Bữa trưa nhiều khuẩn độc
Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo về kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn thu thập được liên quan đến bữa ăn trưa tại trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cho 648 học sinh. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong mẫu thực phẩm cánh gà chiên có 3 loại vi khuẩn Salmonella spp (2,4 × 106 MPN/g), Escherichia coli (1,3x102 CFU/g) và Bacillus cereus (3,5 x 103 CFU/g). Ngoài ra trong mẫu nước mắm cũng có vi khuẩn Bacillus cereus (1,0 × 103 CFU/mL).
|
Trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) nơi xảy ra vụ ngộ độc tập thể, khiến hơn 600 học sinh ảnh hưởng sức khoẻ, trong đó 01 học sinh tử vong |
Các cơ sở y tế điều trị cho học sinh bị NĐTP cũng đã thu thập mẫu phân của bệnh nhân để nuôi cấy, phân lập và đã phát hiện tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh, trong đó có một trường hợp kháng với các kháng sinh Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.
Đây không phải là trường hợp hi hữu, trước đây, cũng từng xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn trường học tại một số tỉnh thành trên cả nước. Vào tháng 10/2018, sau bữa ăn trưa tại trường, gần 200 học sinh ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) phải nhập viện với tình trạng đau bụng, buồn nôn, sốt,… Sở Y tế tỉnh này phải điều phối hai Bệnh viện là Sản Nhi Ninh Bình và Trung tâm Y tế Dự phòng để tiếp nhận điều trị cho học sinh.
Cũng thời điểm này, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, các y bác sĩ Bệnh viện quận Tân Phú đã hết sức nỗ lực cấp cứu cho khoảng 30 trường hợp trẻ em từ 7-12 tuổi được chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món bánh mì chà bông gà. Các bé vào viện với tình trạng ói mửa, sốt, đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy.
Hay trường hợp 44 học sinh trường Tiểu học Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói liên tục, choáng váng…sau khi bữa ăn trưa và ăn xế tại trường, với các món thịt xá xíu, canh khoai mỡ nấu thịt bằm, xào hỗn hợp xu xu, cà rốt, bông cải và một món tráng miệng.
|
Sau bữa ăn trưa tại trường, hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang nhập viện vì ngộ độc thực phẩm |
Theo ghi nhận thời điểm đó, phần lớn các suất ăn được cung cấp bởi các doanh nghiệp chuyên nấu ăn, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, điều tra dịch tễ sau ngộ độc cho thấy, các đơn vị cung cấp suất ăn vẫn “3 không”, chưa bảo đảm điều kiện ATVSTP như: cơ sở mặt bằng, dụng cụ chế biến chưa đảm bảo; quy trình chế biến không tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng; nguyên liệu chế biến không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc…
Qua phân tích của Sở Y tế TPHCM, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 52%) như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng…, kế đến là các nguyên nhân thực phẩm bị biến chất, hóa chất tồn dư trong thực phẩm, ngoài ra là các độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm).
Chất lượng bữa ăn học đường: Đừng chỉ kiểm tra cho có!
Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh đã từng công bố một nghiên cứu về khuẩn Samonella và tác hại khôn lường của nó. Trong đó, nghiên cứu cho biết, một con dao kém vệ sinh có thể vấy nhiễm vi khuẩn Samonella lưu cữu, duy trì và sinh sôi nảy nở trong nhiều ngày. Vi khuẩn dính vào áo, quần, tay chân của người tiếp xúc trực tiếp, từ đây "bám chặt" vào bất cứ vật dụng gì trong môi trường có nó, hình thành một ổ khuẩn nguy hiểm gây bệnh viêm nhiễm đường tiêu hoá cho nhiều người.
Hiện, nguyên nhân nhiễm khuẩn của vi khuẩn Salmonella trong chuỗi cung ứng thức ăn vụ việc trên như nào vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm phân lập vi khuẩn của viện Pasteur Nha Trang. Tuy nhiên, sự việc khiến không chỉ các bậc cha mẹ, mà còn khiến mọi ban ngành liên quan đều đứng ngồi không yên.
|
Công tác giám sát, kiểm tra chất lượng, an toàn bữa ăn học đường cần được quan tâm thật sự nghiêm túc, minh bạch của nhà trường, đơn vị cung cấp thực phẩm và các ban ngành chức năng liên quan |
Chị Đỗ Thị Minh Lý (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ với PV: “Sự việc tại trường Ischool Nha Trang quá đau lòng. Nhà tôi có 2 con học lớp 10 và lớp 8 tại trường quận Gò Vấp, nhưng sau sự vụ tại Nha Trang, gia đình tôi rất lo lắng về bữa ăn bán trú của con tại trường. Mong nhà trường và các ban ngành chú trọng đặc biệt đến chất lượng và an toàn thực phẩm bữa ăn cho các con, để đảm bảo sức khoẻ của trẻ và yên tâm cho phụ huynh”.
Cùng tâm trạng, anh Lê Xuân Hiến (ngụ Q. Bình Thạnh) cho hay: sự cố bữa ăn học đường về chất lượng hầu như năm học nào cũng xảy ra tại một số trường trên địa bàn cả nước, nhưng vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang là đáng báo động về sự an toàn thực phẩm trong bữa ăn cho học sinh. An toàn thực phẩm trường học gắn liền với tính mạng của con em chúng ta, nên các quy định chất lượng, an toàn bữa ăn học đường cần được thực hiện nghiêm, tránh hô hào, khẩu hiệu hay làm cho có.
Chia sẻ về vụ việc trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, công tác đảm bảo ATTP đối với bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Ban triển khai thực hiện. Ngay khi sự việc xảy ra tại Nha trang, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã khẩn trương có công văn gửi Sở GD-ĐT phối hợp, giám sát kiểm tra bếp ăn trường học trong toàn thành phố.
Theo bà Lan, từ 2021 tới nay, Ban Quản lý ATTP TP đã có 2 đợt kiểm tra các bếp ăn tập thể (BĂTT), căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP HCM. Theo đó, trong tổng số hàng ngàn cơ sở trường học trên địa bàn TP đang có BĂTT tự tổ chức, BĂTT hợp đồng, căn tin tự tổ chức, Căn tin hợp đồng…được kiểm tra thì đa số đều chấp hành đúng các quy định về ATTP. Chỉ phát hiện 02 cơ sở vi phạm (?).
|
Bữa ăn học đường vẫn còn đó sự thấp thỏm âu lo của toàn xã hội |
Tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình kinh tế-xã hội tại TP HCM chiều 24/11, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, ông Hồ Tấn Minh thừa nhận: “Trên địa bàn TP hiện có hơn 5000 cơ sở nhà trường có hoạt động bếp ăn tập thể và nhiều hình thức khác như: suất ăn hợp đồng và căn tin. Đây là một khó khăn rất lớn cho sở GD-ĐT trong việc quản lý ATTP tại trường học”.
Cũng theo ông Minh, để phòng chống xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học, Sở GD-ĐT đã từng chỉ đạo, các trường cử người trong ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát công tác chế biến, nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, do công việc phải dậy rất sớm trong hoạt động cung cấp suất ăn, vì vậy, việc giám sát từ phía Phụ huynh lâu nay bị bỏ ngỏ.
"Trong 2 tuần liên tiếp tới đây, Sở phối hợp với Ban Quản lý ATTP TP rà soát để nắm tình hình thực hiện việc đảm bảo ATTP theo đúng quy định. Sở cũng đã có chỉ đạo rất nghiêm, đó là Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm việc kiểm soát chất lượng thực phẩm của các bếp ăn, nhà ăn đảm bảo đúng quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trước tình hình ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Nha trang, Sở GD- ĐT TP HCM sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường tiểu học, mầm non, về vấn đề ATVSTP”- ông Minh cho biết.
Có thể nói, ATTP bữa ăn học đường luôn là vấn đề được các ban ngành quan tâm, nhiều giải pháp đã được đặt ra cho công tác này, thế nhưng việc thực thi các quy định rất cần sự minh bạch của nhà trường và các đơn vị cung cấp thực phẩm, cùng sự quản lý, thanh tra, kiểm tra sát sao của ban ngành, để bữa ăn học đường không còn là sự thấp thỏm âu lo của toàn xã hội.
Tính đến hết tháng 10/2022, cả nước xảy ra 43 vụ NĐTP làm 581 người bị ngộ độc, trong đó 11 người tử vong. Năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ NĐTP làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. Đối với các vụ NĐTP xảy ra tại các BĂTT, thống kê trong giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm xảy ra 15 vụ với trên 1.130 người mắc và khoảng 1.000 người nhập viện. (Nguồn: Bộ y tế)