Trung Quốc lên tiếng về lệnh trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga

Trung Quốc chỉ trích phương Tây "tiêu chuẩn kép" trong việc trừng phạt Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. Ảnh: Taipei Times/EFE

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng nhiều nước phương Tây vẫn duy trì trao đổi thương mại với Moscow bất chấp các lệnh trừng phạt mà họ đơn phương áp đặt với Nga.

Theo đài RT, Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh áp dụng "tiêu chuẩn kép", sau khi khối này công bố gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga và một số công ty Trung Quốc bị cho là liên quan tới chuỗi cung ứng quân sự của Moscow.

Gói trừng phạt mới được EU thông qua ngày 20/5, nhằm vào cái gọi là "hạm đội bóng tối" – đội tàu bị nghi dùng để vận chuyển dầu thô của Nga. Một loạt doanh nghiệp Trung Quốc bị đưa vào danh sách vì bị cáo buộc cung cấp linh kiện máy bay không người lái và linh kiện điện tử tinh vi cho Moscow. Anh cũng phối hợp với EU trong động thái này khi bổ sung 18 tàu vào danh sách trừng phạt riêng.

Phản hồi trước các biện pháp trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 21/5 bác bỏ các cáo buộc và cảnh báo không nên can thiệp vào các hoạt động thương mại bình thường giữa Bắc Kinh và Moscow.

“Châu Âu cần chấm dứt việc sử dụng tiêu chuẩn kép trong hợp tác thương mại và kinh tế với Nga", bà Mao nhấn mạnh. “Phần lớn các quốc gia, bao gồm cả Mỹ và các nước châu Âu, vẫn đang duy trì trao đổi thương mại với Nga".

Người phát ngôn Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng và chưa từng cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào liên quan đến xung đột Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mới được công bố không lâu sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ông Trump được cho là đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt bổ sung có thể làm phức tạp nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Cũng trong tuần qua, các phái đoàn Nga và Ukraine đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi đàm phán Nga - Ukraine đổ vỡ vào tháng 3/2022 – thời điểm Kiev quyết định dừng đàm phán để theo đuổi chiến lược quân sự, được cho là dưới sự "khích lệ" của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Cùng ngày EU công bố gói trừng phạt mới, Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ việc nối lại đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev, đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng con đường hòa bình.