Thủ tướng: "Đến đầu năm 2022, 75 triệu người sẽ được tiêm vaccine"

Thủ tướng cho biết với chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho nhân dân để đạt miễn nhiễm cộng đồng, từ nay đến đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến tiêm cho khoảng 75 triệu người.

Tại lễ phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử diễn ra sáng 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh, vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19.

Ngay từ khi đại dịch bùng phát, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã đề ra các giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả, vừa có tăng trưởng kinh tế dương.

Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện Chiến lược vaccine tập trung nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước để tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân.

Thu tuong:

Chiến dịch tiêm chủng triển khai từ nay tới tháng 4/2022 hướng đến mục tiêu mục 70% dân số Việt Nam được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo.

Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính. Sự ra đời của Quỹ vaccine đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, với hơn 8.000 tỷ đồng đã ủng hộ.

Thủ tướng cho biết trong nguồn cung vaccine khan hiếm, Việt Nam chống dịch hiệu quả nên không thuộc diện ưu tiên cung cấp vaccine. Nhưng với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ ngành liên quan, chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều trong năm 2021 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Đến nay, Việt Nam đã tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vaccine.

Việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả.

“Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc vaccine chưa nhiều hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp mà không so bì tính toán. Đó là lý do tại sao những lô vaccine tháng trước đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Và mấy hôm nay, vaccine được chuyển về tiêm cho nhân dân TP.HCM và một số tỉnh phía Nam”, Thủ tướng cho biết.

Thu tuong:

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm chủng khi vaccine về nhiều trong thời gian tới. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo người đứng đầu đầu Chính phủ, mục tiêu của Chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Để đạt mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Việc tiêm chủng miễn phí cho nhân dân cũng phải đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Thủ tướng đánh giá thời gian qua là giai đoạn khởi đầu, tích lũy những bài học kinh nghiệm để triển khai tiêm chủng diện rộng. Việt Nam dự kiến tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm từ nay đến đầu năm 2022.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Y tế và các bộ ngành, các địa phương liên quan cần tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Thời gian tới khi lượng vaccine về nhiều, các đơn vị cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, tiêm chủng kịp thời, an toàn và hiệu quả.

Kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm từ cộng đồng, Thủ tướng đề nghị người dân không chủ quan, sau khi tiêm vaccine cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

Con gái có chấy, mẹ làm một việc tưởng đúng nhưng khiến con suýt mất mạng

(Kiến Thức) - Ủ thuốc sâu lên đầu con gái để diệt chấy, mẹ suýt chút nữa đã hại con mất mạng.

Theo thông tin đăng tải, sự việc hy hữu xảy ra ở trấn Thạch Bài, thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Trưa 10/7: Thêm 792 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM 600 ca

(Kiến Thức) - Trưa 10/7, Việt Nam ghi nhận số ca mắc kỷ lục 792 ca mắc COVID-19 sau 6 giờ, TP HCM vẫn tiếp tục nhiều nhất với 600 ca.

Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến nay là 27.400. Các ca mắc mới tại TP. HCM(600), Tiền Giang (75), Đồng Tháp (50), Vĩnh Long (26), Sóc Trăng (7), Hưng Yên (7), Phú Yên (7), Bắc Giang (4), Trà Vinh (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (2), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Bình Định (1), Hà Tĩnh (1), Thanh Hoá (1), Thái Bình (1), Hà Nam (1); trong đó 703 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.