Nhà bình luận Bryan MacDonald người Ireland cho rằng nếu so với Ukraine, một quốc gia chìm đắm trong nợ nần như Hy Lạp vẫn còn là “một câu chuyện thành công về kinh tế”.
![]() |
Một thợ mỏ đập mũ bảo hiểm trong một cuộc biểu tình, yêu cầu thanh toán tiền lương trước tòa nhà quốc hội ở Kiev ngày 23/4/2015. |
“Cách mạng Maidan” dẫn đến thảm họa
Trên thực tế, nền kinh tế Ukraine hiện nay bị teo lại chỉ bằng 28% của năm 2014. Từ con số 182 tỷ USD của năm 2014, GDP của Ukraine hiện đã tụt xuống mức 62 tỷ USD (tính theo tỷ giá hiện nay của đồng hrivna). Trong năm 2013, mức lương trung bình vào khoảng 410 USD một tháng, bây giờ sau cuộc biểu tình Maidan lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich, mức lương tháng trung bình hiện ở mức 184 USD.
Dưới đây là một vài số liệu kinh tế còn đáng buồn hơn. Kể từ sau cuộc “đảo chính Maidan”, số xe mới được mua giảm 76%, trong khi sản lượng xe sản xuất trong nước giảm tới 93%. Sản lượng thép đã giảm một phần ba (33%), trong khi doanh số bán xăng giảm 40%. Ngoài ra, lạm phát (chính thức) đã tăng 61% so với năm trước (tính từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2015). Nhiều chuyên gia Ukraine hiểu rõ rằng “cách mạng Maidan” sẽ kết thúc trong thảm họa.
![]() |
Những người biểu tình tại Lvov đòi "minh bạch" và chính phủ của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk từ chức. |
Khốn nỗi, những gì thực sự xảy ra ở Kiev cho thấy "Euromaidan" không báo trước một tương lai tươi sáng cho nền dân chủ ở Ukraine. Nó đơn thuần chỉ là một thay thế giữa các trùm sò chính trị tham nhũng như nhau. Hiện thời, Ukraine có một vị nguyên thủ quốc gia giàu nhất Châu Âu là tỷ phú Petro Poroshenko, trong khi lương hưu bình quân chỉ tương đương với 5 bảng Anh một tuần.
![]() |
Tổng thống Ukraine kiêm tỷ phú Petro Poroshenko là nguyên thủ quốc gia giàu nhất Châu Âu. |
Một nước Cộng hòa “chuối” mà không trồng được chuối
Báo chí Nga cũng có nhiều bài phân tích về Ukraine, nhưng rào cản ngôn ngữ đã khiến cho những bài phân tích này không được truyền bá rộng rãi ở phương Tây.
Đáng chú ý là bài phân tích của Yuri Lukashin, khi ông này nhấn mạnh rằng Ukraine bây giờ là một nước “Cộng hòa chuối mà không trồng được chuối” (ý ông muốn nói đây là một nước cộng hòa hỗn loạn). Hơn nữa, ông Lukashin nhấn mạnh rằng Ukraine đang trên đường tự sát. Rất khó lọt tai, nhưng lại khá logic.
Mức thu nhập của Ukraine là vô cùng thảm hại nếu so với "tiêu chuẩn Châu Âu" mà các nhà lãnh đạo hiện nay ở Kiev muốn gia nhập. Tiền lương bình quân hiện nay ở Ukraine xem ra chỉ tương đương “tiêu chuẩn Châu Phi”.
![]() |
Với lương hưu bình quân chỉ tương đương với 5 bảng Anh một tuần, bà lão này làm thế nào mà trả nổi sinh hoạt phí "theo tieu chuẩn Châu Âu"? |
Nhà phân tích Yuri Lukashin nhấn mạnh: "Có rất nhiều lý do mà Liên minh Châu Âu (EU) - và phương Tây nói chung - không cần đến Ukraine trong hình thức hiện tại của nó. Ukraine chỉ đơn giản là không phù hợp với khuôn khổ chính trị, kinh tế, văn hóa của EU”.
“Ukraine đã được xây dựng theo một mô hình kinh tế khác, với các thị trường khác và các đối tác kinh tế cũng khác. Cụ thể, thị trường khổng lồ của Ukraine là Nga, trong đó hai bên hỗ trợ lẫn nhau thông qua thương mại cùng có lợi, giảm giá nhiên liệu hóa thạch và liên kết kinh tế có từ thời Liên Xô cũ. Hợp tác với Nga đã giúp cho Ukraine tồn tại cho đến bây giờ”.
Thách thức kinh tế tiếp theo mà những người lao động Ukraine đang hưởng lương “theo tiêu chuẩn Châu Phi” sẽ phải đối mặt là những hóa đơn thanh toán "tiêu chuẩn châu Âu” trong thời gian tới. Các khoản phí sẽ tăng gấp đôi và tăng thêm 40% vào mùa thu tới. Mặt bằng giá mới này sẽ khiến cho sinh hoạt phí tối thiểu cao hơn nhiều so với lương hưu. Một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra ở Ukraine ngay trong mùa đông tới.