Gây thiệt hại 725 tỷ, ông Đinh La Thăng cùng hàng loạt cựu cán bộ bị đề nghị truy tố

Hôm qua (31/8), Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện KSND tối cao, đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng 19 bị can, trong vụ sai phạm xảy ra ở tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương.

Gây thiệt hại 725 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra (KLĐT), ở tội danh “Vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Trí Thành (cựu quyền Vụ trưởng vụ tài chính, Bộ GTVT), Dương Tuấn Minh (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Tổng Công ty Cửu Long), Dương Thị Trâm Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (cựu Phó phòng đầu tư Tổng Công ty Cửu Long), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT). Các bị can bị đề nghị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Đinh Ngọc Huệ (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), Phạm Văn Việt (Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình), Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh), Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh), Phạm Tân Hoàng (Phó phòng kế toán Công ty Yên Khánh), Ngô Bá Thắng (Giám đốc Công ty Yên Khánh Chi nhánh Long An), Trần Văn Miền (Phó giám đốc Công ty Yên Khánh Chi nhánh Long An), Nguyễn Thị Kim Huệ (kế toán viên Công ty Yên Khánh), Đinh Thị Trung (kế toán viên Công ty Yên Khánh), Tạ Đức Minh (thủ quỹ Công ty Yên Khánh), Lê Thị Những (nhân viên Công ty CP Tập Đoàn Đức Bình), Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Công ty Xuân Phi) và Hoàng Tô Hạnh Vân (Phó Giám đốc Công ty Xuân Phi).

Theo cơ quan điều tra, tháng 2/2012, ông Thăng đã chỉ đạo Công ty Yên Khánh của ông Đinh Ngọc Hệ mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đồng thời ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí do ông Nguyễn Hồng Trường làm chủ tịch, kèm theo tổ thường trực giúp việc Hội đồng.

Toàn bộ hoạt động xây dựng, hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại Bộ GTVT do ông Trường phụ trách và phải báo cáo cho ông Thăng. Ông Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng đề án, kết quả đấu giá quyền thu phí được thực hiện không đúng quy định của pháp luật để cho công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, phù hợp với ý định giới thiệu ban đầu của ông Thăng.

Ngoài ra, Công ty Yên Khánh không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời hạn, vi phạm quy chế bán đấu giá và hợp đồng, lẽ ra phải bị chấm dứt trước thời hạn, nhưng ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng. Trái lại, ông Thăng còn yêu cầu cấp dưới để doanh nghiệp này trả từ từ, đồng thời bút phê đồng ý đề xuất của Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm.

Sau đó, ông Thăng cũng đồng ý với đề nghị cho Công ty Yên Khánh cấn trừ vào số tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí, dẫn đến Công ty Yên Khánh tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định. Sai phạm của ông Thăng và các đồng phạm, đã giúp sức cho công ty của ông Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng.

Gay thiet hai 725 ty, ong Dinh La Thang cung hang loat cuu can bo bi de nghi truy to
 Cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng đươc xác định là chủ mưu vụ án này

Theo kết luận điều tra, toàn bộ hoạt động xây dựng, hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phụ trách và phải báo cáo cho Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ông Thăng biết, toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng đề án, kết quả đấu giá quyền thu phí được thực hiện không đúng quy định của pháp luật để cho công ty của Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, phù hợp với ý định giới thiệu ban đầu của ông Thăng.

Ông Ðinh La Thăng phủ nhận một số nội dung

Theo Cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng khai rằng, từ tháng 11/2011, ông Thăng có ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin chủ trương tiếp nhận lại Đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, từ Công ty BEDC và tìm kiếm đối tác để chuyển giao quyền thu phí. Đầu năm 2012 ông Thăng gặp và quen biết ông Hệ tại Ninh Bình. Trong năm 2012-2013, ông Thăng có nhiều lần điện thoại liên hệ với ông Hệ nhưng phủ nhận việc bàn bạc giới thiệu chỉ đạo tạo điều kiện cho ông Hệ được mua quyền thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương.

Ngày 3/10/2013, ông Thăng ký quyết định số 3050/QĐ-BGTVT thành lập Hội đồng bán đấu giá giao Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch hội đồng, đồng thời thành lập Tổ thường trực trực Hội đồng. Ông Thăng cũng giao ông Trường ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá, quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá, quá trình lập hoàn thiện Đề án bán quyền thu phí, các vấn đề liên quan đến việc Công ty Yên Khánh chậm nộp tiền đấu giá... Dù ông Trường có báo cáo, nhưng ông Thăng khai rằng ông không tham gia ý kiến chỉ đạo trong các văn bản này.

Dù thừa nhận bút phê “Đồng ý” trên đề nghị của Công ty Yên Khánh tại 1 văn bản kiến nghị giao cho Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo -Chợ Đệm và phần chi phí do Công ty Yên Khánh đầu tư xây dựng 2 nút giao thông sẽ được khấu trừ và số tiền Công ty Yên Khánh còn phải thanh toán là chưa đúng với quy định của pháp luật, dự án chưa nằm trong danh mục vốn đầu tư trung hạn, nhưng ông Thăng không thừa nhận đây là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Yên Khánh lấy lý do để thanh toán chậm trễ và không bị chấm dứt hợp đồng. Đáng lưu ý là ông Đinh La Thăng cũng khẳng định rằng: “Không có việc không cho phép chấm dứt trước hạn hợp đồng”.

Ông Đinh La Thăng nhiều lần điện thoại liên hệ với ông Đinh Ngọc Hệ nhưng phủ nhận việc bàn bạc giới thiệu chỉ đạo tạo điều kiện cho ông Hệ được mua quyền thu phí cao tốc TPHCM-Trung Lương.

Theo Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN