
Quân đội Nga (RFAF) đã gần như phá hủy hoàn toàn số xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ, được cung cấp cho Ukraine như một phần viện trợ quân sự. Trong số 31 xe tăng Abrams được Mỹ chuyển giao vào cuối năm 2023, chỉ còn 4 chiếc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, số 27 chiếc còn lại (chiếm 87%) đã bị phá hủy, hoặc bị Nga thu giữ làm chiến lợi phẩm.

Thông tin trên được xác nhận bởi các tài liệu phân tích, dựa trên nguồn tin từ phương Tây. Về phần phía Nga, hiện Moskva đang lưu giữ một số xe tăng Abrams của Ukraine, được sử dụng để các kỹ sư Nga nghiên cứu; một số đang được làm vũ khí triển lãm, như biểu tượng chiến thắng của Moskva trước phương Tây.

Cũng có thông tin cho rằng, số xe tăng M1A1 Abrams còn lại của mà Ukraine (số lượng 4 chiếc như truyền thông Mỹ đề cập ở trên), nòng pháo tăng đã hết nguồn dự trữ, và bản thân nòng pháo của những chiếc Abrams của Ukraine, đã được thay thế nhiều lần để giữ được khả năng chiến đấu.

Hiện tại, Ukraine dự kiến sẽ bổ sung kho vũ khí xe tăng Abrams của họ, thông qua nguồn cung cấp từ Australia. Trước đó, có thông tin cho biết, số tăng Abrams mà Australia viện trợ cho Ukraine, đã đến Ba Lan bằng đường biển, nơi chúng đang được bảo dưỡng.

Nhưng theo trang Military Review, lô xe tăng M1 Abrams đầu tiên từ Australia đã đến lãnh thổ Ukraine; tổng số tăng Abrams được Canberra hứa hẹn cho Kiev là 49 chiếc. Theo thông tin sơ bộ mà Military Review có được, 15 chiếc (một số nguồn thông tin khác là 25 chiếc) Abrams đã đến lãnh thổ Ukraine, qua ngả Ba Lan sau một thời gian bảo dưỡng.

Xét cung đường mà số tăng Abrams, được chuyển giao từ Mỹ cho Ukraine đã từng di chuyển, thì địa điểm chính để nâng cấp số xe tăng này, cho phù hợp với điều kiện chiến trường Ukraine, trong đó quan trọng nhất là trang bị thiết bị chống UAV FPV, sẽ là thành phố Lviv, ở miền Tây Ukraine.

Cụ thể hơn, thì đó là nhà máy thiết giáp Lviv, nơi đã nhiều lần bị UAV tự sát Geran-2 và tên lửa Nga tấn công. Mặc dù bị Nga tấn công nhiều lần, nhưng nhà máy vẫn còn cẩu trục điện di chuyển trên cao (EOT Crane). Những cần cẩu này có thể nâng xe bọc thép 60 tấn, tức là có thể nâng được xe tăng M1A1 Abrams.

Nếu không có sự cải tiến để cho phù hợp với điều kiện chiến trường, những chiếc xe tăng Abrams đến từ Australia, khó có thể tồn tại dài lâu trên chiến trường Ukraine; và đây là một phần thực tế của cuộc chiến hiện nay. Nhưng dù được “độ đẽo” thế nào đi nữa, nó cũng sẽ bị tổn thất.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, việc giao số xe tăng Abrams mới từ Australia, cũng sẽ không ảnh hưởng đến thế trận của cả Nga và Ukraine trên chiến trường. Trên thực tế, quân đội Ukraine cũng không còn hy vọng loại vũ khí này, sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường.

Nhưng trong bối cảnh thiếu vũ khí trầm trọng như hiện nay của Ukraine, thì nguồn cung cấp xe tăng từ Australia, đúng như là “một miếng khi đói”. Dù sao chăng nữa, xe tăng vẫn là vũ khí đột kích quan trọng trên chiến trường, mà bên nào cũng muốn sở hữu.

Xe tăng M1 Abrams, được đưa vào biên chế Quân đội Mỹ từ năm 1980 và được coi là một trong những dòng xe bọc thép hiện đại nhất thế giới khi đó. Chúng được trang bị giáp Chobham nhiều lớp, pháo nòng trơn 120 mm uy lực và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.

Tuy nhiên, tại chiến trường Ukraine, những chiếc xe tăng này đã gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả chiến đấu. Một trong những lý do chính khiến xe tăng kém hiệu quả, chính là thiếu sự hỗ trợ trên không và pháo binh, thiếu thợ kỹ thuật có trình độ, cũng như lính tăng được huấn luyện bài bản và chuyên sâu, cũng như thiết bị hỗ trợ.

Theo các nhà phân tích của các chuyên gia, hầu hết xe tăng Abrams của Ukraine đã bị phá hủy bởi vũ khí có điều khiển và UAV FPV của Nga. Một đoạn phim được ghi lại gần Avdiivka, cho thấy một xe tăng M1 Abrams bị một chiếc T-72B3 của Nga bắn hạ trong một cuộc đấu tăng, một sự kiện đã trở thành biểu tượng cho sự yếu kém của xe bọc thép phương Tây, trước vũ khí chống tăng hiện đại của Nga.

Kể từ khi bắt đầu được sử dụng trong chiến đấu vào tháng 2/2024, tổn thất xe tăng Abrams của Ukraine đã tăng nhanh chóng. Đến tháng 8/2024, 20 trong tổng số 31 chiếc Abrams đã bị phá hủy hoặc thu giữ, và đến tháng 6/2025, con số này đã lên tới 27 xe. Đoạn phim xuất hiện vào ngày 1/9/2024, đã xác nhận việc Nga thu giữ một chiếc Abrams bị bắn hỏng gần Avdiivka, cùng với một chiếc Leopard 2A6 của Đức.

Những chiếc xe tăng do Mỹ cung cấp ban đầu, được kỳ vọng là vũ khí thay đổi cục diện cuộc chiến, mang lại cho quân đội Ukraine lợi thế trên chiến trường. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác, khi các mẫu M1A1 cũ hơn được cung cấp cho Ukraine, không phải là đối thủ của vũ khí hiện đại của Nga, bao gồm UAV FPV và vũ khí chống tăng có điều khiển.

Tổn thất lớn về xe tăng Abrams tại chiến trường Ukraine, đã gây lo ngại cho các nước NATO, đặc biệt là Ba Lan, nước có kế hoạch đưa vào trang bị 366 xe tăng loại này. Vào tháng 12/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, thừa nhận số xe tăng này đã không đáp ứng được kỳ vọng và không tạo ra tác động đáng kể đến diễn biến cuộc chiến.

Thất bại này đã buộc các chiến lược gia phương Tây phải xem xét lại cách tiếp cận đối với việc sử dụng thiết giáp hạng nặng, trong chiến tranh hiện đại, nơi máy bay không người lái và vũ khí chính xác mới là yếu tố đóng vai trò quyết định. (nguồn ảnh Military Review, TASS, Ukrinform).