Bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử với 3 tội danh "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng" và "Tham ô tài sản".
Bên cạnh đó, 60 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ SCB và Ngân hàng Nhà nước (NHNN); 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ và 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị xét xử về các tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng". Một số bị cáo là cựu lãnh đạo cấp cao của SCB đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố sẽ bị xét xử vắng mặt.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella bị xét xử tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" vì có hành vi chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.
Tại phần kiểm tra lý lịch, bà Lan cho biết, sức khỏe, tinh thần ổn định đủ tham gia các phiên tòa. Bị cáo khai bị bắt giữ vào khoảng 20h30 ngày 6/10/2022, khi đang ngoài đường. Trước ngày hầu toà 2 tuần, bị cáo đã được tống đạt bản cáo trạng truy tố của Viện KSND… Bị cáo SN1956, tại TP.HCM, đăng ký thường trú tại căn nhà đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, chỗ ở là căn hộ trên đường Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Còn bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) cũng cho biết, sức khỏe ổn định. Bị cáo SN1956 tại Hong Kong, nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square. Địa chỉ thường trú của bị cáo ở đường Connaujht, Centre, Hong Kong.
Theo nội dung vụ án, bà Lan không giữ chức vụ tại SCB nhưng là cổ đông chính và đã sử dụng SCB như một kênh huy động vốn cá nhân. Bà Lan đã lợi dụng tình hình để rút tiền từ tài khoản tiền gửi của người dân và khách hàng.
Hậu quả từ các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục II, NHNN Chi nhánh TP.HCM và Tổ Giám sát đã để cho nhóm bà Lan và SCB thực hiện cho vay lũy tiến từng năm. Hành động này nhằm mục đích tạo điều kiện để bà Lan rút tiền sử dụng cá nhân hoặc trả nợ cho các khoản vay trước đó nhằm che giấu thực trạng hoạt động và tình hình nợ xấu của SCB.
Thiệt hại của vụ án tính đến ngày 17/10/2022 với số tiền đặc biệt lớn. Tổng dư nợ của các tổ chức, cá nhân thuộc nhóm bà Lan hơn 677.000 tỷ đồng. Bà Lan đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng.
Các cựu cán bộ NHNN đã nộp tiền khắc phục hậu quả
Theo cáo trạng, dù chiếm đoạt số tiền lớn nhưng đến nay bà Lan chưa nộp khắc phục hậu quả. Còn ông Cơ đã tạm nộp số tiền 1 tỷ đồng. Cháu gái bà Lan là bị cáo Trương Huệ Vân đã khắc phục hơn 1 tỷ đồng và 3.000 USD.
Trong vụ án này, các bị cáo là cựu cán bộ NHNN đều nộp tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh Thanh tra NHNN) đã nộp số tiền 390.000 USD; bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra) nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng; bị cáo Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra) nộp lại 100 triệu đồng.
Bị cáo Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra) nộp 20.000 USD; bị cáo Trần Văn Tuấn (cựu Thanh tra viên) nộp 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà (cựu Phó Chánh Thanh tra, kiểm toán) nộp 14.000 USD và 100 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó trưởng Ban kiểm tra) nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (cựu công chức Vụ Thanh tra) nộp 100 triệu đồng; bị cáo Vũ Khánh Linh (cựu Phó trưởng Phòng Thanh tra) nộp 100 triệu đồng; bị cáo Trương Việt Hưng (cựu Thanh tra viên) nộp 600 USD; bị cáo Nguyễn Duy Phương (cựu Thanh tra viên) nộp 1.000 USD và 20 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Văn Dũng (cựu Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh TPHCM) nộp 15.000 USD và 400 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 470 triệu đồng; bị cáo Võ Văn Thuần (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 1,85 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Tín (cựu Thanh tra viên) nộp 500 triệu đồng; bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát) nộp 554 triệu đồng và bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát) nộp số tiền 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm có số tiền hơn 10 tỷ đồng.