Trung Quốc phá dỡ 300 con đập, đóng cửa loạt nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Dương Tử

Trung Quốc đã cho nổ 300 con đập và đóng cửa phần lớn các nhà máy thủy điện nhỏ trên một nhánh chính của thượng nguồn sông Dương Tử, nhằm khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ quần thể cá quý hiếm.=

Sông Xích Thủy là nhánh chính của thượng nguồn sông Dương Tử. Ảnh: Shutterstock.

Theo Tân Hoa xã, 300 trong tổng số 357 con đập trên sông Xích Thủy – nhánh chính của thượng nguồn sông Dương Tử – đã được phá dỡ tính đến cuối năm 2024. Đồng thời, 342 trong 373 nhà máy thủy điện cỡ nhỏ đã bị ngừng hoạt động. Động thái mới được kì vọng giúp nhiều loài cá quý hiếm có thể quay lại chu kỳ sinh sản tự nhiên.

Sông Xích Thủy dài hơn 400 km, chảy qua các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên. Các nhà sinh thái học coi đây là nơi sinh sống cuối cùng của nhiều loài cá bản địa quý hiếm ở thượng nguồn sông Dương Tử.

Qua nhiều thập niên, hệ thống đập và trạm thủy điện dày đặc đã cản trở dòng chảy, làm giảm lưu lượng nước, thậm chí khiến một số đoạn sông bị khô cạn. Hậu quả là môi trường sống và khu vực sinh sản của cá suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến các loài cá di cư.

Ông Chu Kiến Quân, giáo sư ngành thủy công tại Đại học Thanh Hoa, cho biết việc đóng cửa loạt hạ tầng thủy điện không nhất thiết là phá bỏ toàn bộ công trình, mà mục đích là dừng phát điện và thay đổi phương thức điều tiết nước để phục vụ nhu cầu sinh thái.

Kể từ khi Trung Quốc phát động kế hoạch cải tạo quy mô lớn vào năm 2020, nhiều loài thủy sinh như cá tầm Dương Tử đã có cơ hội hồi sinh. Đây là loài cá nước ngọt khổng lồ, từng được mệnh danh là "gã khổng lồ cuối cùng" của sông Dương Tử.

Cá tầm Dương Tử được thả về tự nhiên trên một đoạn sông ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc vào tháng 4/2025. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tuy nhiên, cùng với cá kiếm Trung Quốc, cá tầm Dương Tử đã bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tuyên bố tuyệt chủng ngoài tự nhiên vào năm 2022.

Dù vậy, các nhà khoa học thuộc Viện Thủy sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) đã ghi nhận tín hiệu tích cực. Dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu Lưu Phi, nhóm đã thả hai đợt cá tầm Dương Tử xuống sông Xích Thủy trong năm 2023 và 2024. Cá đã thích nghi tốt với môi trường tự nhiên và sinh trưởng ổn định.

Tháng 4/2025, nhóm tiếp tục thử nghiệm khả năng sinh sản tự nhiên bằng cách thả 20 con cá trưởng thành xuống một đoạn sông tại Quý Châu. Chỉ vài tuần sau, họ quan sát được hành vi đẻ trứng tự nhiên và sự xuất hiện của cá con.

“Kết quả này cho thấy môi trường sinh thái hiện tại của sông Xích Thủy đã đáp ứng được nhu cầu sinh sống và sinh sản của cá tầm Dương Tử”, ông Lưu chia sẻ.

Bên cạnh việc dừng hoạt động thủy điện quy mô nhỏ, nhà chức trách Trung Quốc còn thực hiện nhiều chính sách bảo vệ sông Dương Tử, như cấm đánh bắt trong 10 năm từ năm 2020 và cấm khai thác cát trên sông. Nhờ đó, chất lượng nước tại Dương Tử và các nhánh sông đã được cải thiện rõ rệt.