã cũ, vận hành từ thời kháng chiến chống đế quốc ngoại xâm nên chiến thuật chung là chủ yếu dựa vào địa hình 3/4 đất nước là đồi núi để tiến hành tấn công phục kích. Theo ước tính từ phía chuyên gia quốc phòng, xe tăng và pháo tự hành triển khai ở phạm vi gần chiếm 20% trong nhiệm vụ chống tăng trên chiến trường.
Hơn nữa, kinh nghiệm từ hai cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh cho thấy xe tăng và các đơn vị thiết giáp khác phải được bảo vệ bởi các trung đoàn phòng không, bằng cách phối hợp với lực lượng Không quân hoặc sử dụng tên lửa phòng không di động. Tức là bộ binh sẽ hợp đồng tác chiến quân binh chủng để tạo ra sức mạnh tổng hợp.
 |
Một chiếc xe tăng T-90 (ảnh minh họa) |
Theo The Diplomat, việc mua 64 chiếc T-90 sẽ giúp Việt Nam khắc phục được các điểm yếu từ lâu đã ảnh hưởng đến lực lượng xe tăng. Lần đầu tiên trong lịch sử Lục quân Việt Nam sẽ triển khai xe tăng thế hệ thứ ba với công nghệ cao, phù hợp với chiến tranh hiện đại. Các loại xe tăng cũ hơn như huyền thoại T-54/55 hay T-62 hiện vẫn là những xe tăng chủ lực của bộ binh Việt Nam kể từ kháng chiến chống Mỹ.