Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) với chủ đề giành thêm thị phần trong bối cảnh kiểm soát chặt nguồn gốc vàng.
Trong tháng 7, PNJ đã đạt 2,5 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (+4% so cùng kỳ), trong khi lợi nhuận ròng bất ngờ giảm xuống mức 51 tỷ đồng (-41% so cùng kỳ) do biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ giảm trong bối cảnh giá vàng nguyên liệu tăng cao, cũng như cơ cấu sản phẩm thay đổi sang hướng sản phẩm có hàm lượng vàng cao hơn.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 24,6 nghìn tỷ đồng (+31% so cùng kỳ) và 1,2 nghìn tỷ đồng (+4% so cùng kỳ).
Chính phủ đã tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ vàng và trang sức bắt đầu từ tháng 5, khiến các cửa hàng vàng nhỏ hạn chế giao dịch sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc. Thay vào đó, các cửa hàng bán lẻ này đã tăng đơn hàng thông qua PNJ để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm hợp lệ. Điều này lý giải cho mức tăng trưởng khả quan về doanh thu bán buôn (46%- 67% rong tháng 5, 6, 7 năm 2024).
Trong khi đó, doanh thu vàng miếng ảm đạm trong tháng 7 (-36% so cùng kỳ và -39% so với tháng trước). Trong bối cảnh vàng khan hiếm, các ngân hàng thương mại nhà nước bắt đầu bán vàng miếng SJC ra thị trường từ tháng 6/2024, do đó khiến giá vàng miếng SJC giảm xuống gần với mức giá vàng quốc tế. Điều này khiến những nhà đầu cơ vàng ngắn hạn hạn chế tham gia vào thị trường hơn. Do đó, doanh thu vàng miếng của PNJ đã hạ nhiệt vào tháng 6 và tháng 7.
Biên lợi nhuận gộp trong 7T2024 giảm so cùng kỳ (16,4% trong 7T2024 so với 18,7% 7T2023) do tăng trưởng doanh thu mạnh hơn từ danh mục sản phẩm có biên lợi nhuận thấp.
Trong 7T2024, doanh thu vàng miếng và bán buôn tăng mạnh lần lượt là 67% so cùng kỳ và 25% so cùng kỳ, trong khi doanh thu bán lẻ tăng với tốc độ chậm hơn là 15% so cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đối với mảng bán lẻ được duy trì khá ổn định (29,1% trong 7T2024 so với 29,8% trong 7T2023).
Tuy nhiên, SSI lưu ý rằng biên lợi nhuận mảng bán lẻ biến động nhiều hơn trong một số tháng (tháng 6 và tháng 7) do giá nguyên liệu vàng tăng và cơ cấu sản phẩm thay đổi. Giá vàng tăng tốc vào tháng 7 (+5% so với tháng trước), điều này giải thích một phần cho mức giảm mạnh trong biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ vào tháng 7.
Vì quý 3 là mùa thấp điểm của ngành trang sức nên công ty gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giá bán để bù đắp cho chi phí nguyên liệu vàng tăng.
Ban lãnh đạo cũng lưu ý rằng trong bối cảnh thiếu hụt vàng miếng, khách hàng có xu hướng mua sản phẩm trang sức có hàm lượng vàng cao, sản phẩm này thường có biên lợi nhuận thấp hơn trang sức đá quý.
Hành vi này được quan sát thấy vào tháng 6 và tháng 7 từ đó làm giảm biên lợi nhuận gộp của doanh số bán lẻ trong giai đoạn này, mặc dù công ty không cung cấp dữ liệu chi tiết về tỷ trọng đóng góp của sản phẩm trang sức có hàm lượng vàng cao.
Trong tháng 7, PNJ đã đẩy nhanh mở mới với 4 cửa hàng mới được mở trong tháng (+9 cửa hàng mới so với đầu năm). Do đó, SSI cho rằng PNJ vẫn đang thực hiện đúng kế hoạch mở mới trong năm 2024 (+35 cửa hàng mới).
Mặc dù kết quả kinh doanh tháng 7 kém khả quan, SSI lưu ý rằng đặc điểm quý 3 thường là mùa thấp điểm và có thể không ảnh hưởng nhiều đến ước tính cả năm (lợi nhuận quý 3 thường chỉ chiếm 13-14% lợi nhuận năm 2022-2023).
SSI cho rằng biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ sẽ cải thiện trong quý 4 khi quay lại mùa cao điểm, PNJ sẽ giới thiệu bộ sưu tập mới và điều chỉnh giá niêm yết để bù đắp cho chi phí nguyên liệu vàng tăng.
Do đó, SSI duy trì ước tính lợi nhuận ròng cho năm 2024-2025 lần lượt là 2,2 nghìn tỷ đồng (+13% so cùng kỳ) và 2,57 nghìn tỷ đồng (+16% so cùng kỳ).
Từ đó, SSI chuyển cơ sở định giá sang năm 2025 (từ mức trung bình 2024-2025) và đưa ra mức giá mục tiêu mới là 120.000 đồng/cổ phiếu (từ 112.000 đồng) và duy trì khuyến nghị Khả quan cho cổ phiếu PNJ.
Trong khi đó, chốt phiên ngày 28/8, cổ phiếu PNJ đang dừng tại mức 101.600 đồng/cp, ghi nhận mức tăng hơn 7% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân gần 1,3 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.