Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, đơn vị được giao điều tra vụ tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm cho biết, tính đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố tổng cộng 89 bị can về các tội: “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.
Trong số này có 2 bị can là Đặng Việt Hà (51 tuổi, quê Hà Nam) và Trần Kỳ Hình (62 tuổi, quê Hà Nội), từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Hai ông cùng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354, Bộ luật hình sự.
Ông Trần Kỳ Hình giữ chức vụ từ 1/4/2014 đến 1/8/2021. Còn ông Đặng Việt Hà thay thế vị trí ông Hình cho đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 11/1 vừa qua.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm rõ về hành vi “Nhận hối lộ” của ông Hình, ông Hà.
Theo Thượng tá Hiếu, các ông này với cương vị Cục trưởng Cục Đăng kiểm nhưng đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; nhận hối lộ từ giám đốc các Trung tâm đăng kiểm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Cơ quan điều tra chưa công bố về khoản tiền đã nhận nhưng cho biết, hành vi của ông Hình, ông Hà diễn ra trong thời gian dài, xuyên suốt…
Cụ thể, với vai trò người đứng đầu cơ quan quản lý hoạt động đăng kiểm, ông Hình và sau này là ông Hà đã nhận hối lộ số tiền hàng trăm triệu đồng để ký duyệt mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, dù biết rõ các Trung tâm đăng kiểm này chưa đủ điều kiện theo quy định.
Sau đó, định kỳ hàng tháng, hàng quý, giám đốc các Trung tâm đăng kiểm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước phải chung chi hối lộ cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm và lãnh đạo các phòng ban của đơn vị này.
Trong đó, Công an xác định, hành vi nhận hối lộ của ông Trần Kỳ Hình là thông qua ông Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị khởi tố ngày 4/1 vừa qua.
Theo Công an TP.HCM, tại các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành, có các đối tượng “cò” móc nối với các nhân viên, đăng kiểm viên. Còn các lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm thông đồng, cấu kết chặt chẽ với các phòng ban của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó chủ yếu là phòng Kiểm định xe cơ giới và cả Cục trưởng để hoạt động trái pháp luật, thu lợi bất chính.
Cụ thể, nhân viên, đăng kiểm viên tại các trung tâm nhận tiền của các chủ xe, từ đó bỏ qua các lỗi vi phạm bằng các thủ đoạn như làm ngơ các lỗi vi phạm khi kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng đảm bảo tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe; dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Tại một số trung tâm còn dùng 'chiêu' sử dụng những nhân viên bình thường mặc đồng phục đăng kiểm viên để vận hành dây chuyền kiểm định xe cơ giới, thậm chí giả chữ ký đăng kiểm viên ký vào hồ sơ kiểm định phương tiện.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra vụ án tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm nói trên. Đồng thời, theo chỉ đạo của Bộ Công an, tại các tỉnh thành khác, Công an địa phương cũng đang xử lý các Trung tâm đăng kiểm có hoạt động vi phạm pháp luật trên địa bàn.