Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm làm người phát ngôn Bộ TT&TT

Theo quyết định mới nhất của Bộ TT&TT về phân công công việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được giao thực hiện nhiệm vụ làm người phát ngôn của Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành Quyết định 590 về việc phân công công việc giữa Bộ trưởng và các thứ trưởng.

Cùng với việc quy định nguyên tắc phân công công việc và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ TT&TT, Quyết định cũng quy định cụ thể về phân công công việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm.

Thu truong Nguyen Thanh Lam lam nguoi phat ngon Bo TT&TT
Bộ TT&TT vừa có quyết định mới phân công công việc giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ TT&TT; trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác tổ chức cán bộ của Bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác pháp chế và công tác khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; trực tiếp chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ.

Thứ trưởng Phan Tâm giúp Bộ trưởng phụ trách các công tác: Hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế; thi đua-khen thưởng và lịch sử - truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn chất lượng thuộc lĩnh vực TT&TT.

Thứ trưởng Phan Tâm theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trường Cao đẳng công nghiệp In, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT.

Thứ trưởng Phạm Đức Long giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực: Viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện; giúp Bộ trưởng phụ trách các công tác: Nội chính, Kế hoạch-Tài chính; đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đầu tư tài chính doanh nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra; công tác Đảng, đoàn thể; quân sự của Bộ; công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.

Thứ trưởng Phạm Đức Long theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Kế hoạch và Tài chính, Văn phòng Bộ, Thanh tra, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Ban quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực: Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; giao dịch điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin; công nghiệp CNTT; an toàn thông tin mạng; bưu chính. Đồng thời, giúp Bộ trưởng phụ trách các công tác: Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong Bộ TT&TT; cải cách hành chính; chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển ngành TT&TT; công tác Quốc phòng - An ninh.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Bưu chính, Vụ Kinh tế số và xã hội số, Cục chuyển đổi số quốc gia, Cục An toàn thông tin, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Trung tâm thông tin, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm có trách nhiệm giúp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực báo chí, truyền thông và thực hiện nhiệm vụ làm người phát ngôn của Bộ TT&TT. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng được phân công theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở, Cục Xuất bản, in và phát hành, Cục Thông tin đối ngoại, Báo VietNamNet, Nhà xuất bản TT&TT, Tạp chí TT&TT.

Quyết định 590 của Bộ TT&TT cũng quy định cụ thể về phân công giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng trong việc theo dõi các địa phương, hội, hiệp hội, tham gia các ban chỉ đạo, ủy ban, hội đồng. 

Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tại lễ trao quyết định bổ nhiệm

Sáng 12/9, Bộ TT&TT tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí giữ chức Thứ trưởng Bộ TT&TT. VietNamNet trân trọng giới thiệu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Lâm.

Kính thưa:

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT

Kính thưa đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Kính thưa đồng chí Phan Tâm, Phó bí thư BCS Đảng,Thứ trưởng Bộ TT&TT

Kính thưa các đồng chí uỷ viên Ban cán sự Đảng, các đồng chí thứ trưởng Bộ TT&TT

Kính thưa các vị đại biểu khách quý đại diện cho các Bộ, Ban, ngành của Trung ương

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các anh chị em đồng nghiệp

Kính thưa Hội nghị

Tôi vô cùng xúc động khi ngày hôm nay được đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ TT&TT, để cùng với Ban cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo Bộ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng tiếp tục thực hiện những sứ mệnh và trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó.

Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới Ban Bí Thư Trung ương Đảng, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trao cho tôi cơ hội có được sự tiến bộ này trên con đường công tác, để tiếp tục được cống hiến, phụng sự Bộ và ngành Thông tin truyền thông, và qua đó mà phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân.

Tôi xin chân thành cảm ơn các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương (mà đại diện có mặt ở đây hôm nay có Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ…) đã công tâm thực hiện đúng các quy trình xem xét, thẩm định hồ sơ cán bộ, và đã công bằng đánh giá về các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, để tham mưu cấp có thẩm quyền lựa chọn tôi làm người giúp việc cho Bộ trưởng trong lĩnh vực được phân công.

Tôi xin cảm ơn Đảng uỷ Bộ, tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ TT&TT, và đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đã cân nhắc và lựa chọn tôi để tham gia lãnh đạo công tác của ngành. Bộ trưởng vừa là người thủ trưởng, người thầy, người anh hết sức nghiêm khắc nhưng cũng rất bao dung và quảng đại, luôn nhìn ra những điều tốt đẹp và năng lực trong mỗi cán bộ để trao cho cấp dưới có cơ hội được tiếp tục phát triển. Sự thống nhất trong đa dạng, sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện sứ mệnh, khát vọng chung là điều vô cùng quý báu, hiếm hoi trong công tác quản lý mà Bộ trưởng đã tạo dựng được trong những năm qua tại Bộ và ngành TT&TT chúng ta.

Tôi cũng xin cảm ơn nguyên Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đã giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực công tác của tôi, giúp cho tôi có được nhiều kiến thức và bản lĩnh để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Trong thành quả công tác và sự tiến bộ của tôi, có sự đóng góp công sức của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử. Có sự hỗ trợ công tác và tình cảm yêu mến và sự ủng hộ của các lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch- Tài chính, Văn phòng, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Tôi xin tri ân tất cả những tình cảm tốt đẹp của các đồng chí, các anh chị và các bạn, và sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ đồng nghiệp, anh em gắn bó, chia sẻ, cảm thông như chúng ta đã và đang có.

Ngày hôm nay, nhận trọng trách mới, tôi xin hứa sẽ cùng tập thể Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ đoàn kết, nhất trí, sát cánh cùng Bộ trưởng để thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ và ngành Thông tin và Truyền thông. Tôi xin hứa sẽ mang hết sức mình để thực hiện bằng được quyết tâm và tầm nhìn của Bộ trưởng trong công tác quản lý ngành, đặc biệt là việc mở rộng không gian lĩnh vực được giao quản lý, thực hiện chuyển đổi số để tăng năng suất, hiệu quả lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương làm tốt công tác định hướng thông tin, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần sửa đổi cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật để tháo gỡ khó khăn và tạo thêm nguồn lực để bứt phá cho các đối tượng quản lý, thiết lập sự công bằng trong đối xử giữa các dịch vụ trong nước và dịch vụ xuyên biên giới.

Tôi cũng xin hứa sẽ tuân thủ tuyệt đối sự chỉ đạo lãnh đạo của tổ chức Đảng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tham mưu, hoạch định và thực thi chính sách, thực hiện tốt các quy định về nêu gương trong công tác và trong sinh hoạt, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao đạo đức công vụ, kịp thời cảnh báo và chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp công tác. Tôi cũng sẽ tiếp tục khiêm tốn học hỏi các đồng chí lãnh đạo cấp trên, đồng cấp và các anh chị em đồng nghiệp trong Bộ, trong ngành để góp phần giữ vững truyền thống của ngành, đó là Tiên phong, Đi đầu, là Trung thành, Dũng cảm, Tận Tuỵ, Sáng tạo, Nghĩa tình.

Sau cùng, tôi xin được chứng minh bằng các việc làm và kết quả cụ thể trong công tác cũng như trong cách sống và ứng xử với cấp trên, với anh em đồng nghiệp.

Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu khách quý và toàn thể hội nghị. Xin kính chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm làm Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, tại Quyết định 1066/QĐ-TTg ngày 10/9/2022, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bo nhiem ong Nguyen Thanh Lam lam Thu truong Bo Thong tin - Truyen thong
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm. 

Ông Nguyễn Thanh Lâm sinh năm 1972, từng tốt nghiệp khoa Pháp, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Lâm bắt đầu với vai trò một biên tập viên tiếng Pháp của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vào năm 1993.

