TP HCM: Đường dân sinh thành nơi “họp chợ" ở Quận 11

Tại nhiều tuyến đường dân sinh như: Đường Lữ Gia, Nguyễn Thị Nhỏ, Lý Thường Kiệt, Thái Phiên, Xóm Đất… thuộc địa bàn quận 11, TP HCM hình ảnh người mua kẻ bán, trưng bày tủ kệ, bảng hiệu, bàn ghế, xe đỗ ngược xuôi dưới lòng đường,…

Theo phản ánh, nhiều tuyến đường dân sinh: Lữ Gia, Nguyễn Thị Nhỏ, Lý Thường Kiệt, Thái Phiên, Xóm Đất… (thuộc địa bàn quận 11, TPHCM) bị chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, mua bán, đậu đỗ xe gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn không được khắc phục, giải quyết.

Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại đường Lữ Gia (đoạn từ đưởng Lý Thường kiệt đến đường Nguyễn Thị Nhỏ) hàng loạt xe bán hàng rong đỗ dưới lòng đường, quán cà phê vô tư chiếm dụng vỉa hè làm bãi để xe máy...

TP HCM: Duong dan sinh thanh noi “hop cho
TP HCM: Duong dan sinh thanh noi “hop cho
 
 Tại đường Lữ Gia (đoạn từ đưởng Lý Thường kiệt đến đường Nguyễn Thị Nhỏ), PV ghi nhận tình trạng nhiều xe bán hàng rong, quán cà phê chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh.

Trên tuyến đường Nguyễn Thị Nhỏ, phường 15, quận 11 (từ đoạn trước cổng trường tiểu học Trưng Trắc đến đường Lý Thường Kiệt) hàng chục xe đẩy bán hàng rong: bánh cuốn, xôi gà, súp cua…vô tư bán hàng dưới lòng đường, người mua cũng không ngại va chạm giao thông vô tư dừng đỗ mua bán. 

Tại góc đường Thiên Phước - Lý Thường Kiệt, quán bánh canh cua 319 còn ngang nhiên dựng khung, che rạp chiếm chọn vỉa hè để kinh doanh. Chưa hết, nhằm thu hút khách hàng, quán này còn dùng loa kẹo kéo phát nhạc hết công suất khiến ai đi qua cũng phải lắc đầu ngao ngán.

TP HCM: Duong dan sinh thanh noi “hop cho
Quán bánh canh cua 319 ngang nhiên dựng khung, che rạp chiếm chọn vỉa hè để kinh doanh. 

Trên các tuyến đường nhánh thuộc Cư xá Lữ Gia như: Đường 3, số 52, số 281,…dù mặt đường rất hẹp như tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường làm chỗ đỗ xe ô tô, xe máy, dựng bảng hiệu cũng diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, một số quán nhậu có mặt tiền trên đường Lữ Gia nhưng lại chiếm dụng chọn đường nhánh phía sau quán làm bãi giữ xe máy, trong số này có quán Nghĩa Phát (số 20 Lữ Gia, phường 15, quận 11). Một số tuyến đường như: Đường số 2, Lê Đại Hành, Bình Thới dù có biển cấm đỗ như nhiều ô tô tải vẫn hiên ngang đậu đỗ bốc dỡ hàng hóa.

Tại các đường Xóm Đất, Thái Phiên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng xảy ra tương tự. Đáng nói, trên đường Thái Phiên, nhiều hàng quán cho khách để cả chục xe máy ra giữa lòng đường dù nơi này chỉ cách UBND phường 8, quận 11 chưa đầy 500m.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận:

TP HCM: Duong dan sinh thanh noi “hop cho
 Xe công vụ của UBND phường 13, quận 11 (biển kiểm soát 50A-015.83) đậu, đỗ ngược chiều trên đường 281 (đoạn trước Công ty Cổ phần hóa dược phẩm Mekophar).
TP HCM: Duong dan sinh thanh noi “hop cho
 Một điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường chỉ cách UBND phường 8, quận 11 chưa đầy 500m.
TP HCM: Duong dan sinh thanh noi “hop cho
 Dù có biển cấm đỗ nhưng nhiều ô tô tải vẫn hiên ngang đậu đỗ bốc dỡ hàng hóa trước số nhà 144 Bình Thới.
 
Theo quy định tại khoản 3 điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc sử dụng lòng, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị nghiêm cấm. Theo khoản 2 điều 35 của luật này, việc họp chợ, mua bán hàng hóa trên đường bộ, tụ tập đông người trái phép là hành vi không được thực hiện.
Về phạm vi địa điểm kinh doanh của cá nhân bán hàng rong, theo điểm đ khoản 1 điều 6 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Ngoài ra, theo điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán hàng rong hoặc hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, có thể bị phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện. Mức phạt có sự thay đổi đối với các hành vi khác nhau như: sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân và 4-6 triệu đồng đối với tổ chức.
Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, 12-16 triệu đồng đối với tổ chức. Nếu chiếm dụng từ 20 m2 trở lên, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân, 20-30 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, buộc phải thu dọn vật tư, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Đặc biệt, việc sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ mà gây thiệt hại cho người khác, tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm (tội "Cản trở giao thông đường bộ"). Trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Hữu Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN