Ngày 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
"Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước. Doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển với tinh thần là vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu", Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
"Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển", Thủ tướng cho hay.
Năng lực, sáng kiến của các doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam là không giới hạn
Tại hội nghị, các doanh nghiệp tham gia chia sẻ về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ; chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng…
Các doanh nghiệp đề xuất một số ý tưởng phát triển doanh nghiệp dân tộc Việt Nam mạnh, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Group đánh giá, năng lực, sáng kiến của các tập đoàn Việt Nam là không giới hạn.
Do đó, mong muốn Thủ tướng tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings cho biết, doanh nghiệp đang hướng tới xây dựng các trung tâm công nghiệp thế hệ mới hiện đại, nơi Việt Nam có thể dần làm chủ công nghệ và phát triển mạnh mẽ các trung tâm đào tạo nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Vì vậy, mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng khu công nghiệp; khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo triển khai nhanh…
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; xem xét thí điểm mô hình, cơ chế đặc thù tương tự như mô hình khu kinh tế tự do trên thế giới; xem xét có chính sách thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu bất động sản du lịch; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận…
Trong khi đó, bà Thái Hương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhận định, đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu dinh dưỡng quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.
Nữ doanh nhân kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng; tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.