Tái thiết cuộc sống sau bão, lũ

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão dẫn đến lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Tái thiết cuộc sống bình thường mới sau bão lũ là việc cấp bách.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý Ứng dụng và các chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Nguyễn Trí Hiếu đều cho rằng, tái thiết cuộc sống bình thường mới sau bão lũ là việc làm cần thiết, không chỉ khôi phục hoạt động đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, mà còn hỗ trợ, xây dựng một cộng đồng xã hội bền vững, mạnh mẽ hơn.
Tai thiet cuoc song sau bao, lu
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão dẫn đến lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. (Ảnh: Chính phủ)
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề
Bão số 3 Yagi gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, nguyên nhân là gì?
PGS.TS Cao Đình Triều: Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi xin chia buồn cùng gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3 và chia sẻ với những gia đình bị ảnh hưởng.
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức tàn phá rất lớn do thời gian trên đất liền kéo dài. Bão gây tổn thất rất nặng nề, khiến 329 người chết, mất tích, thiệt hại về tài sản lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đời sống người dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa phương.
Trong đó, thiệt hại về người phần lớn do lũ quét, sạt lở đất. Nguyên nhân gây sạt lở đất là liên kết trong cấu trúc đất đá của khu vực đó bị yếu dưới tác động của thời tiết và ngoại cảnh, dẫn tới không còn đủ chắc chắn để giữ vững cấu trúc ban đầu. Cùng đó, tác động từ môi trường, thời tiết khi mưa lớn kéo dài làm lượng nước tích tụ trong đất tăng lên, phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng. Mối liên kết giữa đất với đất, đất và rễ cây không đủ bền chắc để giữ được lớp đất đá ở địa hình sườn dốc, dẫn đến sạt lở.
Bão số 3 cho thấy, dự báo, cảnh báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế. Sạt lở đất, khi đi khảo sát lập bản đồ 1/5000 ở vùng Tây Bắc, mới chỉ phản ánh được các vị trí. Khi nghiên cứu về trượt lở lớn, phải đi sâu nghiên cứu những khối trượt lớn chứ không chỉ vị trí.
Lũ ống, lũ quét phụ thuộc địa hình rộng lớn và phải đánh giá cả một quả đồi, ngọn núi, cả một vùng chứ không phải tại một vài điểm. Bên cạnh đó, theo tập quán, các dân tộc ở miền núi chọn vị trí dựng làng phải có đất canh tác, nước…, nhưng lại quên rằng, vùng đó từng có những trận lũ quét.
Tai thiet cuoc song sau bao, lu-Hinh-2
PGS.TS Cao Đình Triều 
Từ những bài học đau xót do bão số 3 để lại, chúng ta cần rút kinh nghiệm gì để tránh những hậu quả tương tự xảy ra?
PGS.TS Cao Đình Triều: Ở góc độ chuyên môn, theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là đi sâu nghiên cứu nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét miền núi, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở mà hiện nay chúng ta vẫn còn đang yếu, nhiều lúc chưa tập trung.
Nhiều bài học đau xót đã xảy ra, mới đây là câu chuyện tại Làng Nủ, Lào Cai. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về những biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cung cấp kỹ năng ứng phó thiên tai.
Một lưu ý khác, đối với miền Trung, nơi thường xảy ra bão lũ gây ngập úng, người dân đã áp dụng mô hình xây nhà chống lũ. Còn ở miền núi phía Bắc, theo truyền thống tập quán, sinh hoạt, nhiều người xây dựng nhà sàn. Do đó, chúng ta cần dự báo mức lũ có thể lên để người dân xây dựng nhà sàn phù hợp, ứng phó bão lũ mà vẫn giữ được truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc.
Giải pháp tái thiết cuộc sống sau bão, lũ
Sau bão, lũ, bài toán đặt ra cần phải cấp bách tái thiết cuộc sống, các chuyên gia đề xuất kịch bản, giải pháp thế nào?
PGS.TS Cao Đình Triều: Để nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, Chính phủ, các địa phương đã nhanh chóng triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng đời sống người dân về y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch, lao động việc làm… Từ đó, ưu tiên nguồn lực, triển khai khắc phục sau bão lũ như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, di dời khẩn cấp các hộ dân, điểm dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao; cấp lương thực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, làm sạch môi trường, hóa chất khử khuẩn, khử trùng, xử lý nguồn nước sinh hoạt, thuốc phòng chống dịch bệnh…
Tai thiet cuoc song sau bao, lu-Hinh-3
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình. 
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình: Ở góc độ chuyên gia kinh tế, tôi quan tâm giải pháp trọng tâm về hỗ trợ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Theo tôi, cần những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng do mưa bão để phục vụ sản xuất, năng lực về cung ứng dịch vụ, đặc biệt phải khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tôi đề xuất, đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, cần được hỗ trợ từ các quỹ theo quy định hiện hành như phòng chống thiên tai. Tùy điều kiện, các địa phương có thể sử dụng quỹ về dự trữ tài chính, dự phòng rủi ro cho thiên tai. Đồng thời, có thể giảm thuế trực tiếp và có mục tiêu chứ không phải giảm thuế cho tất cả doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão, lũ có thể được giảm thuế về thu nhập doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng từ bão, lũ. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm có hợp đồng bảo hiểm tài sản đối với các doanh nghiệp cần nhanh chóng đánh giá thiệt hại để đền bù đúng thời điểm theo các điều khoản hợp đồng đã ký.
Cơ quan nhà nước cũng cần nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng, sử dụng nhiều nguồn khác nhau để khắc phục như đường xá, hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc…
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Cơn bão số 3 Yagi gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ở miền Bắc và làm mất khả năng trả nợ của nhiều doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cần tức thời đưa ra những chương trình tín dụng đặc biệt với lãi suất thấp và điều kiện vay dễ dàng cho doanh nghiệp để họ mau chóng phục hồi.
Bên cạnh đó, một lo ngại khác, hiện nợ xấu của ngân hàng tiếp tục có xu hướng gia tăng do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nhưng chậm. “Sức khỏe” của doanh nghiệp chưa được cải thiện đáng kể, cộng với thiệt hại từ cơn bão Yagi để lại, tạo áp lực nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm.
Bản thân các ngân hàng hiện cũng bị thiệt hại trực tiếp từ cơn bão khi các chi nhánh phải đóng cửa hoặc hư hại do bão gây ra. Trong khi đó, nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Hiện, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thậm chí đưa ra những gói hỗ trợ cho khách hàng nằm trong vùng bão lũ. Điều này càng ảnh hưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng và tiếp tục đẩy nợ xấu gia tăng.
Xin cảm ơn các chuyên gia.
Nghị quyết khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Ngày 17/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi.
Trong đó, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát gồm:
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… thời gian tới; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ; Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
>>> Mời độc giả xem thêm video Tổng thiệt hại mà bão số 3 để lại, thương vong và mất mát
  

