Sáng 17/8, đại diện công an huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân một bé gái tử vong khi tiêm thuốc trị lẹo mắt tại nhà cựu cán bộ y tế xã.
Trước đó, ngày 13/8, cháu Nguyễn Thị Thúy H. (13 tuổi, ở xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) bị lẹo ở mắt, được gia đình đưa ra điều trị tại trạm xá xã Võ Lao nhưng không khỏi nên cho về nhà.
Đến sáng 16/8, bố cháu là anh Nguyễn Văn T. (38 tuổi) đưa cháu đến nhà riêng của ông Hà Văn Thuần (59 tuổi, ở khu 4, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba) để điều trị. Tại đây, ông Thuần đã dùng hai lọ thuốc trộn vào với nhau để tiêm cho cháu H.
Khi ông Thuần đang tiêm thì cháu H. kêu đau bụng, khó thở, mặt tím tái. Thấy vậy, ông Thuần rút kim ra rồi sơ cứu cháu H. tại nhà. Sau đó cháu được đưa sang Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ cấp cứu nhưng khoảng 30 phút sau cháu H. tử vong. Ông Thuần là nguyên cán bộ dược trạm y tế xã Võ Lao đã nghỉ hưu. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Cách chữa lẹo mắt đúng
Lẹo mắt là một nhiễm trùng cấp tính của tuyến bờ mi. Nguyên nhân gây lẹo mắt chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn (Staphylococcus aureus) xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây nên…
Thông thường lẹo tự mất sau một vài ngày hay một tuần mà không cần điều trị đặc hiệu. Thường sau 4 – 6 ngày, mủ vỡ ra và các triệu chứng tại chỗ giảm đi.
Để giảm bớt triệu chứng lẹo mắt và đẩy nhanh tốc độ lành bệnh, ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chườm ấm bằng cách: Đắp lên mi mắt vùng bị lẹo khăn ấm từ 10 đến 15 phút, 3 - 5 lần/ngày đến khi lẹo hết sưng. Chườm ấm sẽ giúp giải phóng các tuyến sụn mi tắc nghẽn và lấy sạch các chất tiết vàng tại mi mắt hoặc dùng kháng sinh tại chỗ. Hàng ngày nhỏ mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý (loại dùng cho mắt).
|
Thông thường lẹo tự mất sau một vài ngày hay một tuần mà không cần điều trị đặc hiệu. |
Lưu ý, khi bị mụn lẹo tránh dùng tay gãi hay chà xát vào, vì làm vậy sẽ gây tổn thương cho mắt, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển khiến bệnh nặng hơn.
Trong trường hợp mụn lẹo to gây khó nhìn, không hết sau 1 tuần, tiết nước mắt nhiều, mụn gây đau, khó chịu… cần đến khám bác sĩ để được điều trị thích hợp.
Bác sĩ sẽ gây tê, chích rạch mụn lẹo lấy mủ ra. Người bệnh có thể tra, nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường là các thuốc kháng sinh, kháng viêm… như polymyxin (thuốc có tác dụng diệt khuẩn, trị mụn lẹo ở mắt hiệu quả) hoặc trong trường hợp người bệnh bị đau do mụn lẹo hoặc do chích rạch có thể dùng thêm thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen…
Nên uống nhiều nước, ăn đồ mát, hoa quả. Kiêng những thức ăn cay, nóng.
Mời độc giả theo dõi video "Dầu thực vật có thực sự tốt cho sức khỏe?". Nguồn: VTC.
Cách phòng tránh lẹo mắt
Hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, nhất là trước khi chạm tay vào mắt. Vệ sinh tay sạch sẽ giúp tiêu diệt nguy cơ sản sinh của loại vi khuẩn gây lẹo này.
Không dùng tay dụi mắt, chà mắt vì vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập vào mắt và gây nhiễm trùng mắt, kể cả khi tay sạch vẫn có thể gây kích ứng mắt.
Không dùng chung vật dụng với người khác, nhất là vật có tác động đến mắt làm tăng nguy cơ nổi lẹo như mỹ phẩm, cọ trang điểm mắt, khăn, kính mát hoặc các vật dụng cá nhân khác, đặc biệt là với những người đang bị lẹo hoặc có tiền sử bị lẹo.
Đeo kính râm hoặc các loại kính bảo vệ khác trong môi trường bụi bẩn hoặc có chất phóng xạ. Đặc biệt, nếu bạn làm việc tại một công trường xây dựng hoặc trong xưởng sản xuất, bạn phải luôn luôn bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi các tác động từ môi trường.
Khi thấy mắt bị lộm cộm hay khó chịu hoặc cảm giác có tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn mí mắt, thì cần đến bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp thời.