Licogi, Nhựa Bình Minh… và loạt doanh nghiệp vào tầm ngắm thoái vốn

SCIC dự kiến thoái vốn tại 73 doanh nghiệp trong năm 2023, bao gồm nhiều tên tuổi quen thuộc trên sàn chứng khoán như: Nhựa Bình Minh, Licogi, Thủy sản Việt Nam, Nhiệt điện Hải Phòng...
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 bao gồm 73 doanh nghiệp. Trong số này, 21 doanh nghiệp đã có mã cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Trong số các doanh nghiệp đang niêm yết nằm trong kế hoạch bán vốn năm nay của SCIC, một số tên tuổi đáng chú ý trên sàn chứng khoán có thể kể đến là: Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã BMP), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP (Seaprodex – mã SEA) , Tổng Công ty LICOGI - CTCP (mã LIC), Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC), Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), Tổng Công ty Thăng Long (Mã TTL), Công ty CP Nhựa Việt Nam (Mã VNP)…
Cùng đó, các doanh nghiệp mà SCIC dự kiến bán vốn trên 90% gồm: Công ty CP công trình giao thông Bình Thuận; Công ty CP Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ; Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại; Công ty CP Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Thái Nguyên; Công ty CP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải; Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam – CTCP; Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương; Công ty CP Bến xe Kon Tum; Công ty CP nông sản TPXK Cần Thơ.
Licogi, Nhua Binh Minh… va loat doanh nghiep vao tam ngam thoai von
 Licogi, Nhựa Bình Minh… và loạt DN vào tầm ngắm thoái vốn (ảnh minh họa: Internet).
Trong danh sách này, SCIC đã thoái vốn thành công tại 4 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 29% vốn tại Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi; 53% vốn tại Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp II Quảng Bình; 65% Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp Quảng Bình và 51% Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa số 9.
Đáng chú ý, dù vẫn có một số doanh nghiệp quen thuộc trên sàn nhưng danh sách bán vốn năm nay của SCIC vẫn thiếu vắng những “ông lớn” được nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm như: Công ty CP FPT (mã FPT), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM), Nhựa Tiền Phong (mã NTP), Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Sabeco (mã SAB), Traphaco (mã TRA)...
Trước đó, năm 2022, SCIC từng có kế hoạch thoái vốn tại 101 đơn vị thành viên. Trong danh sách, có nhiều công ty đáng chú ý như Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND), Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã BMP), Công ty CP Nhựa Việt Nam (mã VNP), Công ty CP Seaprodex (mã SEA), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP), Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (mã VEC), Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam (mã QTC), Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol (mã VNC), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 - CTCP (mã FIC), Tổng công ty Thăng Long (mã TTL), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam - CTCP (mã VIW), Tổng công ty Licogi (mã LIC). Tuy nhiên, diễn biến không thuận lợi, đà lao dốc của thị trường chứng khoán đã khiến những thương vụ này bị đình lại.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, SCIC ghi nhận tổng doanh thu đạt 10.694 đồng, bằng 151% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 135% kế hoạch năm.
Trong đó, doanh thu từ cổ tức đạt 8.216 tỷ đồng, bằng 188% so với cùng kỳ và bằng 142% kế hoạch năm. Doanh thu bán vốn đạt 1.358 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.836 tỷ đồng, bằng 191% kế hoạch năm 2022. Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã tiếp nhận 10 doanh nghiệp, với tổng vốn Nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỷ đồng.
Năm 2023, SCIC lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 2.903 tỷ đồng. SCIC dự kiến nộp ngân sách Nhà nước 2.881 tỷ đồng và giải ngân 9.400 tỷ đồng vốn đầu tư.
Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN