Chuyện buồn về những đứa trẻ về từ Trung Quốc mang họ mẹ

Sau khi lấy chồng Trung Quốc, những phụ nữ tại huyện Tương Dương (Nghệ An) mang theo con về Việt Nam sinh sống và khai sinh mang quốc tịch Việt Nam. Đây là hệ lụy đau lòng từ việc phụ nữ bị lừa, lôi kéo sang Trung Quốc lấy chồng với hy vọng đổi đời...
Mời độc giả xem clip "Thần kỳ trở về sau 17 năm bị bán sang Trung Quốc": (Nguồn VTC1)
Những đứa trẻ mang hai dòng máu nơi miền Tây xứ Nghệ
Trung tuần tháng 12/2017, chị Mạc Thị Hồng (SN 1983) vừa từ Trung Quốc trở về nhà tại bản Ang, xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An) thăm đứa con gửi bà ngoại từ năm 2015. Đứa bé nhút nhát hơn những đứa trẻ con trong bản địa, cứ quấn quýt lấy bà ngoại mà không để ý đến người đàn bà là mẹ mình.
Một góc bản Ang nơi có những đứa trẻ mang hai dòng máu khai sinh họ mẹ. 
Chị Hồng kể, cách đây 6 năm, chị Hồng theo bạn bè sang Trung Quốc làm ăn, công việc làm công nhân tại Quảng Đông (Trung Quốc) mức lương trung bình gần 10 triệu đồng/ tháng cũng phần nào đủ chi phí và dành dụm chút ít gửi về quê. Cuối năm 2014, chị lấy chồng Trung Quốc, sinh sống được thời gian thì chồng mắc trọng bệnh qua đời. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, một mình xoay xở nơi đất khách quê người, tháng 10/2015 khi cháu bé tròn 10 tháng chị đưa con về quê gửi bà ngoại chăm hộ. Cháu bé được khai sinh mang họ mẹ với cái tên Mạc Thị Kim Chi.
Bà Vi Thị Lan (mẹ chị Hồng) cho biết, mang tiếng có con rể nhưng cũng chưa một lần được thấy mặt con rể hay biết vuông tròn ra sao vì con rể chưa bao giờ sang Việt Nam thăm gia đình ngoại. Chị Hồng đưa con về gửi bà mới biết con gái có chồng chứ đằng nội cũng chưa đến đặt vấn đề xin cưới hỏi, bà chăm cháu, Hồng đi khai sinh cho con được ít hôm lại sang Trung Quốc làm ăn tiếp.
Đứa con chị Mạc Thị Hồng quấn lấy bà ngoại không chịu sang mẹ mình. 
Đến giờ con đã hơn 2 tuổi chị mới có thời gian về nước thăm con. “Hai mẹ con gặp nhau mà con bé Kim Chi cứ gọi O nớ (cô ấy) chứ không biết là mẹ mình. Đến giờ con vẫn chưa biết đó là mẹ mình, những ngày đầu chăm sóc nó vất vả lắm, phải xa mẹ từ khi mới 10 tháng tuổi, cai sữa từ đó…”, bà Lan tâm sự.
Cũng tại bản Ang, chị Lương Thị Quyên (SN 1994) mới hơn 23 tuổi nhưng đã là mẹ của hai đứa trẻ song sinh với người chồng Trung Quốc khai sinh tại Việt Nam. Quyên cho biết, năm 2014, bạn bè rủ sang Trung Quốc làm công nhân, ít tháng sau thì lấy người đàn ông Trung Quốc và mang bầu.
Sau khi sinh hạ hai bé gái kháu khỉnh được 5 tháng thì chị Quyên đưa con về thăm ngoại. Hai đứa bé được khai sinh tại Việt Nam mang họ mẹ là Lương Quỳnh Anh và Lương Trâm Anh. Hiện Quyên chưa có ý định trở lại Trung Quốc mà ở nhà chăm con cho cứng cáp, Quyên cũng không nhớ rõ người chồng mình tên họ là gì.
Ông Lương Văn Hà (bố Quyên) cho biết, ông cũng không muốn cháu sang Trung Quốc mà ở Việt Nam rồi đi học với các bạn.
Nhói lòng những đứa trẻ không cha
Theo ông Lô Khăm Nhưn, Trưởng bản Ang, trên địa bàn bản có 4 trường hợp sinh con từ Trung Quốc mang về nước, ngoài ra còn có hơn 10 người đang làm ăn sinh sống bên đó.
Còn ông Lương Văn Phang, Chủ tịch xã Xá Lượng cho biết, trên địa bàn rất nhiều người đang làm ăn sinh sống tại Trung Quốc.
"Hiện có 70- 80 người đang sinh sống làm ăn bên đó, thời điểm đầu năm có khi hơn 100 người đi. Hầu hết là người dân tự đi sang Trung Quốc", ông Phang nói. “Phụ nữ mang con từ Trung Quốc về Việt Nam khai sinh, phía địa phương cũng không gây khó dễ gì, khai sinh là quyền của trẻ em, con mang họ mẹ nên việc khai sinh được tiến hành theo quy định”.
Tại xã Lượng Minh (Tương Dương) cũng có 4 trường hợp mang con từ Trung Quốc về Việt Nam khai sinh như xã Xá Lượng. Tại huyện Tương Dương thì số lượng phụ nữ mang con về Việt Nam khi sinh theo thống kê của lực lượng Công an huyện là khoảng 20 trường hợp, tuy nhiên thực tế thì con số có thể lên đến 30-50 trường hợp.
Theo Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, vấn nạn mua bán người trong thời gian qua trên địa bàn huyện biên giới này tiếp tục diễn biến phức tạp. Phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc cũng có, tự ý sang Trung Quốc lấy chồng cũng có, rồi bị lừa sang làm công nhân ở lại lấy chồng cũng có… Những người trong bản làng rồi anh em bà con sang Trung Quốc thời gian rồi trở về rủ rê lôi kéo người nhà mình sang Trung Quốc là điều khó khăn trong công tác phòng chống vấn nạn buôn bán người.
Nhìn những đứa trẻ con vô tư nô đùa cùng chúng bạn, mang tiếng là mang hai dòng máu Việt – Trung, song quá trình khai sinh đều mang họ mẹ. Chúng cũng có cuộc sống như bao đứa trẻ trong làng bản nhưng thiệt thòi hơn là thiếu đi người bố, mẹ cũng phải đi làm ăn xa, phó thác cho ông bà ngoại chăm sóc… Không riêng ở Tương Dương mà các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu của Nghệ An vấn nạn buôn bán người đang còn nhức nhối cho chính quyền địa phươn và cơ quan chức năng.
Theo Ngô Toàn/Báo Pháp Luật

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN