CEO Vietnam Airlines nói gì về việc tăng trần giá vé máy bay từ 1-3?

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết việc tăng trần giá vé bay nội địa là điều kiện để cho các hãng hàng không có thể bù đắp được chi phí song cũng là cơ hội để điều chỉnh dải giá vé bay.
* Phóng viên: Từ 1-3 tới, việc cơ quan quản lý cho phép tăng trần giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến giá vé của nhiều hãng hàng không. Việc này ảnh hưởng như thế nào đến giá vé của Vietnam Airlines thời gian tới?
- Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines: Về nới giá trần vé bay nội địa, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn kiểm soát giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Chắc chắn trong tương lai, Việt Nam sẽ hướng tới một thị trường cởi mở khi đã có rất nhiều sự cạnh tranh và tự điều tiết của thị trường.
Từ ngày 1-3 tới, Thông tư của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực điều chỉnh tăng trần giá vé bay nội địa thêm khoảng 5% so với trước đây. Đây cũng là lần điều chỉnh trần giá vé máy bay sau gần 10 năm, từ năm 2015 đến nay. Rất nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi trong thời gian đó, đặc biệt là giá nhiên liệu, các yếu tố về tỉ giá, trong khi ngành hàng không sử dụng USD phần lớn trong cơ cấu chi phí của mình.
Việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa từ 1-3-2024 là điều kiện để cho các hãng hàng không có thể bù đắp được chi phí đã thay đổi trong suốt gần 10 năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa.
Với Vietnam Airlines, khi được nới giá trần, hãng có cơ hội tiếp tục đầu tư chất lượng dịch vụ ở những phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao, đồng thời cũng là cơ hội để hãng hàng không kéo được mức giá xuống thấp hơn để có thể phục vụ được nhu cầu của hành khách ở những phân khúc có khả năng chi trả thấp hơn; hoặc trong những giai đoạn thấp điểm của thị trường có thể có nhiều chương trình khuyến mại hơn. Điều này để đảm bảo hài hòa lợi ích của các hãng hàng không cũng như của khách hàng đi máy bay cũng như chính sách chung của nhà nước.
CEO Vietnam Airlines noi gi ve viec tang tran gia ve may bay tu 1-3?
 
* Theo ông, mặt bằng giá vé máy bay năm 2024 liệu có giảm?
- Mặt bằng giá vé máy phụ thuộc cung - cầu của thị trường. Việc dự đoán mặt bằng giá vé năm 2024 khá khó trong thời điểm hiện nay, khi thị trường vận tải hàng không nội địa thay đổi khá nhiều trong những tháng qua.
Trong giai đoạn Tết Nguyên Đán năm nay, thị trường vận tải hàng không nội địa tuy có tăng so với năm 2019-2022 nhưng lại giảm 13% so với năm 2023. Những diễn biến của thị trường, của nhu cầu hành khách cũng như khả năng cung ứng vận tải của các hãng không do điều kiện máy bay bảo dưỡng… cần phải theo dõi tiếp. Theo đánh giá của chúng tôi thì mức giá của năm 2024 sẽ tương đương như mức giá năm 2023 vì vẫn chưa có những thay đổi quá lớn.
* Du lịch nội địa lo lắng việc tăng giá trần từ ngày 1-3 sẽ gây ảnh hưởng tới ngành du lịch trong dịp cao điểm hè. Các hãng hàng không có chia sẻ gì với ngành du lịch trong bối cảnh ngành du lịch đang muốn kích cầu?
- Ngành hàng không Việt Nam chỉ có cao điểm Tết và cao điểm hè để bù lại cho những giai đoạn thấp điểm khác để đem lại hiệu quả chung trong hoạt động vận tải hàng không. Trong các giai đoạn cao điểm này, ngành hàng không thường sẽ có cơ hội để bán được mức giá tối ưu của mình.
Với mùa hè 2024, Vietnam Airlines và các hãng hàng không cũng sẽ áp dụng chính sách giá ở mức tối ưu trong quy định mức giá trần Bộ Giao thông vận tải đã quy định.
Bộ Giao thông vận tải cuối năm 2023 đã ban hành Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, theo đó sẽ tăng trần giá vé máy bay.
Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản, có hiệu lực từ ngày 1-3-2024.
Cụ thể, với đường bay dưới 500 km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác dưới 500 km.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều. 

Theo Dương Ngọc - Đồ họa: Ngọc Trinh/Người lao động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN