Vốn hóa “bay hơi” 11.000 tỷ, cổ phiếu bị cảnh báo
Chốt phiên giao dịch ngày 24/4, cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) đóng cửa ở mức 4.080 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh thiết lập trong ngày 26/11/2021 là 40.000 đồng/cổ phiếu, HPX đã lao dốc 90%, tương ứng vốn hóa “bay hơi” gần 11.000 tỷ đồng.
Thị giá lao dốc trong bối cảnh Sở GDCK TPHCM (HOSE) cũng vừa quyết định đưa cổ phiếu HPX vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4 do công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Giải trình về vấn đề này, Hải Phát Invest cho biết, từ những tháng cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ hậu quả của dịch Covid kéo dài và tác động từ chính sách, quy định pháp luật nói chung khiến thị trường bất động sản bước vào giai đoạn suy thoái, mất thanh khoản.
Cũng như các doanh nghiệp bất động sản trên cả nước, công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, không tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu không thực hiện được, cơ cấu cổ đông và nhân sự quản lý cấp cao có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, công ty cho biết buộc phải có những thay đổi để thích nghi với điều kiện thực tế và cần thêm thời gian để hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính 2022.
Đầu năm 2023, Hải Phát Invest đã quyết định triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến thông qua việc thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2022. Tuy nhiên cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 4/3 đã không thể diễn ra do không đủ điều kiện tiến hành. Do đó việc kiểm toán báo cáo tài chính 2022 bị kéo dài so với dự kiến. Hải Phát Invest xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 chậm nhất đến ngày 20/5 bởi doanh nghiệp này chỉ vừa mới ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính 2022 vào ngày 24/4 vừa qua.
Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từ chối việc gia hạn này bởi lý do Hải Phát Invest đưa ra không thuộc trường hợp bất khả kháng.
Trái phiếu chiếm 74% vay nợ tài chính, không thu xếp được nguồn trả cổ tức và lãi trái phiếu
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý 4/2022, lãi ròng năm 2022 của Hải Phát Invest giảm 51% so với năm trước, ghi nhận gần 141 tỷ đồng; dù doanh thu thuần tăng 17% khi đạt 1.635 tỷ đồng.
Nguyên nhân một phần do kết quả quý 4/2022 không mấy khả quan, khi lượng sản phẩm dự án bán ra trong kỳ thấp hơn năm trước khiến công ty kinh doanh dưới giá vốn và lỗ gộp 34 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính từ việc bán các khoản đầu tư trong kỳ nên công ty mới có lãi ròng 18 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn giảm mạnh 87% so với quý 4/2021.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Hải Phát Invest giảm gần 300 tỷ về mức 9.293 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt và gửi ngân hàng giảm mạnh 83% về vỏn vẹn còn hơn 166 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 22% lên gần 2.298 tỷ đồng. Hàng tồn kho lại giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao tới 3.595 tỷ đồng.
Do chưa công bố báo cáo kiểm toán nên không rõ chi tiết hàng tồn kho của Hải Phát Invest như nào, nhưng theo báo cáo soát xét 6 tháng 2022, Hải Phát Invest đang ghi nhận loạt dự án bất động sản đang xây dựng như HP Intermix Bắc Giang, Nhà ở thương mại TP Lào Cai, dự án Cồn Tân Lập, HP Galaxy Cao Bằng, The Seahara Mũi Né Hotel & Resorts, The Seahara Phú Yên Shop Villas. Còn các dự án để bán đã hoàn thành tại thời điểm cuối tháng 6/2022 gồm The Vesta, Platin Center. Ngoài ra còn có hàng hóa bất động sản gồm dự án Ka Long Riverside, HP Naia City.
Trong cơ cấu nợ, vay nợ tài chính của Hải Phát Invest giảm 28% về mức 3.317 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu chiếm chủ yếu gần 74% với 2.450 tỷ đồng (đa số phát hành trong năm 2021). Chủ nợ của Hải Phát Invest khá đa dạng từ ngân hàng đến công ty chứng khoán, doanh nghiệp thường, thậm chí cả các cá nhân.
Điểm qua loạt nhà băng đang là chủ nợ của Hải Phát Invest gồm Agribank, VietinBank, HDBank, BIDV. Còn khối công ty chứng khoán “dính” đến Hải Phát Invest gồm Chứng khoán MB, Chứng khoán Navibank, Chứng khoán VietinBank, Chứng khoán Dầu khí, Chứng khoán Smart Invest, Chứng khoán MB, Chứng khoán Bảo Việt.
