Từ vụ SCB, Vạn Thịnh Phát: Nhất trí tăng xử phạt với kiểm toán

Đại biểu đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán để đảm bảo tính răn đe.

Sáng 7/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tăng xử phạt để đảm bảo tính răn đe
Quan tâm sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung cho biết, đối với quy định tại khoản 2 về mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức và thời hiệu xử phạt là 5 năm, có nhiều điểm chưa phù hợp.
Tu vu SCB, Van Thinh Phat: Nhat tri tang xu phat voi kiem toan
 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung phát biểu sang 7/11. Ảnh: QH.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung, qua nghiên cứu dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập kèm theo hồ sơ dự thảo Luật, đại biểu cảm thấy băn khoăn. Đơn cử mức phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng dự kiến được áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kiểm toán viên (cụ thể là hành vi sửa chữa, giả mạo, khai man về bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác trong hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên).
Trong khi đó, đối với hành vi giả mạo giấy tờ (giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự), Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng; Nghị định 82/2020 quy định mức phạt tối đa là 7 triệu đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá…
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đưa ra mức xử phạt rất nặng đối với nhiều vi phạm nhỏ, ví dụ hành vi nộp trả lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định chỉ bị phạt cảnh cáo thì nay Dự thảo Luật đưa ra mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức; hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng quy định của Bộ Tài chính hiện nay là từ5-10 triệu đồng, nay dự kiến tăng lên 20-40 triệu (gấp 4 lần)…
Thời gian qua, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, trong đó có tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực. Đại biểu đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán để đảm bảo tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm.
Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung với các lĩnh vực khác. Nếu quy định như Dự thảo Luật chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam, một ngành đang cần số nhân sự gấp 3-4 lần con số hiện nay so với quy mô của thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Nâng mức xử phạt với kiểm toán độc lập tối đa 3 tỷ đồng
Liên quan đến quy định xử phạt, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 05 năm, nhưng quy định này có khác với quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính ( là 2 năm).
Tu vu SCB, Van Thinh Phat: Nhat tri tang xu phat voi kiem toan-Hinh-2
Đại biểu  Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) 
Về quy định nâng mức phạt từ mức đến 50 triệu hiện nay lên tối đa là 1 tỷ đối với cá nhân, đại biểu cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, đại biểu chưa thống nhất với mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
“Tôi cho rằng mức phạt tối đa 2 tỷ đồng đối với tổ chức là thấp, chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với sự phát triển quy mô tổ chức kiểm toán độc lập, phạm vi hoạt động, đối tượng kiểm toán đang được mở rộng, một số Công ty kiểm toán lớn có doanh thu trên 500 tỷ, hàng nghìn tỷ đồng một năm ( big four).
Do đó tôi đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu thêm, nâng mức phạt tiền đối với tổ chức cao hơn cho phù hợp, theo tôi mức tối đa là 3 tỷ đồng ( đây cũng là mức cơ quan chủ trì soạn thảo đưa vào dự thảo Luật khi làm việc với cơ quan thẩm tra dự án Luật)”, đại biểu Lan cho hay.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lan, mức phạt tiền vi phạm hành chính còn phụ thuộc vào quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tại điểm e khoản 1 Điều 3, luật này quy định: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính (đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức đối với cá nhân.), nguyên tắc này ràng buộc mức phạt giữa tổ chức và cá nhân, làm cho mức phạt của cá nhân thì cao, của tổ chức thì thấp.
Đại biểu đề nghị cần đánh giá việc thực hiện nguyên tắc này để sửa điểm e khoản 1 Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp, theo hướng có thể nâng mức phạt đối với tổ chức bằng 3 lần đối với cá nhân, nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức kiểm toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán độc lập.
Đại biểu cũng đề nghị không quy định cụ thể mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán tại dự thảo Luật mà để Chính phủ quy định cho bảo đảm sự ổn định của Luật, phù hợp với yêu cầu đổi mới trong xây dựng Luật hiện nay, linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi về quy mô hoạt động, tính chất mức độ vi phạm trong hoạt động kiểm toán độc lập từng thời kỳ. Về khung mức phạt chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu, do đó khung mức còn rất rộng, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể phù hợp về mức phạt phù hợp với vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Chốt 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 bao gồm: Ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 bao gồm: Lĩnh vực ngân hàng; lĩnh vực y tế; lĩnh vực thông tin và truyền thông. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 2 ngày (từ ngày 11/11 đến ngày 12/11/2024).
Chot 3 nhom van de chat van tai Ky hop thu 8, Quoc hoi khoa XV
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn 3 nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Ảnh: QH.

ĐBQH đề nghị làm rõ số dư quỹ BHXH 1,3 triệu tỷ đồng

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5/11, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn.

Sáng 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách
Quan tâm đến các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, theo Báo cáo số 647/2024 của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý chủ yếu là của ba Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.
DBQH de nghi lam ro so du quy BHXH 1,3 trieu ty dong
 ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: QH.
Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.
“Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của nguồn vốn dư của 3 quỹ này như thế nào? Khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao? Theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có hoàn thành không?”
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trong khi có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường, nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách, cũng như chính bản thân cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc điều hành tồn dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, nhờ quyết tâm chính trị, từ năm 2017, Bộ Tài chính chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia…
"Tuy nhiên, trên thực tiễn quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc Kho bạc nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại ở các ngân hàng thương mại có những lúc không phù hợp về thời điểm, về liều lượng, kỳ hạn, hay mức lãi suất chào. Những việc như vậy nhiều khi đã khiến cho Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động của ngân hàng", đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn hiện nay.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
Quan tâm đến chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) cho rằng, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
DBQH de nghi lam ro so du quy BHXH 1,3 trieu ty dong-Hinh-2
 ĐBQH Triệu Quang Huy (Lạng Sơn). Ảnh: QH.

Nguyên nhân chủ yếu, theo đại biểu là, do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực: ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu, đầu tư công…

Đại biểu cũng ghi nhận, qua rà soát, những quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc chưa tương thích, Chính phủ nhận diện và tại Kỳ họp thứ Tám này đã trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu thầu… để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng.

Để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị, khi đưa danh mục dự án vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án. Người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt. Đồng thời, bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước.

Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.

ĐBQH: Tháo điểm nghẽn, để doanh nghiệp trong nước là trụ cột

Theo đại biểu Quốc hội, chúng ta phải có chiến lược trong việc đầu tư để tạo lập doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp trụ cột, giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Sáng 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá về mục tiêu kinh tế đề ra và những giải pháp để thu hút nguồn thu từ các doanh nghiệp trong nước, phát huy thế mạnh của Nhà nước trong việc dẫn dắt nền kinh tế.