Doanh nghiệp nào hưởng lợi khi giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô?

Bộ Công thương mới đây đã đề xuất thực hiện việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2023.

Bộ Công Thương vừa có công văn trả lời ý kiến của Bộ Tài chính liên quan đến việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ và gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp.

Điều này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.

Doanh nghiep nao huong loi khi giam 50% le phi truoc ba o to?
Bộ Công thương đề xuất tiếp tục giảm giá lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước - Ảnh minh họa, nguồn: congthuong.vn 

Bộ Công thương cho rằng, chính sách này cũng đã được Chính phủ áp dụng trong năm 2020 và 2022. Kết quả mang lại hiệu quả tích cực, giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi sản xuất, từng bước mở rộng quy mô đầu tư, nội địa hóa sản phẩm trong bối cảnh khó khăn do đại dịch ra.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất có thể cân nhắc thực hiện đến hết năm 2023, thời điểm kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ có những tín hiệu khởi sắc và đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Về gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ này ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về phương án gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Điều 63 Luật Quản lý thuế.

Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung phương án gia hạn thu thuế tiêu thụ đặc biệt cho tháng 10/2023, thời điểm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đó Bộ Tài chính mới chỉ đề xuất gia hạn cho các tháng 6, 7, 8, 9 năm 2023.

Theo Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hyundai Thành Công và Vinfast, trong 3 tháng đầu năm doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 77.090 xe, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô. Nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững.

Với việc ô tô lắp ráp trong nước có cơ hội tiếp tục được hưởng ưu đãi kép từ chính sách của Nhà nước đó là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ô tô sẽ có thời gian chuẩn bị, tích lũy dòng tiền tốt hơn trong ngắn hạn, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo Cục Đăng Kiểm Việt Nam, hiện có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam như: Công ty TNHH ô tô MITSUBISHI Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất ô tô HYUNDAI Thành Công Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast, Công ty TNHH Việt Nam  SUZUKI, Công ty TNHH một thành viên SX và LR ôtô tải Chu Lai Trường Hải, Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam, Công ty TNHH SX và LR ôtô du lịch Trường Hải - Kia,…

Minh Quang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN