Vấn vương tình cũ

Tình yêu cũ đã lỡ làng, anh giờ chưa phải là người tự do, càng không rõ tình ý em thế nào, chỉ thấy em ừ hử không phản đối... 

Chia tay không lý do, rồi nghe phong thanh rằng anh cưới vợ giàu có, em thật sự suy sụp, mọi thứ tưởng như khép lại. Nhiều lần, trong cơn buồn bã tuyệt vọng, em đã nghĩ phải gọi cho anh, chỉ để hỏi, vì đâu anh nỡ…
May sao, dù muốn lắm, nhưng em vẫn chưa một lần thực hiện ý định đó. Hơn hai năm trước, mình gặp lại nhau trong ngỡ ngàng. Lúc ấy, cuộc sống riêng của em vẫn không mấy thuận lợi. Nghe anh khen, “giờ trông em dễ thương quá, em có hạnh phúc không?”, em bỗng thấy muốn khóc. Vì sao ta lạc mất nhau? Hà cớ gì một người đàn ông như anh lại đành đoạn bỏ em, kết hôn với một phụ nữ khác, lỡ dở mối tình mà chúng ta đã dành cho nhau biết bao mộng mơ tốt lành…
Loay hoay với những câu hỏi ấy và dư âm của cuộc gặp gỡ, em đã chủ động liên lạc với anh. Ban đầu chỉ là tin nhắn. Rồi em điện thoại. Có khi anh không bắt máy. Một vài hôm sau, mới thấy anh trả lời: “Em gọi anh à, có việc gì không?”.
Em chưng hửng nhận ra, mình hình như đã hơi bị ảo tưởng. Biết đâu, vài câu dịu ngọt hôm đó chỉ là thói quen xã giao. Chút ân cần kia chẳng qua là “nhân tiện”. Vậy thôi. Dù rất thất vọng, em vẫn cố giữ chút sĩ diện, bằng cách tiếp tục im lặng cố quên anh, như bao lâu nay mình không hề qua lại với nhau, tựa hồ cuộc gặp gỡ kia chẳng hề tác động đến em chút nào…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vật đổi sao dời, hôm trước ta lại tình cờ nhận ra nhau giữa chốn đông người. Không kịp chào hỏi, nhưng em vẫn kịp có cảm giác hình như anh có phần “xuống cấp”. Bất ngờ hơn, sau đó, anh tìm cách hỏi han em nồng nhiệt, như giữa chúng mình chưa hề có cuộc chia ly.
Em giờ cuộc sống buồn nhiều hơn vui. Nhưng cũng thừa tỉnh táo để nghĩ, nếu đang đủ đầy hạnh phúc, hẳn anh đã không nhớ đến em. Em hình dung, có khi anh đã lướt lên đảo xuống cái danh bạ, tìm xem ai khả dĩ có thể “giải trí” cho quên sầu nữa kìa!
Em đa nghi quá chăng? Hay nỗi đau dằng dặc từ ngày xa anh đã làm cho em mất niềm tin đến vậy? Tự trấn an mình, anh là người cũ đấy thôi, nào phải ai xa lạ. Đời người ngắn ngủi, muộn phiền thì nhiều lắm, hà cớ gì phải làm khổ nhau thêm?
Nhưng rồi, có cái gì đó đã ngăn em mở lòng, khi anh bắt đầu kể lể về hiện tại của mình. Đặc biệt, sau chầu cà phê cơm trưa mà em là người thanh toán, anh hình như phán đoán, cuộc sống của em nay đã “dễ thở” hơn, em có thể dành thời gian và có thể cả tiền bạc để cùng anh khuây khỏa đây đó. Anh gợi ý về một chuyến đi xa chỉ có hai người, cái cách đề nghị em đặt vé luôn cho tiện chợt làm em ngờ ngợ. Em thực tế quá, hay chính sự thản nhiên của anh khiến em bỗng e ngại …
Tình yêu cũ đã lỡ làng, anh giờ chưa phải là người tự do, càng không rõ tình ý em thế nào, chỉ thấy em ừ hử không phản đối, là anh đã vội vàng... Chắc anh cho rằng em đâu có gì để mất? Nếu ngày xưa, giữa chúng ta không là đổ vỡ, thì giờ chắc em cũng như người phụ nữ đang bên anh, trở thành đề tài cho anh than thở. Em không mù quáng đến mức chỉ nghe và tin. Em thử đặt mình vào vị trí cô ấy, để hiểu cái câu nói có phần khắc nghiệt từng được nghe, rằng “với đàn ông, phụ nữ nói chung đều giống nhau, chỉ khác mỗi khuôn mặt”. Phũ phàng đến vậy sao?
Em chợt giật mình hiểu ra, nếu anh đang bận vun vén cho bản thân, công việc thuận lợi, kinh tế dư dả để bù khú, thì em đã không có “phần phước” được anh để mắt. Ai đó bảo, thời buổi này, tự dưng có ai đó liên lạc lại, thì phải dè chừng, đa phần là họ đang cần… nhờ vả. Em không dám nghĩ nhiều đến vậy, nhưng so sánh với thời điểm lẽ ra anh có thể đối xử với em tốt hơn, thì lần này đúng là khác hẳn. Em chẳng có gì để tiếp tục một mối quan hệ chỉ còn vấn vương bởi quá khứ, càng không hứng thú với một hiện tại thế này, dù là đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ về anh, em vẫn còn buồn nhiều thật nhiều...

Tình cũ than vãn vì trót tham vàng bỏ ngãi

Giữa lúc ấy, ông trời còn trêu ngươi khi cho anh gặp lại em. Chẳng biết can cớ gì mà anh lại than nghèo, kể khổ. 

Ngày anh nghe lời mẹ, chia tay em để đi cưới vợ, anh nghĩ thôi kệ, dẫu sao cưới vợ giàu sau này khi con mình đau ốm, cũng sẽ có tiền thuốc thang; bản thân mình không phải lo lắng chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Khi anh nói điều này với thằng bạn thân, nó bảo anh là người thực dụng. Còn em thì chỉ lặng lẽ khóc.

Nhà vợ anh rất giàu. Mỗi cô con gái khi đi lấy chồng đều được tặng của hồi môn là một căn nhà, một chiếc xe tải và một số tiền để làm ăn. Anh trở thành ông chủ từ đó. Cuộc sống giàu sang ở nhà vợ khiến anh càng củng cố suy nghĩ của mình: Lấy vợ giàu là một lựa chọn sáng suốt. Nếu lấy em - cô giáo ở vùng quê nghèo - thì có lẽ suốt đời anh cũng chẳng biết làm gì ngoài cái nghề bán cháo phổi cùng em vì có thầy cô giáo nào trở thành đại gia đâu?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng như dòng sông phẳng lặng. Một đứa con, niềm ao ước của vợ chồng anh mãi chẳng thấy dù đã tốn kém rất nhiều tiền bạc để chữa trị. Rồi công việc làm ăn bắt đầu gặp khó khăn. Mà lạ thật, hết khó khăn này đến khó khăn kia nối tiếp nhau. Cho đến một lúc, anh hốt hoảng phát hiện mình nợ nần chồng chất. Nợ mẹ đẻ nợ con. Nhà cửa cầm cố bị phát mãi, xe cộ chẳng còn, một bữa ăn ngon giờ cũng trở thành niềm ước ao lớn nhất. Rồi vợ chồng bắt đầu hục hặc, người này đổ lỗi cho người kia...

Giữa lúc ấy, ông trời còn trêu ngươi khi cho anh gặp lại em. Chẳng biết can cớ gì mà anh lại than nghèo, kể khổ. Anh quên mất cuộc sống hôm nay là do chính anh tạo ra cho đến khi em nói: “Hạnh phúc hay không là do anh lựa chọn”. Một câu nói thật nhẹ nhàng nhưng nó khiến anh xấu hổ trước em.

Đúng rồi. Có ngày hôm nay là do anh lựa chọn. Thế thì than vãn làm gì phải không em?

Sức mạnh của tha thứ

Bạn đừng chỉ nghĩ đến trừng phạt hay làm cho vết thương lở loét hoặc bưng bít lại làm cho nó mưng mủ.

Khi tội lỗi mà chồng hoặc vợ bạn phạm phải khiến bạn vô cùng đau đớn, lòng tự trọng của bạn đòi hỏi phải trừng phạt, phải trả thù. Nhưng nếu trong lòng bạn tình yêu chưa chết hẳn và bạn không muốn mất người bạn đời, thì bạn đừng vội làm theo cảm xúc, bởi có những cách hay hơn.

Sống với lòng độ lượng

Nếu bạn quá bức xúc, muốn giải quyết ngay bằng một cuộc nói chuyện sòng phẳng, cũng không nên nêu vấn đề ngay lúc mình muốn, vì chỉ tăng thêm lòng thù hận. Bạn hãy chờ một thời điểm thuận lợi được đối phương đồng ý để bàn luận một cách ôn hòa. Đó là tạo cơ hội hàn gắn mối quan hệ chứ không phải đập cho nó vỡ hẳn. Khi giận mất khôn, ta có thể nói hoặc làm những điều mà về sau ta phải hối tiếc. Vì thế, hãy chờ đến khi tâm trạng bạn ổn định, để bạn có thể tìm kiếm một giải pháp, thay vì chỉ xả nỗi căm giận của mình. Nếu đối tác cần đợi một vài ngày để cảm xúc lắng xuống, bạn không nên nôn nóng đòi phải nói chuyện ngay. Cũng đừng chấp nhận một lời xin lỗi ngắn gọn để né tránh vấn đề.

Vào cuộc nói chuyện, bạn đừng “tổng kết” những tội lỗi của đối phương, cũng đừng nêu lên một loạt ưu điểm của mình. Làm như thế chỉ đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa hai người. Đừng bao giờ ảo tưởng họ sẽ đáp ứng ngay một lô những yêu cầu của bạn. Nó chỉ làm người ta thêm bi quan và chán nản. Tại một thời điểm, bạn chỉ nên đưa ra một chuyện. Mục đích là tìm ra biện pháp khắc phục chuyện đó và làm sao cho mối quan hệ tốt hơn. Hãy cùng nhau chia sẻ những thiếu hụt trong hôn nhân mà có thể trong cuộc sống bận rộn bạn đã không có thời gian nghĩ đến. Làm sao để người này hiểu được nỗi buồn của người kia. Đây cũng là cơ hội để người sai giải thích tại sao họ mắc sai lầm. Nếu bạn thông cảm được và có biện pháp khắc phục thì đó chính là cách hai bạn hướng đến việc giải quyết vấn đề.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nếu bạn định sống với ai 20, 30, 50 năm, chắc chắn bạn sẽ phải tha thứ không chỉ một lần và chính bạn cũng cần được tha thứ. Thù hận không chỉ làm đau người bạn đời mà còn làm đau chính bạn. Triết gia Corrie Ten Boom từng nói: “Tha thứ là phóng thích cho kẻ tội phạm mà cũng là phóng thích chính mình”. Bạn đừng chỉ nghĩ đến trừng phạt hay làm cho vết thương lở loét hoặc bưng bít lại làm cho nó mưng mủ. Trong thực tế, đôi khi sự tha thứ có sức mạnh hơn bất kỳ hình thức trừng phạt nào.

Không chỉ đàn ông mới cần tha thứ

Nhìn người đàn ông mặt mũi sáng sủa, đeo kính trắng, lái ô tô đến văn phòng tư vấn hôn nhân, ít ai nghĩ anh ta bị vợ “cắm sừng”. Anh đưa chuyên viên tư vấn xem ảnh hai vợ chồng với đứa con chụp cách đây không lâu, đúng là một gia đình lý tưởng. Chồng tên Tường, 42 tuổi, làm phó giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản. Vợ tên Hiền, 36 tuổi, là trưởng phòng kế toán, duyên dáng và xinh đẹp. Nỗi bất hạnh của anh Tường bắt đầu từ khi anh phát hiện vợ có bồ - một chàng trai kém vợ anh sáu tuổi. Họ quen nhau trong một lần chị đi đường bị va quệt xe máy. Người kia sai nhưng thấy chị nói năng ôn tồn nhỏ nhẹ nên bắt nạt, quát tháo ầm lên đòi bắt đền. Vừa lúc đó Tuấn, một chàng trai trẻ đi qua thấy chuyện vô lý nên bênh vực chị Hiền. Từ đó họ quen nhau, cho nhau số điện thoại và thường xuyên gọi điện, nhắn tin. 

Trong khi chồng mải vùi đầu vào công việc, ít có những cử chỉ ân cần săn sóc vợ, thì “chú em kết nghĩa” của Hiền luôn rảnh rỗi và rất quan tâm đến chị từ việc lớn đến việc nhỏ. Hiền cảm động nhất là hôm trời mưa to, đường ngập, Tuấn đã đến nhà đưa chị đi làm, chiều lại đến đón về. Lúc đầu họ coi nhau như chị em nhưng dần chuyển sang tình yêu lúc nào không biết. Tháng vừa rồi, giỗ ông ngoại vào ngày Chủ nhật, từ mấy hôm trước chị Hiền đã lên kế hoạch cùng chồng về quê ăn giỗ, nhưng đến lúc sắp đi thì anh Tường bảo vợ: “Hai mẹ con về thôi, anh phải làm báo cáo để thứ Hai đọc trước hội đồng quản trị, không thể đi được”. Chị giận quá, liền gọi điện cho Tuấn đến lái xe đưa hai mẹ con về quê. Mấy hôm sau, tưởng mọi chuyện đã qua, bỗng anh Tường thấy lạ là sao quãng đường chỉ chưa đầy bốn chục cây số mà hai mẹ con phải ngủ lại dọc đường đến hôm sau mới về? Tường càng hỏi, Hiền trả lời càng trí trá. Đến khi Tường yêu cầu vợ nói rõ địa chỉ nhà nghỉ mà họ đã ngủ qua đêm thì Hiền không thể dối quanh được nữa. Ngay hôm đó, Tường đến nhà nghỉ ấy kiểm tra, bàng hoàng phát hiện họ ngủ chung một phòng chứ không phải hai phòng như Hiền nói. Hiền phải thừa nhận và bất ngờ chuyển sang giọng thách thức ly hôn. Tường nổi giận tát vợ một cái, tuyên bố ngay ngày mai sẽ đưa đơn ra tòa.

Cả đêm hôm ấy anh không ngủ, càng nghĩ càng thương con, sợ ly hôn phải xa đứa con mà anh vô cùng yêu quý. Anh đau đớn không chịu nổi khi nghĩ đến việc nó sẽ sống với người đàn ông xa lạ kia. Lạ lùng là khi cơn ghen càng như thiêu đốt trong lòng, anh càng cảm thấy không thể sống thiếu Hiền. Hình như khi có nguy cơ sắp mất đi một cái gì quý giá thì người ta càng thấy quý nó hơn. Anh nói với chuyên viên tư vấn: “Tôi chỉ cần cô ấy quỳ xuống xin lỗi một câu, tôi sẽ tha hết”. Nhưng, người vợ nói, thà chết cũng không bao giờ làm như vậy và chị tuyên bố ly thân, ngay ngày mai hai mẹ con sẽ dọn đi ở chỗ khác. Chuyên viên tư vấn đặt vấn đề: “Anh thử xem lại bản thân mình có lỗi gì không trong chuyện này”. Tâm sự một lúc, anh thừa nhận là gần đây do công ty làm ăn thua lỗ, nội bộ lãnh đạo lục đục nên không còn tâm trí nào nghĩ đến vợ. Thực ra không phải chị Hiền bản tính trăng hoa mà chỉ vì một phút yếu lòng. Chị nghĩ, không bao giờ chồng tha thứ cho mình nên chấp nhận ly hôn còn hơn chịu nhục suốt đời, dù thâm tâm chị vẫn yêu thương chồng.

Đêm ấy đợi con ngủ, anh Tường ôn tồn bảo vợ: “Em quyết định bỏ bố con anh à?”. Hiền dứt khoát: “Anh muốn làm nhục em nên em thà chết chứ không chịu nhục. Em biết là bỏ em, anh sẽ lấy người khác và sẽ có con khác. Em thì không lấy ai nữa nên chỉ xin anh cho em được nuôi con”. Nói được mấy câu thì giọng đanh thép của chị bỗng chuyển thành nghẹn ngào. Tường nắm tay vợ: “Anh cũng có lỗi, em tha thứ cho anh. Có người vợ như thế này, tại sao phải đi lấy người khác?”. Chị Hiền cũng xin lỗi chồng. Bao nhiêu uất ức giận hờn trong khoảnh khắc tan biến hết. Trong khi đó, nếu vợ chồng anh Tường đều khư khư trả đũa - trừng phạt, thì đã có một gia đình tan đàn sẻ nghé.

Con sẽ đi theo ai!

Mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngân lên đỉnh điểm, cu Tít đứng ngơ ngác ở góc nhà, lúng túng khi bố mẹ hỏi “con sẽ đi theo ai”.

Nửa đêm, tiếng chuông cửa réo rắt khiến ông bà bật dậy. Vừa mở cửa, ông vừa đánh tiếng hỏi ai. Bên ngoài, tiếng cô con gái gấp gáp: “Bố mở cửa cho con”. Cửa mở, ông bà ngạc nhiên trước cảnh Ngân tay xách nách mang lỉnh kỉnh va li, túi xách. “Con quyết định sống ly thân ”. “Rồi cu Tít phải làm sao?”. “Nó sẽ sống cùng bố”. Ngân nói rồi lên phòng nằm khiến ông bà trăn trở cả đêm.

“Nguyên nhân là gì mà vợ chồng lại đến nông nỗi này?”, “Vẫn là chuyện dạy bảo cu Tít…”. Ông bà nhìn nhau thở dài “chuyện bé mà cả hai đứa xé ra to thế này sao?”. “Con không thể chịu nổi nữa”… Bà bấm máy gọi cho con rể. “Việc dạy bảo cu Tít, con cũng có quyền nhưng cô ấy cứ phản đối rồi gây chuyện. Lần này cô ấy thích sống ly thân hay ly hôn, con cũng… chiều”. Con rể bức xúc cúp máy luôn.

Cuộc hôn nhân của cô con gái chỉ êm ả trong thời gian chưa có cu Tít. Từ ngày có con, vợ chồng chúng nó liên tục cãi vã. Trước đây, bà nghĩ đó là chuyện vặt vì vợ chồng nào chẳng có lúc xô xát. Với lại, chúng nó cũng chỉ cãi nhau quanh cái chuyện cho con ăn cái này, mua cho con cái nọ, dạy con chơi kiểu gì chứ không phải ra ngoài “ăn chả ăn nem” hay cờ bạc, lô đề gì. Thỉnh thoảng, con gái giận chồng ôm con về nhà, ông bà phân tích thiệt hơn. Hai đứa hạ hỏa nhanh chóng rồi lại ríu rít bồng bế nhau về. Thế nhưng từ ngày cu Tít đi học, chuyện nuôi dạy đứa con duy nhất khiến hai vợ chồng bất hòa nhiều hơn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Có hôm mới sáng sớm tinh mơ, Ngân đã gọi điện mếu máo với mẹ: “Con muốn hè này cu Tít về quê để trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn còn anh ấy lại nhất quyết bắt thằng bé tham gia học kỳ quân đội. Vì chuyện này mà vợ chồng con cãi nhau cả đêm”. Lại có hôm mưa tầm tã, ông bà thấy con rể đội mưa gió đến mời nhạc phụ sang “dạy bảo” lại con gái vì “không coi chồng ra cái gì khiến con không thể dạy nổi con trai”. Nguyên nhân là Ngân không muốn cho cu Tít tiếp xúc với tiền quá sớm trong khi chồng cô lại suốt ngày dùng tiền làm “phần thưởng”. Chiều nay Ngân được cô giáo gọi lên thông báo cu Tít rủ bạn bỏ học đi chơi game cả buổi. Về nhà, cô tra hỏi con lấy tiền đâu để chơi, nó bảo đó là tiền thưởng của bố và tiền mỗi lần nó đi mua đồ giúp bố thừa lại. Vậy là bao nhiêu nỗi tức giận cô trút lên chồng. Không dừng lại ở đó, cô luôn lấy lỗi dạy con không đúng cách ấy của chồng để áp đảo anh mỗi lần dạy con sau đó. Còn chồng cô vẫn dạy bảo, yêu chiều con theo cách của mình bất chấp sự can thiệp của vợ.

Ngân về nhà bố mẹ đến ngày thứ hai thì nhận được tin cu Tít theo đám bạn xấu lấy cắp đồ trong siêu thị. Hai vợ chồng hớt hải chạy đến khắc phục hậu quả và xin đón con về để dạy bảo. Về đến nhà, cả hai thi nhau đổ lỗi do cách dạy con của người nọ, người kia đã làm cho thằng bé hư hỏng. Cuộc chiến quy trách nhiệm của hai vợ chồng đang căng thẳng thì ông bà đến.

Chứng kiến cảnh con gái ký xẹt vào lá đơn ly hôn một cách kiên quyết còn con rể cũng chẳng ngần ngại ký ngay sau đó, ông bà buồn bã: “Lẽ ra giờ này các con phải nhận ra được sai lầm của cách dạy “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mà khắc phục chứ không phải ký nhanh vào lá đơn này”. Nhưng hình như mâu thuẫn giữa vợ chồng Ngân đã không còn gỡ được, chỉ có cu Tít đứng ngơ ngác ở góc nhà, lúng túng không biết trả lời thế nào khi bố mẹ hỏi “con sẽ đi theo ai”.