Miền Trung sạt lở, cô lập khắp nơi

Sau 2 ngày mưa lớn liên tục, nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung chìm trong biển nước, nhiều nơi sạt lở nặng.

Chiều 11-10, ông Trần Văn Sương - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết lực lượng chức năng vẫn tích cực tìm anh Nguyễn Văn Nam - nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở Nhà máy Thủy điện Kà Tinh (huyện Trà Bồng) xảy ra chiều tối 10-10.

Khu vực này vẫn mưa rất lớn, nguy cơ tiếp tục sạt lở. Vụ lở núi này làm 1 tổ máy bị vùi lấp, phá hỏng mố cầu Kà Tinh và cô lập hoàn toàn 6 xã khu Tây huyện Trà Bồng, với hơn 20.000 dân.

Nhiều trường ở Quảng Trị:cho học sinh nghỉ học tránh bão số 4

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhiều trường học tại Quảng Trị đã chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh bão số 4.

Sáng 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 4, gây mưa lớn cho khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhiều trường học tại Quảng Trị chủ động cho học sinh nghỉ học để để phòng tránh bão số 4.

Tạm ngừng khai thác sân bay Đồng Hới để tránh bão số 4

Sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm ngừng khai thác máy bay tại sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) từ 15h ngày 19/9.

Ngày 19/9, một lãnh đạo Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, Cục Hàng không Việt Nam vừa có quyết định tạm ngừng khai thác máy bay tại sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) từ 15h đến 22h ngày 19/9 do thời tiết xấu vượt tiêu chuẩn khai thác.

Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Cảng hàng không Đồng Hới, cho biết: “Thời tiết xấu, vượt tiêu chuẩn khai thác nên đơn vị nhận lệnh tạm dừng đón máy bay chiều đến và cất cánh. Nhân viên cảng điều động chằng néo nhà cửa, đắp bao cát trên mái nhà, gia cố hàng rào sân bay…”.