Tài khoản trên mạng của hành khách máy bay Malaysia vẫn hoạt động?

(Kiến Thức) - Thân nhân của một số hành khách trên chuyến bay mất tích MH370 tuyên bố, điện thoại của người thân của họ vẫn đổ chuông, tài khoản trên mạng vẫn hoạt động.

Tờ Washington Post cho biết, gia đình của một số hành khách trong số 239 người có mặt trên chiếc máy bay mất tích Boeing 777 tuyên bố vẫn có thể gọi vào máy điện thoại di động của người thân và nghe tiếng nhạc chuông đổ.
Trong một số trường hợp, người thân còn nhìn thấy họ hoạt động trực tuyến thông qua một trang mạng của Trung Quốc được gọi là QQ. Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, một người đàn ông có người thân trên chiếc máy bay mất tích cho biết, tài khoản QQ của anh rể mình báo hiệu, người anh này vẫn đang online trực tuyến.
Trong khi đó, Bian Liangwei, em gái của một hành khách trên chuyến bay MH370 khẳng định, cô đã kết nối được với điện thoại của người anh trai mất tích.
“Sáng nay (ngày 11/3), khoảng 11h40 tôi gọi vào số của anh trai 2 lần và nghe thấy tiếng chuông đổ. Khoảng 14h tôi gọi lại, chuông vẫn đổ”, tờ International Business Times dẫn lời Bian Liangwei cho biết.
Người thân của hành khách máy bay mất tích tại sân bay Bắc Kinh.
 Người thân của hành khách máy bay mất tích tại sân bay Bắc Kinh.
Nhưng điều khiến người thân của một số hành khách máy bay mất tích đau buồn và hoang mang là những cuộc gọi đi không ai nghe máy, những thông điệp gửi tới tài khoản QQ trên mạng không được hồi âm. Tất cả những gì họ nhận được là sự im lặng dài bất tận.
Tờ Daily Mail của Anh cho biết, việc điện thoại của hành khách máy bay Malaysia vẫn đổ chuông, tài khoản trực tuyến vẫn hoạt động đang làm tăng thêm mức độ rối trí của những người thân đang mòn mỏi mong ngóng tin tức của người mất tích.
Tất cả những điều này càng tăng thêm sự kỳ lạ và bí ẩn chưa từng có cho sự biến mất của chuyến bay MH370.
Giới chức của hãng Malaysia Airlines tại Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh, việc tài khoản QQ hoạt động và điện thoại đổ chuông có thể giúp các cơ quan chức năng xác định được vị trí của những hành khách xấu số trên chiếc máy bay mất tích.
Hiện nay việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã được mở rộng tới eo biển Malacca, cách xa vị trí các thiết bị theo dõi điện tử liên lạc được với nó lần cuối cùng khoảng 1000 dặm. Việc mở rộng tìm kiếm làm tăng đáng kể khả năng chiếc máy bay đã bay băng qua đất liền Malaysia, trước khi rơi xuống biển mà không được bất cứ radar nào phát hiện.
Giới chức Malaysia Airlines cho biết, hiện bờ biển phía tây của Malaysia gần eo biển Malacca là trọng tâm của cuộc săn lùng chiếc máy bay mất tích.

Lính "lạ" chiếm giữ nhiều căn cứ quân sự ở Crimea

(Kiến Thức) - Lực lượng vũ trang lạ đã tiếp quản một bệnh viện quân đội quan trọng cùng căn cứ vận tải quân sự của chính quyền Ukraine đóng tại Crimea.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc việc này nhằm củng cố lực lượng để đảm bảo cho cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea ngày 16/3 diễn ra suôn sẻ. Theo đó, vào giữa trưa ngày 10/3, khoảng 20-30 người đàn ông mặc quân phục ập tới bệnh viện quân đội chủ chốt của Ukraine tại thành phố thủ phủ Simferopol. Nhóm người này mang theo dùi cui rồi đe dọa các nhân viên bệnh viện và 30 bệnh nhân (chủ yếu là binh lính hoặc cựu chiến binh người Ukraine).
Lính lạ chiếm đóng một đơn vị vận tải quân sự ở Bakhchysaray hôm 10/3.
 Lính lạ chiếm đóng một đơn vị vận tải quân sự ở Bakhchysaray hôm 10/3.
“Mọi người thực sự lo sợ cho cuộc sống của họ. Chúng tôi không biết bọn họ thực sự muốn gì”, Giám đốc bệnh viện bị chiếm đóng ông Evgen Pyvoval nói. Trong cuộc đột kích này, ông Pyvoval đã bị tống vào một chiếc xe buýt trong vòng 30 phút.

Hội đồng Bảo an LHQ vẫn bế tắc về khủng hoảng Ukraine

(Kiến Thức) - Tuy đã tổ chức 5 cuộc họp, song các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn chưa có đột phá nào trong thảo luận về khủng hoảng Ukraine.

Thông tin trên được Đại sứ Nga tại LHQ ông Vitaly Churkin tiết lộ cho báo giới vào ngày hôm nay. Theo đó, vị đại sứ Nga chia sẻ rằng, đại diện các bên hầu như không đưa ra thêm bất kì tín hiệu khả quan nào để giải quyết cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở quốc gia từng thuộc Liên Xô này.
Cuộc họp của các Hội đồng Bảo an LHQ.
Cuộc họp của các Hội đồng Bảo an LHQ.
Sylvie Lucas - đại diện thường trực của Đại Công quốc xứ Luxembourg đồng thời cũng là vị chủ tọa của Hội đồng bảo an trong tháng 3 cho hay, cuộc trưng cầu dân ý sắp tới ở Crimea đã trở thành một trong những vấn đề tâm điểm trong chương trình nghị sự lần này.