Chứng khoán trong tuần giao dịch 9-13/5 thật sự thảm khốc khi VN-Index mất luôn mốc 1.200 điểm, đánh mất mọi thành quả tích luỹ đi lên trong hơn 1 năm.
Tổng cộng, VN-Index bay hơn 146 điểm trong 5 phiên giao dịch, tương đương mức giảm 11%, đặc biệt chỉ trong 2 phiên cuối tuần 12-13/5 VN-Index giảm đến 110 điểm.
Không chỉ vậy, tính rộng ra trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 tới nay, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lọt top chứng khoán giảm mạnh nhất khi mất tới 21% sau hơn 5 tháng.
Ngoài ra, chỉ số VN30 cũng giảm gần 11%, song song đó, HNX-Index giảm 12% và UPCoM cũng giảm 8,11%.
|
Những cổ phiếu kéo VN-Index và HNX-Index giảm mạnh trong tuần vừa qua. |
Những cái tên góp phần vào đà giảm sâu của VN-Index có VCB, MSN, TCB, HPG, BID, VPB, GVR, GAS,… Tội đồ kéo giảm điểm trên HNX có THD, IDC, NVB, VCS, MBS, PVI,…
Các nhóm vốn hoá lớn, thanh khoản cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản gần như chìm hoàn toàn trong sắc đỏ. Số cổ phiếu giảm sàn thậm chí còn áp đảo. Như nhóm chứng khoán, gần 20 cổ phiếu giảm sàn. Còn bất động sản, số cổ phiếu giảm sàn tiếp tục “không đếm xuể”.
Trước giao dịch khá tiêu cực của chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
“Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định TTCK trong nước.
Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả”, đại diện Lãnh đạo UBCKNN nói.
Còn trong một bài talkshow gần đây, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, CFA Charter Holder đánh giá hiện tại VN-Index đang ở mức trên 1.200 điểm, so với giai đoạn trước đã tăng trưởng khoảng 30%.
Ông Trung cho rằng mức định giá thị trường vẫn đang cao và cần giảm thêm chút nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn theo tính chu kỳ của nền kinh tế đang kết thúc, việc tăng lãi suất diễn ra rất nhanh, tỷ lệ P/E thị trường chấp nhận sẽ giảm xuống thấp hơn so với năm 2019.
Theo ông Trung, năm 2020 - 2021 thị trường ở trong một chu kỳ đi lên nên các đợt giảm mang tính chất điều chỉnh. Còn hiện tại, thị trường đang trong chu kỳ đi xuống và kết thúc một giai đoạn kinh tế, thông thường sẽ giảm 30 - 40% từ đỉnh. Với việc thắt chặt tiền tệ của Fed, tình hình lạm phát cao, VN-Index có khả năng đi về 950 điểm.
Với nhận định này, ông Trung đã khuyến nghị nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy. Với kịch bản xấu hiện tại, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống còn 40% để bảo toàn vốn cho một chu kỳ tăng tiếp theo. Nếu nhà đầu tư không đủ kinh nghiệm và kỹ năng nên ngồi im đợi chu kỳ giá xuống.
Còn với nhà đầu tư đủ kinh nghiệm, có thể tìm cơ hội kiếm lời, bởi trong kỳ giá xuống vẫn có đợt hồi của thị trường. “Nhà đầu tư có thể đưa ra chiến lược mua ở phiên thị trường rũ rất mạnh, hàng loạt cổ phiếu bluechip giảm mạnh, tập trung chỉ mua bluechip, khi phục hồi nên bán và kiếm lời từ 5 - 7%”, ông Trung khuyến nghị.