Việc gánh nợ trái phiếu cao khiến việc trả lãi cũng như đến hạn gốc của Hải Phát Invest là gánh nặng khiến doanh nghiệp bất động sản này đã bị bêu tên trong danh sách chậm trả lãi cho trái chủ của hai lô trái phiếu mệnh giá 450 tỷ và 350 tỷ đồng vừa qua.
Cũng cần lưu ý, ngoài việc vay nợ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư các dự án thì Hải Phát Invets còn vay tiền ngân hàng để thanh toán lương, thưởng cho nhân viên. Điều này cũng dễ hiểu khi lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Hải Phát Invest âm tới 483 tỷ đồng do ảnh hưởng của hoạt động đầu tư và trả nợ gốc vay.
Ngoài ra, Hải Phát Invest còn trễ hẹn trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông tỷ lệ 5% lẽ ra được thực hiện trong tháng 10/2022, tương ứng khoảng 152 tỷ đồng. Tuy nhiên do chưa cân đối được nguồn tiền, không đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn sau khi trả cổ tức cho cổ đông, nên Hải Phát Invest bị trễ hẹn trả cổ tức.
Để khắc phục những vấn đề này, Hải Phát Invest cho biết thời gian qua đang tiến hành tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại các khoản nợ, gia hạn nợ. Đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ chung sức từ cổ đông nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn bằng việc sẽ xin không thực hiện trả cổ tức năm 2021 tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Bị bán giải chấp cổ phiếu, Chủ tịch cũng “tháo chạy chui”
Trong khi hoạt động kinh doanh bết bát, lãnh đạo kêu gọi cổ đông giúp đỡ thì điều khiến cổ đông đau nhất chính là nhận được thông tin Chủ tịch cùng vợ và em trai lại tháo chạy khỏi Hải Phát bằng việc bán “chui” cổ phiếu HPX.
Theo đó, cũng trong tháng 4 này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ tịch HPX Đỗ Quý Hải số tiền gần 1,26 tỷ đồng, vợ ông là bà Chu Thị Lương gần 513 triệu đồng và em trai Đỗ Quý Đường hơn 206 triệu đồng vì bán tổng cộng hơn 9,5 triệu cổ phiếu HPX trong ngày 30/11/2022 nhưng không báo cáo về dự kiến giao dịch. Đồng thời 3 vị này còn bị đình chỉnh giao dịch có thời hạn 4 tháng.
Việc gia đình Chủ tịch Đỗ Quý Hải bán “chui” cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPX đang liên tục lao dốc khiến làn sóng bán giải chấp cổ phiếu bất động sản cầm cố cho các khoản vay margin của các công ty chứng khoán liên tục diễn ra để thu nợ trước hạn.
Trong đó, ông Đỗ Quý Hải bị bán giải chấp hơn 25,65% vốn tại HPX, giảm sở hữu từ 40,04% về còn 14,39% vốn từ nằm 2022 đến đầu năm 2023. Còn bà Chu Thị Lương cũng giảm sở hữu từ 3,75% về còn 2,05% vốn.
Ngoài ra, quỹ ngoại thuộc Dragon Capital cũng nói lời chia tay HPX khi thoái hết 11,9% vốn hồi tháng 11/2022.
Bên cạnh việc tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, dàn lãnh đạo cấp cao của Hải Phát Invest cũng có rất nhiều biến động từ đầu năm 2023 đến nay khi hai Phó Tổng giám đốc Phạm Huy Thông và Đinh Thế Quỳnh đều xin từ nhiệm từ ngày 2/2 vì lý do cá nhân. Sau đó hai tháng, đến lượt Phó Tổng giám đốc Nguyễn Trọng Thiết cũng rời đi từ ngày 3/4.
Từ đó đến nay, Hải Phát chỉ bổ nhiệm một Phó Tổng mới là ông Lê Thanh Hải kể từ ngày 9/3 để lấp vào "chỗ trống" của ba vị trên.
Có thể thấy, trong bối cảnh ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn do ngân hàng thắt chặt cho vay, lãi suất cao, cùng các khoản nợ đến hạn gần kề… thì vấn đề quản trị nội tại của Hải Phát Invest cũng khiến nhà đầu tư ái ngại thêm cho tương lai của doanh nghiệp này.