Trong hơn 20 năm sau đó, ông chuyển từ làm truyền hình tiếng Pháp sang tiếng Việt và là nhà báo với nhiều tác phẩm truyền hình, đảm nhiệm vị trí trưởng ban thời sự VTV và phó tổng giám đốc AVG - Truyền hình An Viên.

Trước khi về công tác tại Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử, ông Lâm từng giữ chức tổng giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Sau đó ông đảm nhiệm các chức vụ như phó cục trưởng Cục Báo chí, cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử và trước khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng, ông giữ chức cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Như vậy, cùng với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay bộ này có năm thứ trưởng gồm: Thứ trưởng Phan Tâm, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Phạm Đức Long và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: Không bảo hộ ngược sản phẩm văn hoá nước ngoài

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tới đây sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật khi cung cấp nội dung phim ảnh xuyên biên giới vào Việt Nam.

Sáng 17/12, trong phiên thảo luận bàn tròn thuộc khuôn khổ Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về thể chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá trong bối cảnh hiện nay.

Vẫn loay hoay với các Nghị định

GS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, tháo gỡ 5 điểm nghẽn để có thể triển khai thành công ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ nhất là điểm nghẽn về thể chế. GS Từ Thị Loan chỉ ra rằng, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải ban hành Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh Mỹ thuật Nhiếp ảnh và đến năm 2020 sẽ ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật Nhiếp ảnh.

Nhưng đến nay đã cuối năm 2022 chúng ta vẫn loay hoay với các Nghị định. Do đó việc tạo ra hành lang pháp lý tạo điều kiện cho sự phát triển vẫn còn rất hạn chế.

Thu truong Bo TT&TT Nguyen Thanh Lam: Khong bao ho nguoc san pham van hoa nuoc ngoai

 GS Từ Thị Loan

Lĩnh vực quảng cáo thu lại lợi nhuận rất cao nhưng khi ban hành Luật Quảng cáo vào năm 2012, Việt Nam mới quan tâm đến lĩnh vực quảng cáo truyền thống (phát thanh, truyền hình, quảng cáo ngoài trời), đến nay đã lạc hậu trong bối cảnh 4.0 với hình thức quảng cáo qua mạng internet, nền tảng số.

Hiện nay, những hình thức quảng cáo mới này không đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà vào túi chủ sở hữu ở nước ngoài là các thương hiệu như YouTube, Facebook, TikTok... Do đó, chúng ta phải kịp thời sửa luật, sửa các văn bản liên quan.

Thứ hai là điểm nghẽn về cơ chế. Chuyên gia cho rằng phải chuyển từ cấp phép xin – cho theo phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần các giải pháp để tất cả những điều pháp luật không cấm các nghệ sĩ, nhà sáng tạo có quyền làm. Nếu có vi phạm sẽ xử lý bằng luật pháp, thanh tra, kiểm tra để giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, thúc đẩy sản xuất văn hóa để chúng ta có được sự đa dạng văn hoá.

Thứ ba là điểm nghẽn về nguồn lực. GS Từ Thị Loan cho hay, trước kia, chúng ta chỉ quan tâm đến nhân lực lãnh đạo quản lý và nhân lực sáng tạo. Tuy nhiên đội ngũ về sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã rất quan trọng và cần được quan tâm hơn trong tất cả các khâu từ đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, thậm chí là giáo dục nghệ thuật trên ghế nhà trường.

Thứ tư là về nguồn lực tài chính. Công nghiệp hoá đòi hỏi nguồn lực xã hội rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế chính sách, huy động được các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có cơ chế về hợp tác công tư PPP cho dự án đầu tư về văn hoá, nghệ thuật.

Thứ năm, nguồn lực về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn. Đơn cử với ngành điện ảnh chưa có tác phẩm phản ánh sự hào hùng của đất nước hay tương xứng với sự nghiệp đổi mới của dân tộc; trường quay, phim trường, các vấn đề hậu kỳ chưa đáp ứng được. Nhiều khi, chúng ta phải đi quay ở nước ngoài hay làm hậu kỳ ở các nước khác. Như vậy, chúng ta không thể áp dụng “luật chơi” của nước mình.

Hay như vấn đề bản quyền còn rất nhức nhối, chưa có quốc gia nào mà tác phẩm của các danh họa thế giới ở Việt Nam chỉ được bán với giá vài trăm, đến vài triệu đồng. Thực trạng đó cho thấy không thể có được thị trường văn hoá lành mạnh để phát triển công nghiệp văn hoá.

Thể chế có thể thay đổi, mấu chốt là hợp tác và đấu tranh

Chia sẻ vấn đề làm thế nào để chống những nội dung văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng ngoại, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Việc ứng xử, quản lý xử lý nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa. Bởi chúng ta đã thay đổi từ nhận thức, ý chí và thể chế, chính sách đã được hoàn thiện.

Điều khó là chúng ta không chủ trương cấm tuyệt đối. Bởi cấm rất dễ, chỉ 30 phút sau khi quyết thì sẽ không có Facebook…, nhưng đây là tiến bộ công nghệ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích xã hội. Cũng có những lợi ích phải gạn đục khơi trong, kéo toàn xã hội cùng thực hiện để nhận biết đâu là “rác”, đâu là thông tin độc hại để có ứng xử phù hợp.

Thu truong Bo TT&TT Nguyen Thanh Lam: Khong bao ho nguoc san pham van hoa nuoc ngoai-Hinh-2

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, việc ngăn chặn thông tin xấu độc thời gian qua của các cơ quan nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, thời gian tới hướng đến chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không phải thông tin lên mạng rồi mới ngăn chặn.

Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, khó khăn nhất trong thời gian tới là các cơ quan chưa nắm được tập quán chia sẻ thông tin của các nền tảng xuyên biên giới. Các nền tảng này khi vào Việt Nam có xu hướng gợi ý những thông tin xấu độc - điều này làm người xem tiếp cận và phơi nhiễm với thông tin xấu.

Do đó, các cơ quan cần có thêm thời gian để nhận diện xác định đúng vấn đề này, từ đó có biện pháp chống, hướng đến thay đổi tập quán và gợi ý thông tin tốt.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, vừa qua ông đã chủ trì cuộc họp rất quan trọng với các nhà quảng cáo để làm sao định hướng các đơn vị đó vào các nền tảng nội chứ không phải là dùng số tiền đó nuôi dưỡng những thông tin trên các nền tảng ngoại.

Như vậy, về mặt thể chế, đôi khi chúng ta có những vấn đề khó, nhưng rõ ràng bằng các quy định cụ thể thì vẫn có thể xử lý được hạn chế này khi các nền tảng ngoại thâm nhập vào Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, tới đây sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước.

“Với Nghị định 71 vừa được ban hành sửa đổi Nghị định về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet, tôi khẳng định sẽ không còn chuyện đó.

Tới ngày 1/1/2023 Nghị định này có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định như doanh nghiệp trong nước. Nếu không thì sẽ bị chặn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phải tạo ra một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài vào Việt Nam tuân thủ pháp luật. Đồng thời mang nguồn lực với thế mạnh của chính họ để đầu tư sản xuất những nội dung trong nước, sau đó lại phân phối phát lên trên những nền tảng của họ, không phải chỉ cho trong nước mà cả thế giới xem.

“Ở đây bài toán đặt ra là chúng ta phải hợp tác và đấu tranh, cái khó ở chỗ đấy chứ không phải cái khó về thể chế, phương pháp làm nữa”, ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thêm.

Trong năm tới, Bộ TT&TT cũng sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất tivi thông minh và điện thoại thông minh bán ra ở Việt Nam phải cài sẵn tất cả những ứng dụng cung cấp nội dung báo chí, truyền hình hợp pháp, có giấy phép và không được nghiễm nhiên cài đặt các ứng dụng mà không xin phép các cơ quan quản lý nhà nước.