Chọn thịt lợn thế nào để tránh mắc viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn

Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 74 tuổi ở Vĩnh Long bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên mua thịt lợn chưa qua kiểm định.
Bệnh nhân Đ.V.H (74 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) làm nghề bán thịt lợn và có tiền căn tăng huyết áp. Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị đau, tê bì vai trái, kèm sốt, không đau đầu nên đi khám tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Qua thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn và được điều trị nội khoa với kháng sinh. Ông H. được bác sĩ điều trị nội khoa với kháng sinh trong suốt 14 ngày. Hiện sức khỏe ông H. đã ổn định và được xuất viện.
Chon thit lon the nao de tranh mac viem mang nao do lien cau khuan lon
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis gây nên và bệnh này cũng có thể lây cho người nên bạn cần có cách phòng tránh. 
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên với các biểu hiện lâm sàng chính như: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.

Video "Cách phòng tránh huyết áp cao hiệu quả". Nguồn: VTC.

Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài, đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
Trường hợp nặng, người bệnh có các biểu hiện sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.
Để phòng tránh liên cầu khuẩn lợn, bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 đã đưa ra một số khuyến cáo như sau:
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis gây nên và bệnh này cũng có thể lây cho người. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Con người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Vì thế, mọi người cần lưu ý:
+ Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
+ Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
+ Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.
+ Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
+ Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.
Thảo Nguyên (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN