Có một quan niệm khá phổ biến rằng "uống trà dễ gây loãng xương", được ủng hộ bởi một số bằng chứng khoa học. Nhưng cũng có các bằng chứng phản bác lại.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Quân y số 3 và Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đi tìm câu trả lời bằng một nghiên cứu quy mô lớn.
|
Thói quen uống trà đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa từ Internet |
Theo bài công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrition, họ đã phân tích dữ liệu của hơn 56.000 người để đánh giá tác động nhân quả giữa lượng trà tiêu thụ và mật độ khoáng xương tổng thể.
Các tác giả cho biết quyết định nghiên cứu này dựa trên mối lo ngại đã được đưa ra thông qua một số bằng chứng khoa học trước đó, cho rằng tiêu thụ nhiều caffeine sẽ cản trở sự hấp thụ canxi trong đường tiêu hóa, tăng bài tiết canxi qua nước tiểu.
Trong đồ uống caffeine, trà bị "kết tội" nhiều nhất vì còn chứa cả oxalat, được cho là có thể liên kết với các ion canxi, dẫn đến mất canxi từ xương.
Tuy nhiên, kết quả từ nghiên cứu mới cho thấy điều ngược lại: Mật độ khoáng xương đối với người thường xuyên uống trà còn cao hơn so với những người khác, đặc biệt là nhóm tuổi 45-60.
Từ các dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu kết luận rằng mọi người có thể sử dụng trà như một phương pháp phòng ngừa bệnh loãng xương, với liều khuyến nghị là khoảng 7 chén trà nhỏ trở lên mỗi ngày.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) thậm chí chứng minh thói quen uống trà lâu dài không chỉ không gây loãng xương mà còn là phương pháp góp phần làm tăng mật độ xương.
Tác dụng ngoài mong đợi của trà được quy cho chất chất chống oxy hóa, chống viêm rất tốt trong trà, hỗ trợ tạo xương và ức chế tiêu xương, điều chỉnh quá trình trao đổi chất từ xương. Trong đó, tác dụng mạnh nhất ghi nhận ở catechin, thành phần cực dồi dào trong trà.
Một nghiên cứu khác từ Hàn Quốc thì khuyến nghị mức độ uống trà để phòng loãng xương là 1-3 tách lớn mỗi ngày, trong khi một nghiên cứu từ Úc chỉ ra mật độ xương hông sẽ cao hơn 2,8% ở người uống trà.