Sữa Lactalist nhiễm khuẩn đã vào Việt Nam, cơ quan chức năng nói gì?

Theo thống kê, Việt Nam đã nhập gần 20.000 sản phẩm sữa Lactalis nằm trong diện cảnh báo nhiễm khuẩn Salmonella Agona. Cơ quan chức năng đang khẩn trương kiểm soát nguồn hàng này, trong bối cảnh sữa Lactalis nhiễm khuẩn ngày càng lan rộng.
Thông tin sữa Lactalist nhiễm khuẩn Salmonella Agona gây tiêu chảy đang khiến cả thế giới chấn động, nhất là khi tập đoàn này đã ra thông báo thu hồi tất cả các sản phẩm công thức dinh dưỡng được sản xuất và đóng gói tại nhà máy Craon.
Như vậy, đến nay, đã có thêm 99 lô sản phẩm dinh dưỡng do Tập đoàn Lactalis của Pháp sản xuất vào danh mục các lô hàng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Cụ thể đây là các lô hàng thuộc dòng sữa Celia dành cho cả mẹ và bé, có hạn sử dụng trong năm 2018, 2019. Ngoài ra còn có dòng sữa Picot, Cerealeas Cereline...
Lactalis được biết đến là một tập đoàn lớn của Pháp với 90 năm kinh nghiệm trong các sản phẩm sữa. Những sản phẩm của Lactalis cũng được đông đảo người dùng chọn lựa và có mặt tại hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới. Chính vì thế thông tin sữa Lactalist nhiễm khuẩn khiến người tiêu dùng toàn thế giới hoang mang, lo lắng.
  Hai mẫu sữa Celia của Tập đoàn Lactalis (Pháp). Ảnh: Internet.
Mời quý độc giả xem video"Sữa nhiễm khuẩn Lactalis xuất hiện ở Việt Nam". Nguồn: VTC1:
Tại thị trường Việt Nam, cuối tháng 12/2017, theo thống kê của Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu gần 20.000 sản phẩm sữa của Lactalis Pháp nằm trong diện cảnh báo nhiễm khuẩn Salmonella Agona.
Từng trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết: "Hiện cơ quan chức năng đang rà soát và chỉ đạo kiểm nghiệm chỉ tiêu Salmonella Agona đối với các sản phẩm theo cảnh báo. Trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm, Cục ATTP đề nghị các tổ chức, cá nhân tạm thời ngừng tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm này".
Theo Cục ATTP tính từ ngày nhận được cảnh báo 12/12/2017, Ban Thư ký mạng lưới cơ quan ATTP quốc tế INFOSAN đã cung cấp thông tin của tổng cộng 153 lô hàng thuộc 33 mặt hàng có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella Agona đã được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục ATTP đã thông báo tới các bên liên quan yêu cầu thu hồi toàn bộ các sản phẩm nằm trong danh mục cảnh báo và thông báo Tổng cục Hải quan, cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, ngừng nhập tất cả các lô hàng nằm trong danh mục cảnh báo.
 Nhiều sản phẩm sữa của Tập đoàn Lactalis (Pháp) đã bị thu hồi. Ảnh: Thời báo.
Đồng thời, Cục ATTP đề nghị các tổ chức, cá nhân ngừng tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm các lô hàng trên đề nghị thông tin tới đơn vị này nếu phát hiện.
Bên cạnh đó, bà Phạm Việt Nga - Phó Cục ATTP cho hay, Cục ATTP cũng đã có công văn thông báo cho cơ quan hải quan và các cơ quan kiểm tra nhà nước tại các cửa khẩu để tiến hành kiểm tra đối với các sản phẩm sữa nhiễm khuẩn Salmonella Agona, nếu phát hiện sẽ không cho nhập khẩu vào trong nước.
“Với những sản phẩm cùng loại nhưng không thuộc loại phải cảnh báo, chúng tôi sẽ tiến hành giám sát để kiểm tra các sản phẩm không nằm trong diện cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hay không, đồng thời Cục ATTP cũng sẽ có lực lượng cùng giám sát với công ty trên thu hồi một cách tối đa nhất,” bà Nga nhấn mạnh.
Vị đại diện Cục ATT P cũngkhuyến cáo, gia đình nào có con nhỏ sử dụng sữa này lâu ngày mà có các biểu hiện như đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng, sốt, cần sớm đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Danh mục cảnh báo 99 lô sản phẩm sữa Lactalis nghi nhiễm khuẩn:
 

 

Theo người phát ngôn của Tập đoàn Lactalis, gần 7.000 tấn sản phẩm có thể đã bị ô nhiễm. Tuy nhiên, công ty chưa thể xác định được số lượng bao nhiêu đã được tiêu thụ, bao nhiêu còn lại trên thị trường hoặc đang trong kho.
Do đó, tất cả các sản phẩm được sản xuất từ giữa tháng 2/2017 đã được thu hồi và công ty cho biết các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện để khử trùng tất cả các máy móc sản xuất. Việc thu hồi trên toàn cầu bao gồm hàng trăm sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em được bán dưới thương hiệu Milumel, Picot và Celi.
Hồng Liên (Tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN