(Kiến Thức) - Ở Hải Dương bỗng nhiên có người phụ nữ tự nhận mình là “Thánh Mẫu”. Hàng vạn người đã bị sự bịp bợm này lừa dối trong suốt thời gian dài qua.
Buôn hàng xén thành “Thánh mẫu” tự phong
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có lịch sử lâu đời, có nguồn gốc từ thời tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên được kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu (nữ thần Mẹ). Sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Sự đặc biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu với giá trị cốt lõi là Tâm. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn - một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt. Với nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, lịch sử, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.