Cyoung Việt Nam 'rộng cửa' tại dự án hơn 7.750 tỷ đồng tại Ninh Thuận

CTCP Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị hơn 7.750 tỷ đồng ở Ninh Thuận.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận vừa thông tin, CTCP Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Tây Bắc ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam thành lập vào tháng 1/2019, ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý (không gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), có trụ sở tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Hải (SN 1966, ở Hà Nội).

Khi thành lập, vốn điều lệ của Cyoung Việt Nam là 3 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập gồm: Phương Mạnh Cường (75%), Lê Thị Trang (15%) và Nguyễn Hải Long (10%).

Cyoung Viet Nam 'rong cua' tai du an hon 7.750 ty dong tai Ninh Thuan

Hình ảnh TP. Phan Rang - Tháp Chàm nhìn từ trên cao. Ảnh: Plo.vn

Tháng 10/2020, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 240 tỷ đồng và ông Nguyễn Xuân Hải thay thế vị trí của bà Trang.

Tiếp đó, tháng 1/2021, Cyoung Việt Nam tăng vốn lên 360 tỷ đồng, rồi tăng lên 960 tỷ đồng vào tháng 7/2022.

Đến ngày 22/6/2023, công ty này tăng vốn lên thành 1.600 tỷ đồng, số lượng cổ đông góp vốn vẫn là 3 cổ đông nhưng danh sách cổ đông đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm thành lập.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Hải góp số vốn 1.280 tỷ đồng nắm giữ 80% cổ phần, ông Đỗ Chí Bình (SN 1969, ở Hà Nội) góp 160 tỷ đồng nắm giữ 10% và ông Nguyễn Văn Sử (SN 1990, ở Hà Nam) cũng góp 160 tỷ đồng nắm giữ 10% cổ phần.

Như vậy, đến thời điểm này, Cyoung Việt Nam đã đổi chủ và thay đổi hoàn toàn về cơ cấu cổ đông trong công ty.

Khu đô thị mới Tây Bắc được xây dựng trên diện tích khoảng 91,37 ha thuộc địa phận phường Phước Mỹ và xã Thành Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm. Dự án này có phía Bắc giáp vành đai thành phố; phía Nam giáp đường Phan Đăng Lưu; phía Đông giáp quốc lộ 1A; phía Tây giáp khu đất nông nghiệp hiện trạng.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.750 tỷ đồng, trong đó, chí phí thực hiện dự án hơn 7.147 tỷ đồng; chi phí bồi thường và hỗ trợ trái định cư hơn 603 tỷ đồng.

Dự án được triển khai với diện tích đất ở khoảng 36,17ha gồm đất nhà ở kết hợp dịch vụ (nhà liền kế) 25,6 ha; đất nhà ở mật độ thấp kết hợp dịch vụ (nhà vườn và biệt thự) gần 5,19 ha và đất nhà ở tái định cư 5,48 ha. Ngoài ra, chủ đầu tư dành 6,1 ha để xây dựng nhà ở xã hội.

Dự án sẽ được xây dựng và hoàn thành trong vòng 7 năm (từ năm 2025 đến năm 2031) kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án. Sau khi hoàn thành, khu đô thị mới Tây Bắc dự kiến đáp ứng quy mô dân số khoảng 6.000 - 8.000 người.

Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị cửa ngõ, kết nối với TP. Nha Trang về phía Bắc theo trục đường QL.1, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây Bắc thành phố, kết nối với cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt theo trục QL.27.

Theo Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN